Đầu nguồn ứng phó sạt lở - Kỳ 1: Những khúc sông không bình yên

01/10/2019 - 10:18

 - An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, nơi đầu tiên tiếp nhận nguồn nước từ thường nguồn sông Mê Kông đổ về… Những năm gần đây, tình hình sạt lở trên địa bàn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản và đời sống, sản xuất của người dân.

Đầu nguồn ứng phó sạt lở - Kỳ 1: Những khúc sông không bình yên

Sạt lở gây thiệt hại nhiều tài sản, nhà cửa, đất đai của người dân.

Đầu nguồn ứng phó sạt lở - Kỳ 1: Những khúc sông không bình yên

Di chuyển tài sản ra khỏi vùng sạt lở.

Đầu nguồn ứng phó sạt lở - Kỳ 1: Những khúc sông không bình yên

Về lâu dài, cần có phương án bố trí những hộ dân sống ven kênh rạch có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.  

Từ vụ sạt lở lớn…

Vụ sạt lở tại bờ sông Vàm Nao đoạn thuộc xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới) xảy ra sáng 22-4-2017, đến nay người dân vẫn chưa hết bàng hoàng. Sạt lở bất ngờ xảy ra đã làm cho 16 nhà dân ở tổ 14 (ấp Mỹ Hội) trôi tuột xuống sông, 106 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Mấy chục năm gắn bó với vùng đất nơi này, ông Trần Văn Bi (55 tuổi)- một trong những người có nhà bị sạt lở cuốn trôi, thảng thốt: “Khi sạt lở ùm ùm xuống, cả gia đình tôi chỉ biết tháo chạy thoát thân. Căn nhà là tài sản hơn 30 năm chắt mót gầy dựng bị trôi xuống sông. Nhờ được cảnh báo trước đó nên gia đình di chuyển được một số đồ đạc ra ngoài”.

Vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra trên bờ sông dài khoảng 160m, xâm thực vào đất liền hơn 30m, tổng thiệt hại ước tính khoảng 90 tỷ đồng. Đến nay, chính quyền các cấp và nhà hảo tâm các nơi đã chung tay hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở có chỗ ở ổn định, nhưng vẫn còn nhiều hộ dân trong khu vực này chưa có điều kiện di dời, đang sống trong cảnh bất an, bởi nguy cơ sạt lở có thể tiếp diễn bất cứ lúc nào…

Tại huyện Châu Phú, đêm 31-7-2019 trên tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, tiếp tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng, vết nứt lan rộng, khoét sâu vào mặt đường và kéo dài hơn 80m. Trước đó, đoạn cách khu vực này khoảng 340m đã liên tiếp xảy ra sạt lở lớn gây đứt đường, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân. Trong vụ sạt lở mới này, có 26 hộ dân phải di dời khẩn cấp, khu vực nguy hiểm được khoanh vùng. UBND tỉnh ban bố tình huống khẩn cấp, phân luồng giao thông đi vào tuyến tránh và triển khai công tác khắc phục sự cố, thả bao tải cát tạo kè chắn. Tuy nhiên, sau hơn 2 tuần thi công, toàn bộ số bao cát được thả xuống sông Hậu để khắc phục sự cố sạt lở đã bị sụp hoàn toàn xuống lòng sông. Nguyên nhân được xác định do địa hình đáy sông có lạch áp sát bờ, tác động dòng chảy tạo hàm ếch. Tại vị trí sạt cách bờ 70m có hố xoáy sâu 25m, dài 160m, rộng 30 - 50m, dốc đứng. Ngoài ra còn do tác động của tải trọng của các loại phương tiện xe cơ giới (đây là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh đi từ Long Xuyên - Châu Đốc - Campuchia nên lưu lượng xe rất lớn) và lưu lượng tàu thuyền qua lại nhiều. Hiện nay, đoạn đường này đã được phong tỏa, các phương tiện xe cơ giới lưu thông đều đi vào đường tránh 5km đoạn từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông theo hướng Long Xuyên - Châu Đốc và chiều ngược lại.

Tại khu vực sạt lở bờ sông Hậu kéo dài từ kênh xáng Tân An đến ngã ba sông Châu Đốc (phà Châu Giang) thuộc xã Châu Phong (TX. Tân Châu) với tổng chiều dài khoảng 7.000m diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây. Đặc biệt, sạt lở bờ sông Hậu, đoạn thuộc xã Châu Phong uy hiếp tuyến dân cư với hàng ngàn hộ dân và lộ giao thông Châu Phong - Long An; uy hiếp tuyến đê bao bảo vệ an toàn 3.400ha sản xuất lúa 3 vụ của vùng bắc Vĩnh An. Trước nguy cơ xâm thực ngày càng gia tăng, tỉnh đã triển khai dự án “Nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đoạn sông Hậu thuộc xã Châu Phong (TX. Tân Châu) và xã Vĩnh Trường, xã Đa Phước (An Phú)” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân.

Đến cảnh báo khẩn cấp

Cuối tháng 8-2019 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đã ký quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú. Đê bao tiểu vùng xã Vĩnh Trường (An Phú) được đầu tư hoàn thành năm 2002, là tuyến đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn độc đạo bao quanh cù lao Vĩnh Trường, bảo vệ sản xuất cho diện tích 900ha, bảo vệ 3.702 hộ dân sinh sống trong vùng. Trong vùng còn có trụ sở UBND xã Vĩnh Trường, trạm y tế xã, 6 điểm trường học (1 trường mẫu giáo, 4 trường tiểu học, 1 trường THCS) và 3 cụm tuyến dân cư bên trong.

Từ ngày 18-2-2017 đã xảy ra sạt lở đê Vĩnh Trường, tại ấp Vĩnh Bình với chiều dài 15m, xâm thực vào đất liền 4m, ảnh hưởng đến 2 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Địa phương đã triển khai các phương án khắc phục tạm để hạn chế sạt lở. Trong năm 2018, đã xảy ra 4 vụ sạt lở tại khu vực này, trong đó sạt lở ngày 4-9-2018 với chiều dài 222m, ăn sâu vào đất liền 9m, sạt lở khoét sâu vào mặt đê và đường giao thông từ 2 - 3m; sạt lở mái đê và mái sông thẳng đứng, rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông độc đạo trong vùng và tuyến đê bao bảo vệ tiểu vùng, bảo vệ sản xuất cho diện tích 900ha, bảo vệ 3.702 hộ dân, 6 công trình trường học và trụ sở UBND, trạm y tế xã. Mặc dù huyện đã chủ động gia cố tạm, nhưng khả năng sạt lở tiếp trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt là trong mùa lũ này.

Qua đo đạc của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đáy sông có dạng hình chữ U lệch sang bờ xảy ra sạt lở, độ sâu lòng sông ghi nhận được quanh khu vực sạt lở từ -8m đến -9m, cách bờ từ 25m đến 90m. Dòng chảy chính gần bờ xã Vĩnh Trường, tạo vách thẳng đứng, kết cấu bờ yếu do thành phần chính là sét pha cát, bờ sông nằm ven đường giao thông bộ và thủy, thường chịu áp lực của tải trọng, rung chấn và sóng. Các yếu tố trên góp phần phá vỡ liên kết bờ. Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND huyện An Phú tiếp tục kiểm tra, tiến hành cắm các biển báo sạt lở và thông tin đến người dân biết phòng, tránh đi lại do tình hình sạt lở nguy hiểm của khu vực này. Có giải pháp kịp thời bảo vệ đoạn đường giao thông để đảm bảo an toàn giao thông được thông suốt và giao đơn vị chức năng khảo sát chi tiết, đề xuất và thực hiện các giải pháp khắc phục, phòng tránh sạt lở tiếp làm ảnh hưởng đến đường giao thông và khu dân cư.

Trước đó ngày 31-7-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình UBND tỉnh xem xét quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sạt lở đê Vĩnh Trường thuộc mức độ đặc biệt nguy hiểm do gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến bảo vệ diện tích sản xuất 900ha, bảo vệ 3 cụm tuyến dân cư với 3.702 hộ dân, 6 công trình trường học và trụ sở UBND, trạm y tế xã.           

Sau quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu (đê Vĩnh Trường), thuộc xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu UBND huyện An Phú nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình thẩm định và phê duyệt phương án; huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để hạn chế quá trình đào, khoét lòng sông và đường bờ trong đoạn được cảnh báo nhằm giảm thiểu tối đa sạt lở. Về kinh phí: căn cứ theo Quyết định số 3426/QĐ-UBND ngày 28-12-2018 của UBND tỉnh về việc giao dự toán nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2019 do cấp tỉnh quản lý… Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến phương án thiết kế trước khi trình thẩm định, phê duyệt. Theo đó, ngày 26-8 đã triển khai các hạng mục đóng cừ, kè gia cố chống sạt lở đê bao xã Vĩnh Trường với tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong 2 tháng, sẽ khắc phục tình trạng sạt lở đê Vĩnh Trường.                                                                                         (Còn tiếp)

Bài, ảnh: HỮU HUYNH