Đấu tranh hiệu quả với tội phạm “tín dụng đen”

26/07/2019 - 10:35

Siết nợ, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, thậm chí là bắt cóc, giết người... khiến dư luận lo lắng, bức xúc trong thời gian qua phần lớn bắt nguồn từ nguyên nhân vay mượn “tín dụng đen”.

Không chỉ ở thành phố lớn, “tín dụng đen” len lỏi đến từng ngõ ngách, vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa; có nơi, có lúc, tội phạm “tín dụng đen” được ví như “cướp ngày, bão càn quét...”.

Đặc biệt, nhiều vụ huy động vốn với lãi suất cao bất thường dẫn đến hàng loạt vụ vỡ hụi, vỡ họ xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Tây Ninh, Tiền Giang... gây xôn xao dư luận, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho hàng nghìn người dân, gia đình.

Thứ trưởng Lê Quý Vương trao thưởng cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong đấu tranh với “tín dụng đen”.

Điêu đứng vì “tín dụng đen”

Tôi ám ảnh mãi ánh mắt của một cụ già gần 80 tuổi ở Bắc Ninh khi cụ được cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Bắc Ninh mời lên làm việc. Cả đời cụ chỉ quanh quẩn với ruộng vườn, chưa bao giờ phải đến cơ quan công quyền nên cụ ngại ngùng. Thế nhưng, đứa cháu nội mới 16 tuổi, đang học lớp 10 của cụ đã khiến cụ buồn phiền, thậm chí đau đớn khi nó theo bạn bè chơi điện tử, đánh bạc trên mạng bị thua hơn 20 triệu đồng.

“Xoay” ở nhà không được vì bố nó mất đã lâu, mẹ bỏ đi đâu không rõ nên ông bà nội là người nuôi nó từ khi mới hơn 1 tuổi. Dù nghèo khó nhưng cụ vẫn cố gắng chăm lo cho cháu ăn học, để có cái chữ mong cho đỡ khổ. Nhưng, thằng bé ham chơi, không chịu học nên sa đà vào điện tử, cờ bạc khiến cụ rất đau lòng. Món vay 20 triệu của thằng cháu đến hạn trả, nó trốn biệt.

Chủ nợ ngày nào cũng đến nhà cụ chửi bới, quậy phá. Cụ đã cố gắng vay mượn trả cho chủ nợ 10 triệu đồng nhưng chỉ trong vòng 1 tháng, lãi đã “đẻ” thêm gần chục triệu nữa, đứa cháu thì vẫn trốn biệt tăm, chủ nợ thì ngày nào cũng “đe” thu bàn ghế, ti vi để trừ nợ. Vì vậy, cụ đến công an trình báo...

Công an Bắc Ninh đã xác minh, làm rõ, bắt giữ 4 đối tượng trong đường dây cho vay lãi nặng trên, yêu cầu chúng chỉ được thu gốc và lãi tính theo ngân hàng nên cụ mừng rơi nước mắt. Đứa cháu nội thấy bọn cho vay bị bắt cũng đã về nhà, xin lỗi ông bà. Một cái kết dẫu sao cũng còn là “dễ chịu” khi có sự can thiệp của lực lượng chức năng.

Công an Thanh Hóa khám xét một tổ chức “tín dụng đen” có chân rết ở nhiều tỉnh, thành.

Ông Nguyễn Minh H. (ở Lâm Đồng, chuyên kinh doanh xây dựng) đã vay của Công ty tài chính Nam Long 3 gói vay gồm 2 gói 500 triệu/gói và 1 gói 300 triệu. Mặc dù đã trả gần hết cả gốc lẫn lãi, số ít ỏi còn lại không có khả năng trả, ông H. xin khất nhưng các đối tượng không đồng ý, chỉ đạo đồng bọn đến đòi, đe dọa bắt cóc vợ con ông H. Theo đó, chúng chỉ đạo 2 người thường xuyên theo dõi vợ con ông H. Công an sở tại đã phát hiện, xử phạt hành chính.

Sau khi bị phạt, các đối tượng điên cuồng hơn, kéo khoảng chục tên đem theo hung khí đến nhà ông H. Ông H. báo cáo cơ quan Công an đến giải tán, xử lí các đối tượng vi phạm đồng thời phải bán sạch tài sản để trả nợ cho chúng. Tuy nhiên, sau khi trả hết cả gốc lẫn lãi, các đối tượng trên vẫn không chịu trả lại giấy tờ cho ông này để “phạt”. Khi các đối tượng trong Công ty tài chính Nam Long bị Công an Thanh Hóa bắt giữ, ông vội liên hệ với Công an Thanh Hóa hi vọng sẽ lấy lại được giấy tờ của mình.

Hay như anh Nguyễn Văn Q ở Nam Định vì vay 30 triệu đồng, lãi 3.000đ/1 triệu/ngày để lấy vốn làm ăn. Dù đã trả lãi được 6 tháng nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, anh Q xin được trả gốc và giảm lãi nhưng đối tượng không nghe, đánh anh gãy xương cẳng tay. Công an Nam Định đã xác định được đối tượng cho vay nợ là Trần Xuân Hiếu.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Trần Xuân Hiếu đã bỏ trốn khỏi địa phương. Công an TP Nam Định tạm giữ hình sự 2 đối tượng Trần Như Văn, Trần Hữu Giang về hành vi cố ý gây thương tích. Hai đối tượng này được Trần Xuân Hiếu thuê đánh dằn mặt người vay nợ.

Ông Nguyễn Văn Năm (ở Phú Thành, phường Nhơn Thành, An Nhơn, Bình Định) có con trai là Nguyễn Phúc Đ. vay tín dung đen 20 triệu đồng. Sau 2 tháng, dù đã trả lãi hằng tháng nhưng số tiền gốc và lãi đã lên đến 30 triệu đồng, không còn khả năng trả nên bị đe dọa, phải bỏ trốn.

Chủ nợ đã đến nhà dằn mặt ông Năm, lấy khẩu súng ngắn bắn 2 phát đạn vào tấm ảnh cưới của con trai treo trên tường và không quên buông lời đe dọa “nếu không trả tiền, số phận con ông sẽ như thế”. Bị các đối tượng ép, ông Năm đành viết giấy nợ 30 triệu đồng thay cho con trai, chạy vạy gom hết số tiền chỉ đủ 28,3 triệu đồng trả cho chủ nợ nhưng vẫn chưa được xóa nợ.

Còn trường hợp của bà Nguyễn Thị Phượng (khu vực Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng, An Nhơn, Bình Định) cũng chỉ vay 11 triệu đồng nhưng phải trả tới 3,3 triệu đồng/10 ngày. Qua 2 tháng đã trả lãi 19,8 triệu đồng, trong khi tiền gốc vẫn còn 11 triệu đồng. Không có tiền trả, bà nhiều lần bị hăm dọa, đánh đập bằng việc dùng súng chích điện, xịt hơi cay, ném pháo nổ vào nhà khủng bố tinh thần...

Nhóm Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” ở Đắc lắk tại cơ quan Công an.

Đập tan các băng nhóm

Theo Cục Cảnh sát hình sự thì nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng nên đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các tệ nạn như cờ bạc, cá độ, ma túy hoặc cần tiền ăn chơi đã tìm đến các cơ sở “tín dụng đen”.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo công an các cấp, nòng cốt là lực lượng cảnh sát hình sự tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, đặc biệt là điều tra, xử lý tội phạm  “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự.

Bộ Công an đã chủ động đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này.

Ban Chủ nhiệm Đề án 2, Bộ Công an cũng đã ban hành Kế hoạch 285 về phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 285, công an các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn mình quản lý.

Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế; đặc biệt là tình hình hoạt động kinh doanh tài chính trái phép, không đúng quy định đã không còn diễn biến rầm rộ, công khai như trước; các hành vi siết nợ, đòi nợ gắn với  sử dụng bạo lực, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật và các hành vi gây rối trật tự công cộng như đặt vòng hoa tang, đổ chất bẩn... đã giảm đáng kể.

Điển hình như Công an Thanh Hóa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và các địa phương liên quan khám phá chuyên án, triệt phá băng nhóm “núp bóng doanh nghiệp hoạt động tín dụng đen” do Nguyễn Đức Thành (SN 1988, trú ở Kinh Môn, Hải Dương) cầm đầu. Thành đã thành lập Công ty tài chính Đức Thành, hoạt động trên cả 63 tỉnh, thành trên cả nước để tổ chức cho vay lãi nặng.

Công ty này đã cho trên 500 khách hàng vay lãi suất từ 182%/năm đến trên 1.000%/năm với tổng số tiền giao dịch lên đến hơn 700 tỷ đồng. Đến nay, Công an Thanh Hóa đã khởi tố vụ án và khởi tố 25 bị can về các tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, bắt giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công an TP Thanh Hóa cũng đã đồng loạt tiến hành khám xét 8 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính núp bóng Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ vận tải Tín Nghĩa Hải Phòng có cơ sở tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng; bắt giữ, khởi tố 21 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; thu giữ 510 bộ hồ sơ, tài liệu vay nợ của khách hàng cùng nhiều vật chứng liên quan. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, số tiền giao dịch của ổ nhóm này là hơn 200 tỷ đồng.

Công an Quảng Ninh bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Tình và Bùi Văn Thủy - chủ cửa hiệu cầm đồ Xuân Thủy ở khu 5B, phường Cẩm Trung, Cẩm Phả, đang có hành vi thu nợ đối với anh Trần Văn Thắng vay với lãi suất 155%/năm. Khám xét cửa hiệu cầm đồ, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ 7 xe ô tô, 103 xe máy các loại, sổ đỏ và nhiều giấy tờ, tài sản liên quan.

Công an Bắc Ninh phá chuyên án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự núp bóng doanh nghiệp tại Công ty TNHH tư vấn hỗ trợ đầu tư Đại An (có trụ sở tại số 42, đường Dương Quảng Hàm, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) do Trần Đình Quảng (sinh năm 1988, hộ khẩu thường trú tại Nam Giang, Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định) làm giám đốc mở 15 chi nhánh tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du...; khởi tố 16 đối tượng, tạm giữ 2.681 hồ sơ cho vay; 37 quyển sổ ghi chép vay nợ. Làm rõ, tổng số tiền các đối tượng cho vay khoảng 45 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 4 tỷ đồng.

Công an Hà Nội khám phá chuyên án, triệt phá băng nhóm núp bóng doanh nghiệp hoạt động “tín dụng đen” do Trịnh Đình Hoan (SN 1979, ở Văn Quán, Hà Đông) cầm đầu. Cơ quan công an đã làm rõ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 10 đối tượng, làm rõ Hoan và đồng bọn đã núp bóng Công ty cổ phần đầu tư Hải Linh, đăng ký kinh doanh phần mềm máy tính nhưng thực chất là cho vay nặng lãi trong một thời gian dài với số tiền thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 1.178 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, đã khởi tố 436 vụ, 766 bị can, xử lý hành chính 486 đối tượng. Ra quyết định xử phạt hành chính 240 vụ, 586 đối tượng; xử lý bằng hình thức khác 98 vụ, tiếp tục xác minh, làm rõ 404 vụ...

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn và biện pháp cảnh giác đối với tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê và kết quả đấu tranh triệt phá tội phạm của lực lượng công an; kiểm tra hành chính nhiều cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính nhằm phát hiện giấy tờ, sổ sách ghi chép vay tiền, các tài sản thế chấp có nghi vấn...

Qua đó, góp phần làm chuyển biến căn bản tình hình hoạt động của tội phạm có tổ chức nói chung và hoạt động liên quan đến tín dụng đen nói riêng, nhiều băng nhóm hoạt động manh động, công khai đã không dám tiếp tục hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, ẩn nấp; nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” trước đây như “cướp ngày” nay đã giảm đáng kể, thậm chí có trường hợp người cho vay đề nghị người vay chỉ phải trả gốc, không dám thu lãi, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đấu tranh với loại tội phạm này, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở, được dư luận và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ...

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu thời gian tới, công an các đơn vị, địa phương phải bám sát, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” theo Kế hoạch 285. Tiếp tục tấn công, trấn áp mạnh tội phạm có tổ chức, nhất là tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”; các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”; các băng nhóm núp bóng doanh nghiệp; băng nhóm hoạt động cờ bạc, bảo kê, đâm thuê chém mướn, siết nợ, đòi nợ thuê...

Làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản. Khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án xảy ra liên quan “tín dụng đen”, nhất là các vụ án dư luận xã hội quan tâm; phối hợp với viện kiểm sát, tòa án xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đưa ra xét xử công khai, lưu động để răn đe, phòng ngừa chung.

Giao Cục Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, An ninh kinh tế... phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để bàn giải pháp, phối hợp với ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhân dân.

Theo PHƯƠNG THỦY (Công An Nhân Dân)