Đầu tư hạ tầng giao thông phát triển kinh tế vùng Tứ giác Long Xuyên

16/05/2018 - 06:32

 - Tứ giác Long Xuyên (TGLX) có tổng diện tích tự nhiên 498.141ha (An Giang 245.084ha, Kiên Giang 238.057ha, TP. Cần Thơ 15.000ha, còn lại thuộc tỉnh Hậu Giang), là hướng thoát lũ ra biển Tây của ĐBSCL. Một trong những vấn đề quan trọng trong liên kết phát triển vùng TGLX là phải có mạng lưới giao thông đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa.

Bốc hàng hóa lên tàu chuẩn bị xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới

Hạ tầng giao thông đường bộ

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Ngô Công Thức cho biết: “Hiện nay, mạng lưới GT liên kết dọc cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh, khu vực ĐBSCL, cả nước và với Campuchia. Tuy nhiên, mạng lưới GT “xương cá” theo trục ngang để kết nối các tuyến GT chính (trục dọc) chưa được nâng cấp đồng bộ, chưa phát huy được vai trò mở đường, tạo điều kiện phát triển vùng TGLX. Chính vì thế, trục Tỉnh lộ 945 có vai trò rất quan trọng, là trục GT chính xuyên qua tiểu vùng TGLX, với chiều dài 42km, kết nối từ đường hành lang ven biển của tỉnh Kiên Giang đến Quốc lộ 91 qua tỉnh Đồng Tháp đi TP. Hồ Chí Minh, vừa phục vụ quốc phòng - an ninh, kết hợp đê ngăn lũ vùng TGLX, vừa phục vụ du lịch (DL), phát triển KT-XH”.

Nhiều năm qua, An Giang đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng GT phù hợp quy hoạch, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh, khu vực ĐBSCL, cả nước và với nước bạn Campuchia. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương thức kêu gọi đầu tư trong phát triển hạ tầng du lịch; chú trọng áp dụng hình thức xã hội hóa như đầu tư theo đối tác công - tư (PPP) trong đầu tư hạ tầng GT. Dọc theo hướng tây bắc - đông nam có các trục đường kết nối An Giang với Campuchia và các địa phương lân cận thông qua các tuyến đường chính: Quốc lộ 91, 91C, Tỉnh lộ 942… cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giao lưu KT-XH với các tỉnh lân cận. Trục Quốc lộ 91 từ Cần Thơ - Long Xuyên qua TP. Châu Đốc - Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, dài 93,1km đã hoàn thiện. Trục Tỉnh lộ 943 dài 64km kết nối Long Xuyên - Thoại Sơn - Tri Tôn được đầu tư 30km, còn lại hiện nay đang tiếp tục nâng cấp mở rộng và hoàn thành trong năm 2018. Các tuyến Tỉnh lộ 943, 948, Quốc lộ 91 tạo trục kết nối các điểm DL từ Long Xuyên - Thoại Sơn - Tri Tôn - Tịnh Biên - Châu Đốc, nối các điểm DL từ thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) với các Khu DL Tức Dụp (Tri Tôn), Khu DL núi Cấm (Tịnh Biên) và Khu DL núi Sam (TP. Châu Đốc), đồng thời trục này cũng nối với các tuyến DL của Rạch Giá và Hà Tiên (Kiên Giang).

Theo ông Thức: “Quốc lộ 91C dài 35,5km, kết nối từ TP. Châu Đốc đến cầu Long Bình: Phần đường hiện hữu đã đề nghị Bộ GTVT nâng cấp mở rộng nhưng chưa bố trí được vốn để đầu tư. Trước mắt, Sở GTVT duy tu, thảm bê-tông nhựa mặt đường từng đoạn qua các khu trung tâm, khu đông dân cư để đảm bảo mỹ quan và an toàn GT”. Tỉnh đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét xây dựng mới đoạn tuyến từ cầu Cồn Tiên ra đường tránh TP. Châu Đốc dài khoảng 6km. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT sớm nâng cấp các tuyến Tỉnh lộ 942, 954, 952 thành Quốc lộ 80B để giảm áp lực GT cho tuyến Quốc lộ 91. Trục Tỉnh lộ 941, dài 39km, kết nối Quốc lộ 91 với thị trấn Tri Tôn đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Trục Tỉnh lộ 942, 954, 952 đến Cửa khẩu Vĩnh Xương, dài 88km khi cầu Cao Lãnh hoàn thành, tuyến đường bộ phía Campuchia nối từ Quốc lộ 1 đến cửa khẩu Vĩnh Xương đã xây dựng xong, việc quy hoạch và nâng cấp tuyến Quốc lộ 80B nối từ cầu Cao Lãnh đến cửa khẩu Vĩnh Xương là cần thiết, đảm bảo phương tiện lưu thông thông suốt, thuận tiện và an toàn. Đây là tuyến đường được tỉnh quy hoạch nâng cấp từ các tuyến Tỉnh lộ 848 (Đồng Tháp), 942, 954, 952 chạy dọc sông Tiền, đảm nhận vai trò vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, giảm áp lực cho Quốc lộ 91, đây còn là tuyến đường bộ liên kết đối ngoại, đáp ứng nhu cầu lưu thông trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với Campuchia qua Cửa khẩu đường bộ Quốc tế Vĩnh Xương (Việt Nam) và Cửa khẩu Kaosamnor (Campuchia).

Phát huy vai trò giao thông thủy

An Giang có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt. Có 2 tuyến sông Tiền và sông Hậu đặc biệt quan trọng, thuộc hệ thống sông Mekong dài 112km. Do vậy, hệ thống GT đường thủy là lợi thế của tỉnh. Vận tải hàng hóa bằng đường thủy chiếm tỷ trọng lớn so với đường bộ, do năng lực chuyên chở bằng đường thủy rất lớn, đây là điểm nhấn trong thu hút đầu tư.

Theo Sở GTVT, hiện nay, kết cấu hạ tầng trung tâm logistics đã hình thành tại Cảng Mỹ Thới, khu vực Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên. Tuy nhiên mạng lưới GT đường thủy kết nối từ sông Hậu đến trung tâm logistics Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên chưa được nâng cấp đồng bộ, trong đó phải kể đến là tuyến kênh Vĩnh Tế. Đây là tuyến kênh huyết mạch, có tầm quan trọng trong vận chuyển hàng hóa vùng TGLX (dài 46km), kết nối từ sông Hậu đến TX. Hà Tiên (Kiên Giang), nhưng tuyến kênh này không đảm bảo khai thác tàu tải trọng lớn. Hiện nay, đã có nhà đầu tư Cảng Vĩnh Tế tại Xuân Tô (Tịnh Biên). Tuy nhiên, mạng lưới GT đường thủy kết nối từ sông Hậu đến Cảng Vĩnh Tế và giữa các trung tâm logistics còn kém, chưa phát huy được lĩnh vực logistics, đây là sự "e ngại" đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics.

An Giang đang định hướng đầu tư hạ tầng GT để phát triển hệ thống logistics, Sở GTVT đã phối hợp nhà đầu tư khảo sát khu vực Cửa khẩu Tịnh Biên để đầu tư cảng thủy nội địa vận chuyển chuỗi hàng hóa logistics từ Cảng Cát Lái về An Giang, qua Xuân Tô, lên phương tiện đường bộ về Phnôm Pênh (Campuchia). Đồng thời, khảo sát các vị trí đấu nối đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện giảm chi phí, phù hợp định hướng phát triển kinh tế của cả nước. Ông Thức đề xuất: “Nhằm liên kết các trung tâm logistics, Cửa khẩu Tịnh Biên và phát huy hiệu quả Cảng Vĩnh Tế khi được hình thành, cần phải nạo vét thông luồng tuyến kênh Vĩnh Tế”.

HẠNH CHÂU