Đầu xuân nói chuyện thư giãn

07/02/2019 - 08:53

Ngày xuân là một trong những thời điểm thích hợp để bàn về một chủ đề nhẹ nhàng nhưng tràn đầy cảm hứng: sự thư giãn.

Thư giãn là một sự trải nghiệm mang tính cá nhân. Một số người, như tôi, có xu hướng tìm sự thư giãn trong những chuyến du lịch bụi với lịch trình hoàn toàn do mình chủ động. Nhưng rồi mỗi lần đi du lịch về, tôi tự hỏi: “Muốn được thư giãn là phải vác ba lô lên mà đi nữa sao?”. Thư giãn, như tôi dần nhận ra, là một nhu cầu thường nhật, như ta cần làm việc, ta muốn ăn một món ăn ưa thích, và trò chuyện với người ta yêu quý. Vậy đâu là các hoạt động cho ta sự thư giãn thường nhật ấy? Để tìm câu trả lời, tôi đã ra một trong những quyết định quan trọng nhất cuộc đời mình là đến châu Âu sống một thời gian để xem người ta thư giãn. Tại sao là châu Âu ư? Còn có châu lục nào nổi tiếng về sự cân bằng công việc và cuộc sống như người châu Âu chứ? Tôi nương theo suy nghĩ phổ thông thôi, mong bạn đọc đừng bắt bẻ tôi bằng những kết quả nghiên cứu và các vấn đề kinh tế – xã hội đương đại vì đây thuần chất là một chủ đề thuộc về cảm nhận.

Tôi đã quan sát được gì ở châu Âu? Không có gì quá đặc biệt và mới mẻ đâu, vì mục đích của tôi là đi tìm những điều giản dị có thể là tác nhân của sự thư giãn. Ở một chừng mực nào đó, vượt qua các khác biệt về văn hóa, điều kiện kinh tế và hoàn cảnh tự nhiên, tôi tin là những điều giản dị ấy có thể thực hiện được ở Việt Nam.

Không gian cho thư giãn

Bạn có thể nói với tôi về những hoạt động thư giãn khác nhau, nhưng tôi cá với bạn, có một điểm chung trong tất cả các hoạt động: sự giao hòa giữa trạng thái thể chất và tinh thần của chúng ta với không gian xung quanh. Một trong những hoạt động thư giãn tiêu biểu của sự giao hòa đó là dạo phố. Tôi chưa bao giờ đi dạo phố nhiều và thường xuyên cho đến khi tôi đến Châu Âu. Trải nghiệm mà tôi có nhiều nhất ở Châu Âu là các thành phố của Ý. Và những người bạn Ý của tôi là những người coi dạo phố như một hoạt động không thế thiếu sau bữa ăn hay mỗi lần hội họp bạn bè. Khi dạo phố, nếu trong nhóm có một người khách phương xa, họ sẽ tận tình giảng giải cho khách ý nghĩa của từng góc phố. Khi khách phương xa đã không còn xa lạ, họ sẽ bước đi theo kiểu ngẫu hứng nhiều hơn. Họ dừng chân bất chợt ở một hàng quán nào đó để bồi hồi nhớ về một câu chuyện cũ, hay mắt long lanh vì phát hiện ra một chi tiết mới trên một địa điểm đã quá thân quen. Dạo phố là cơ hội để họ hồi sinh các ký ức và làm mới tình yêu của mình dành cho mảnh đất nơi họ đang sinh sống. Còn có hoạt động thư giãn nào đơn sơ mà ý nghĩa hơn thế nữa.

Đi dạo hay đạp xe xuyên qua các công viên là một trong những hoạt động thư giãn phổ biến ở Châu Âu. Ảnh: Trần Hằng.

Tôi sẽ không nói là người Việt Nam không có truyền thống dạo phố, vì như thế sẽ làm chạm sự tự ái của nhiều người xem đây là một hoạt động không thể thiếu trong hành trình nâng cao chất lượng sống và mở rộng sự kết nối xã hội của họ. Tác giả Nguyễn Bảo Sinh trong tác phẩm Bát phố đã bàn về thói quen “bát phố” của những người Hà Nội xưa. “Bát phố”, theo định nghĩa của Nguyễn Bảo Sinh, là ra phố ngắm “gió thổi mây bay”, ngắm cả con người, nhưng chính xác hơn là không vì mục đích gì cả. “Tùy duyên và vô nguyện là bát phố”. Cũng chính tác giả trong cuốn sách đã thừa nhận rằng “bát phố” chỉ còn là một màn ký ức lẩn khuất đâu đó giữa những ồn ả của Hà Nội hôm nay. Tôi không chắc chúng ta có thể làm sống lại “tinh thần bát phố” như Nguyễn Bảo Sinh đã đề cập. Nhưng thay vì phóng xe máy hoặc nhảy vọt lên taxi đến thẳng điểm hẹn, sao bạn không cân nhắc dành chút thời gian để bước chậm trên những cung đường quen thuộc cùng người thân và bạn bè của mình. Ai đó có thể cho rằng khó mà thư giãn dạo phố giữa một Sài Gòn ồn ào và thời tiết nóng ẩm quanh năm. Tôi đã từng cùng vài người bạn sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn rảo bước quanh các ngõ ngách khu trung tâm quận 1 và quận 5 trong những chiều nắng nhạt. Trải nghiệm đó khiến tôi nhận ra rằng ngay giữa guồng quay sôi động của thành phố này, vẫn có những khoảng lặng cho những câu chuyện nhỏ thú vị về một nét kiến trúc hay một quán ăn xưa.

Đúng là chẳng có điều gì mới mẻ khi tôi nói về những công viên. Tôi chắc rằng người Việt Nam rất yêu các công viên. Các công viên rõ ràng là địa điểm lý tưởng cho các bài tập thể dục buổi sáng. Tôi cũng đã thấy các bãi cỏ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn gần như không còn chỗ trống vào những dịp cuối tuần.

Thư giãn trong không gian văn hóa

Bàn về không gian cho thư giãn, tôi cũng muốn đề cập tiếp đến ý nghĩa của một “không gian văn hóa”. Đó là cách ta có thể đạt được trạng thái dễ chịu và sự cân bằng cảm xúc khi được hòa mình vào một hoạt động văn hóa. Có lẽ những ai đã từng du lịch đến châu Âu đều ít nhiều cảm thấy sự thú vị bởi không gian đặc sắc của các chợ phiên. Đó là những buổi họp chợ ngoài trời theo chủ đề, diễn ra vào một hay vài ngày cố định trong tuần hoặc trong tháng. Các chủ đề chợ phổ biến thường là: chợ nông sản, chợ hoa và cây cảnh, chợ đồ da, chợ đồ cổ và hàng “vintage” (một cách gọi nên thơ hơn của “hàng second-hand” chăng?). Có khi chợ phiên trở thành một sự kiện để tôn vinh một thực phẩm “quốc hồn quốc túy” nào đó như chocolate, phô mai hay pasta. Người bán hàng trong những sự kiện này hầu hết là nông dân hoặc nghệ nhân – những nhà sản xuất trực tiếp. Những phiên chợ này không phải mở ra chỉ để phục vụ mục đích du lịch. Đối tượng mua hàng chính là người địa phương. Họ đến các chợ phiên với tâm trạng phấn khởi và niềm vui hồn hậu vì mua được những món hàng từ chính tay người làm ra chúng.

Quang cảnh lễ hội chocolate ở Bologna, Ý. Nhiều người thích đi ra ngoài để ăn uống, mua sắm sau một tuần làm việc vất vả. Ảnh: Trần Hằng.

Tôi tin bạn sẽ đồng ý với tôi rằng ý tưởng về một phiên chợ quy tụ các gánh bún bò trứ danh nhất Sài Gòn, phiên chợ cây trái miền Tây, hay một lễ hội bánh mì, lễ hội giò chả không phải là một ý tưởng tồi. Tất nhiên, một hoạt động văn hóa – thương mại như chợ phiên cần phải được tổ chức tốt với những điều kiện thuận lợi cho người tham dự.

Thư giãn và tương tác

Tôi cho rằng sự thư giãn cũng nên được đặt trong bối cảnh mà các chủ thể có sự tương tác với nhau. Ở khía cạnh này, tôi cảm thấy các buổi họp mặt bạn bè tại nhà của những người bạn Ý luôn là sự trải nghiệm thú vị. Một người chủ nhà mà tôi từng ở trọ có lần mời tôi ăn tối với những người bạn của cô. Lý do họp mặt đơn thuần chỉ vì trong phiên chợ nông sản sáng hôm ấy cô mua được một ít bí ngòi rất tươi ngon, phù hợp cho món risotto (cơm Ý) với bí ngòi. Đó là một món ăn khá đơn giản không làm cô mất quá nhiều thời gian chuẩn bị. Một người bạn của cô đến mang theo một cái bánh pizza, một người khác mang một ít phô mai từ nhà quê. Thế là chúng tôi đã có một buổi ăn nhẹ nhàng, vui vẻ với âm nhạc phát ra từ chiếc máy tính bảng nằm lăn lóc ở góc phòng khách và với vài ván domino. Một người bạn khác, trong “niềm tự hào” (tôi cứ tin là vậy) là quen được một người Việt Nam biết nấu ăn như tôi, đã mời bạn bè đến ăn trưa. Thực đơn bao gồm bún gạo xào rau củ do tôi chuẩn bị, couscous (thực phẩm có nguồn gốc từ Bắc Phi) do một khách mời đem tới, và bí đỏ đút lò phong cách Sicily của một khách mời khác. Chủ nhà vì không phải nấu nướng gì nên rất vui lòng đóng góp một chai rượu vang và đảm trách rửa chén trong lúc các khách mời thoải mái trò chuyện và đánh cờ.

Có vài điểm chung trong hai buổi cuộc họp mặt mà tôi vừa kể: những món ăn đơn giản, mỗi người đóng góp một phần giúp cho việc “khách đến chơi nhà” không là một cơn ác mộng về sự tốn kém và bận rộn của chủ nhà. Điều cuối cùng cũng là quan trọng nhất là những người châu Âu ấy không nhắn tin, trả lời e-mail trên điện thoại di động trong lúc ăn uống và trò chuyện. Thay vào đó, là những niềm vui thuần khiết mà tôi dường như đã từng có thời còn nhỏ: chơi domino, chơi cờ.

Liệu việc mỗi người góp một món ăn có là một thứ văn hóa rạch ròi kiểu phương Tây vốn không phù hợp với truyền thống hiếu khách của người Việt? Tôi không nghĩ như vậy, và có lòng tin rằng ở Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể trải nghiệm những giây phút thư giãn trong không gian tương tác ý nghĩa như vậy. Thử thách duy nhất, với nhiều người Việt Nam thích tự “trói buộc” mình với những thiết bị công nghệ, có lẽ là việc đặt chiếc điện thoại qua một bên để có những cuộc trò chuyện thật sự với bạn bè và người thân.

Tôi chắc rằng nhiều người trong chúng ta đã nhìn thấy không phải là một châu Âu xa lạ trong cách thư giãn và tận hưởng cuộc sống. Bởi lẽ từ Đông sang Tây, cuối cùng điều chúng ta cần cho những khoảnh khắc thư giãn chỉ là một không gian, một nét văn hóa, và một niềm vui thuần khiết như khi ta thắng một ván cờ thời thơ bé.

Theo TRẦN HẰNG (SGTT)