Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động

19/12/2018 - 22:53

 - Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Giám đốc Tung tâm Dịch vụ việc làm An Giang (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Văn Phước cho biết, trước tình trạng nhiều lao động trong tỉnh không tìm được việc làm, việc động viên số người này tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp họ tìm được việc làm, nâng cao thu nhập. Thực tế cho thấy, số người tham gia XKLĐ trong thời gian qua có được cuộc sống ổn định, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo tại các địa phương. “Các con tôi đi lao động ở nước ngoài nên trong 2 năm qua, cuộc sống gia đình tôi ổn định. Trong thời gian làm việc ở Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 đứa con tôi đã tích lũy được tiền để gửi về gia đình. Vợ, chồng tôi trả hết số nợ thiếu bà con hàng xóm và còn mua được đất, cất được căn nhà để bán cà phê làm kế sinh nhai. XKLĐ là con đường để thoát nghèo, lập thân, thập nghiệp” - bà Trần Thị Lệ (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) khẳng định.

Nhiều người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm

Ông Phước cho biết thêm, thời gian gần đây, nhằm tạo thuận lợi cho người dân có điều kiện tham gia XKLĐ, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng, nâng mức cho vay tín chấp từ 50 triệu đồng/người lên 80 triệu đồng/người (đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Việc nâng mức cho vay tín chấp là chính sách rộng mở của tỉnh. Chủ trương này được áp dụng từ tháng 8-2018, đến nay số người tham gia XKLĐ có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, số người đi XKLĐ chưa tương xứng với tiềm năng. Giải thích vấn đề này, ông Phước cho biết: “Một phần trong số lao động có nhu cầu đi XKLĐ là lao động nghèo, khó khăn về kinh tế. Mặt khác, người lao động còn mang nặng tập quán địa phương, ngại đi xa, nhất là tham gia XKLĐ”.

“2 năm nay, tôi thấy các công ty tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài về tới địa bàn xã để tuyển lao động. Qua tìm hiểu, tôi có nói vấn đề này với con trai của tôi và vận động nó tham gia nhưng chúng rất ngại đi làm việc xa. Hiện nay, các con tôi vẫn làm mướn cho các chủ máy suốt lúa trong xã” - bà Nguyễn Thị Lan (xã Long An, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Trước thực trạng này, để đẩy mạnh công tác tư vấn việc làm - XKLĐ, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang xác định, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, trung tâm sẽ lựa chọn các công ty, doanh nghiệp có chức năng đưa người đi XKLĐ có uy tín, thị trường tiềm năng, thu nhập cao, chi phí hợp lý để tư vấn cho lao động nắm bắt nhanh chóng, dễ dàng tham gia khi đi XKLĐ. Cụ thể, trung tâm phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh rà soát số lao động có nhu cầu (kể cả số lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp), trung tâm mời các công ty có uy tín, có năng lực và điều kiện đãi ngộ tốt về việc làm, XKLĐ xuống tận các xã, phường, thị trấn để tư vấn trực tiếp cho lao động và gia đình về các thủ tục, chính sách hỗ trợ... để lao động hiểu rõ, an tâm khi tham gia, nhất là đi XKLĐ.

Ngoài ra, trung tâm tổ chức định kỳ ngày giao dịch việc làm (vào ngày 10 hàng tháng) tại trung tâm, với mong muốn kết nối các doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp với lao động để trao đổi, tư vấn việc làm, XKLĐ đạt hiệu quả; lao động thất nghiệp tìm kiếm được việc làm để sớm trở lại với thị trường lao động. Về phía lao động được gặp trực tiếp các doanh nghiệp để tìm hiểu các điều kiện khi tham gia việc làm, XKLĐ đúng với khả năng và nhu cầu. Trung tâm mong muốn lao động tham gia thị trường XKLĐ ngoài có thu nhập phù hợp, lao động còn được tiếp cận các kỹ năng, môi trường làm việc tại các nước để sau khi trở về có kinh nghiệm thực tiễn, mở rộng sản xuất tại địa phương, ổn định cuộc sống và phát triển. Với những giải pháp vừa nêu, tin rằng công tác tư vấn việc làm - XKLĐ sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích