Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

14/06/2018 - 06:53

 - Đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu (XK) LĐ) là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định. Với lực lượng LĐ dồi dào, nhiều tiềm năng, tỉnh đề ra chỉ tiêu bình quân mỗi năm có khoảng 100 LĐ tham gia XKLĐ tại các thị trường việc làm như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã thẩm định hồ sơ và có văn bản đồng ý cho 11 doanh nghiệp có chức năng XKLĐ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, tuyển dụng LĐ đi làm việc nước ngoài. Năm 2017, toàn tỉnh có 176 người XKLĐ (trong đó có 87 LĐ nữ) tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả rập Xê út, Malaysia. Các địa phương có số người tham gia XKLĐ cao là Châu Phú (24 LĐ), Chợ Mới (33 LĐ), Thoại Sơn (30 LĐ), Châu Thành (23 LĐ), Phú Tân (18 LĐ)… Trưởng phòng LĐ - Việc làm - An toàn LĐ- Bảo hiểm xã hội Nguyễn Hoàng Minh Thư cho biết, số LĐ đi làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc hầu hết có việc làm ổn định, thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt. Mức thu nhập bình quân của LĐ là 20 triệu đồng/tháng (quy ra tiền Việt Nam). Sau khi trả nợ vay, nhiều LĐ đã tích lũy cho bản thân, gửi về giúp đỡ gia đình cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Số LĐ này vừa được giải quyết việc làm, vừa nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời tăng thu ngoại tệ cho tỉnh. Từ kết quả tích cực đó, năm nay, toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 200 LĐ thông qua chương trình XKLĐ. Thực hiện theo Đề án “Tăng cường đưa LĐ An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016-2020” của UBND tỉnh, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với NLĐ thuộc đối tượng ưu tiên, như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, bộ đội, công an phục viên, LĐ là thân nhân của người có công với cách mạng… Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ lựa chọn những công ty XKLĐ có đủ tư cách pháp lý, uy tín và được phép tuyển dụng LĐ trên địa bàn tỉnh, ngăn ngừa các hành vi lừa đảo NLĐ.

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Thực hiện nhiều “kênh” giới thiệu để NLĐ tiếp cận, tìm hiểu thị trường làm việc ở nước ngoài.

So với các địa phương lân cận, công tác XKLĐ trong tỉnh hiện nay vẫn khiêm tốn, trong khi lực lượng LĐ rất dồi dào. Do đó, tiềm năng đưa NLĐ trong tỉnh đi XKLĐ vẫn còn rộng mở. Bên cạnh hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, tỉnh còn hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, khám sức khỏe… nhằm giúp NLĐ sớm hòa nhập với môi trường mới. Các huyện, thị xã, thành còn có những cách làm riêng để giúp NLĐ có điều kiện tốt nhất chuẩn bị đi làm việc. Điển hình như huyện Thoại Sơn, ngoài mức hỗ trợ chung, các đối tượng XKLĐ huyện hỗ trợ thêm từ 1-3 triệu đồng (tùy theo đối tượng) để NLĐ trang bị thêm kỹ năng, kiến thức, trình độ tay nghề. Anh Trần Hiệp Hoàng (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) XKLĐ tại thị trường Hàn Quốc là một trong số những người LĐ khi hết thời hạn làm việc 5 năm đã được công ty tiếp tục hợp đồng sang làm lần thứ 2. Nhờ XKLĐ, anh Hoàng giúp gia đình mua thêm đất ruộng, thoát khỏi khó khăn, thu nhập luôn ổn định. Tại huyện Phú Tân, để trang bị cho các LĐ đi làm việc, Phòng LĐ-TB&XH chú trọng chọn lựa doanh nghiệp uy tín để kết nối đưa LĐ đi làm việc hiệu quả. Em Trần Tấn Phát, một trong những LĐ chuẩn bị đi XKLĐ cho biết, tháng 11-2017 đã tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản do Công ty Haindeco Sài Gòn thực hiện. Đầu năm 2018, Phát quyết định thi dự tuyển ngành gia công cơ khí - một trong những ngành đang “hot” trên thị trường việc làm. Tháng 7 này, Phát sẽ đi XKLĐ chính thức. Phát cho biết Công ty Haindeco Sài Gòn đã trang bị cho em nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết trước khi sang Nhật Bản, đặc biệt là những lưu ý về văn hóa, pháp luật, kinh nghiệm sống để làm việc và hòa nhập tốt. Theo kế hoạch, năm nay huyện Phú Tân được giao chỉ tiêu XKLĐ 23 người, tập trung vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Ảnh: T.H

Để việc XKLĐ đạt hiệu quả, tỉnh đã ghi nhận những kiến nghị từ các địa phương, ngành LĐ-TB&XH để có giải pháp tháo gỡ, như: xem xét nâng mức hỗ trợ NLĐ đi làm việc nước ngoài (từ 50 triệu đồng lên 80 triệu đồng), tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường ở nước ngoài, nhất là các thị trường ổn định, việc làm thu nhập cao, tạo nhiều cơ hội cho NLĐ lựa chọn, tham gia đăng ký.

MỸ HẠNH