Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

21/10/2019 - 07:39

 - Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của An Giang trong 9 tháng cao hơn bình quân cả nước nhưng nếu không tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sẽ khó hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn cả năm 2019. Giải ngân yếu ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu phát triển của tỉnh.

Những “nút thắt” quen thuộc

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Phước cho biết, đến hết tháng 9, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh được hơn 2.345,6 tỷ đồng, đạt 56,38% tổng kế hoạch vốn được giao năm 2019 (hơn 4.160,7 tỷ đồng). So cùng kỳ 2018, kết quả này cao hơn 3,84%, còn so với bình quân cả nước, kết quả giải ngân của An Giang cao hơn 11% (bình quân cả nước 45,17%). Tuy nhiên, kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 kéo dài sang thực hiện năm 2019 khá thấp, mới đạt 36,21% (261/721 tỷ đồng). “Hiện còn gần 500 tỷ đồng của năm 2018 kéo dài sang vẫn chưa giải ngân hết. Các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ, tập trung, ưu tiên thanh toán kế hoạch vốn kéo dài này bởi theo quy định, nguồn vốn kéo dài chỉ được phép giải ngân đến hết ngày 31-12-2019” - ông Phước lưu ý.

Đáng ngại trong số các dự án sử dụng vốn kéo dài từ năm 2018 sang là những dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ như: dự án kiểm soát lũ vùng Tây sông Hậu (mới giải ngân 0,8/2,93 tỷ đồng); dự án cơ sở hạ tầng khu du lịch núi Cấm (giải ngân 4,1/11,3 tỷ đồng); dự án Bệnh viện Y học cổ truyền (chưa giải ngân trong kế hoạch vốn 19,54 tỷ đồng); dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Long Xuyên (do còn một số thủ tục nên chưa giải ngân hơn 43 tỷ đồng), dự án ra chốt dân quân, chốt bộ đội biên phòng (giai đoạn 2, chưa giải ngân hơn 2 tỷ đồng); dự án Tỉnh lộ 945, nối Châu Phú (An Giang) với Hòn Đất (Kiên Giang), mới giải ngân được 170/415 tỷ đồng.

Đối với kế hoạch vốn năm 2019, dù tỷ lệ giải ngân khá nhưng một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp như: vốn nước ngoài (161,6/671,3 tỷ đồng, đạt 24,1%), vốn chương trình mục tiêu quốc gia (ngân sách Trung ương) đạt 82,1/168,4 tỷ đồng (48,75%). Trong số những công trình có chỉ tiêu vốn lớn (trên 50 tỷ đồng), nhiều công trình đạt tỷ lệ giải ngân trên 60% nhưng cũng có những công trình đạt dưới 30% như: dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long tại huyện An Phú, thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9), mới giải ngân 0,33% (0,58/175,5 tỷ đồng); dự án chống sạt lở sông Hậu (giải ngân 1,62/123,8 tỷ đồng, đạt 1,82%); xây dựng thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Bảy Núi (18,5/173 tỷ đồng, đạt 10,65%); trụ sở làm việc Công an tỉnh (0,97/135 tỷ đồng, đạt 0,71%)…

Trong số các nguyên nhân mà chủ đầu tư đưa ra đối với các dự án chậm tiến độ, tựu trung lại vẫn là những “nút thắt” lâu nay như: vướng về thủ tục lập hồ sơ, giải phóng mặt bằng, năng lực của nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế…

Xử lý quyết liệt

Bên cạnh những nguyên nhân “quen thuộc” ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình còn chỉ ra nguyên nhân khác như: năng lực, tinh thần trách nhiệm của các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, địa phương chưa cao, chưa quyết liệt; một số đơn vị thi công chưa quyết tâm với công trình. “Vốn đầu tư công là vốn mồi để phát triển. Các dự án sử dụng vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng đến mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh. Do vậy, các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu cần thể hiện quyết tâm, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ dự án” - ông Bình lưu ý.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, tại hội nghị về biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL mới đây, Chính phủ đã biểu dương những địa phương có tiến độ giải ngân các công trình ứng phó thiên tai, sạt lở tốt như: Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, trong khi An Giang và một số địa phương bị phê bình vì giải ngân chậm. “Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiện nay biến đổi khí hậu, sạt lở đang tác động lớn đến những tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Vĩnh Long… Do vậy, Chính phủ sẽ trình Quốc hội gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng cho ĐBSCL. Tuy nhiên, nếu tiến độ triển khai các công trình khắc phục, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh chậm thì sẽ ảnh hưởng đến việc đề xuất thêm dự án trong gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng” - ông Bình nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, lâu nay vẫn tồn tại tình trạng những nhà thầu bỏ giá đấu thầu dưới giá thành. Sau khi trúng thầu thì chia nhỏ dự án, giao lại cho các nhà thầu khác (hợp đồng B'), tranh thủ lấy nguồn vốn để “xoay tua” sang những công trình khác. Nguyên nhân do công tác đấu thầu không minh bạch, còn tình trạng “chạy thầu”, “thông thầu” nên chưa chọn được những nhà thầu có năng lực, uy tín, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình. “Cần thẩm định, đánh giá kỹ năng lực của nhà thầu khi chọn lựa thầu. Nếu việc đấu thầu minh bạch thì chủ đầu tư có thể mạnh tay xử lý, phạt hợp đồng đối với nhà thầu chậm tiến độ. Bên cạnh giám sát chất lượng, cần tăng cường kiểm tra, giao ban hàng tuần để xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công trình. Đến thời điểm 31-1-2020, nếu chủ đầu tư nào không giải ngân hết vốn mà không phải do nguyên nhân khách quan thì người đứng đầu đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư ước đến ngày 31-1-2020, khả năng giải ngân được 3.907,6 tỷ đồng, đạt 93,92% so kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Trường hợp Trung ương thống nhất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn dự án WB9 với số tiền gần 95,3 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt 96,12%.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN