Để chăn nuôi thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

10/08/2018 - 14:34

Nhiều ý kiến thành viên UBTVQH cho rằng, ngành chăn nuôi nước ta có tiềm năng rất lớn và trong nhiều năm qua ngành đã có tốc độ phát triển nhanh đưa lại giá trị kinh tế lớn nhưng quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, nên cần phải có chính sách đủ mạnh, chiến lược để phát triển chăn nuôi, đưa ngành chăn nuôi thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng Trong phiên họp thứ 26 diễn ra vào sáng 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Chăn nuôi. Thực hiện sự chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và một số cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hiện dự án Luật được xây dựng với bố cục gồm 7 chương với 80 điều, quy định về hoạt động trong lĩnh vực giống và sản phẩm giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, chăn nuôi động vật khác, phúc lợi cho vật nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Dự luật cũng nêu lên các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi gồm: Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi; xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; nhập khẩu, chăn nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen; xả thải chất thải, nước thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật về môi trường.

Nhiều ý kiến thành viên UBTVQH cho rằng, ngành chăn nuôi nước ta có tiềm năng rất lớn và trong nhiều năm qua ngành đã có tốc độ phát triển nhanh đưa lại giá trị kinh tế lớn nhưng quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, nên cần phải có chính sách đủ mạnh, chiến lược để phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, chuỗi khép kín, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường chăn nuôi; làm sâu sắc hơn nội dung về nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế về chăn nuôi; đưa ngành chăn nuôi thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Một số ý kiến đề xuất cần có các quy định cụ hơn thể để phát triển ngành chăn nuôi theo chuỗi giá trị, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đi liền với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân trong phát triển chăn nuôi; bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân, giữa các thành phần kinh tế trong hoạt động chăn nuôi...

Đại diện Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, trong chương 4 có quy định về “phúc lợi cho vật nuôi”, đây là vấn đề rất mới, cần được làm rõ hơn. “Tôi đề nghị làm rõ vấn đề phúc lợi vật nuôi cụ thể là gì, đã có tham khảo kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này hay chưa khi lấy thuật ngữ phúc lợi này thường gắn với người để chuyển qua gắn với đối tượng là vật nuôi”, bà Nga nêu vấn đề, đồng thời đề nghị làm rõ hơn nội hàm của quy định liên quan đến đối xử nhân đạo với vật nuôi, tránh quy định trừu tượng.

Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết ông đã tra một số cuốn từ điển, từ “phúc lợi” là để dùng cho con người. Ông Định đề nghị nên chăng tìm một từ khác phù hợp hơn so với từ “phúc lợi”. Cùng với đó, trong dự án luật cũng cần có giải thích rõ hơn về từ ngữ, tránh tình trạng nhầm lẫn giữa vật nuôi và thủy sản được nuôi, giữa thức ăn chăn nuôi với thức ăn cho thủy sản khi mà những vấn đề này đã có quy định ở Luật Thủy sản.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị nên thay cụm từ “phúc lợi” bằng từ khác có ý nghĩa sát hơn, chẳng hạn như thay bằng cụm từ “bảo đảm” hay “đảm bảo”.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng cho biết, có một số ý kiến cho rằng nội dung về “quyền vật nuôi” còn chưa đầy đủ, khái niệm “đối xử nhân đạo với vật nuôi” còn mang tính trừu tượng, chưa bao quát hết được vấn đề; đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế về “phúc lợi vật nuôi” để quy định cho cụ thể và phù hợp hơn.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã cùng với Ban soạn thảo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia và nhận thấy nhiều quốc gia đã luật hóa nội dung này. Một số quốc gia có yêu cầu cao về phúc lợi cho vật nuôi, sản phẩm vật nuôi được nhập khẩu, xuất khẩu.

Do đó, Dự thảo Luật bổ sung khoản 25, Điều 2 về “phúc lợi cho vật nuôi” và bổ sung quy định bảo đảm cung cấp đủ thức ăn, nước uống, không gian thông thoáng, không đánh đập, hành hạ trong hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, không gây đau đớn, sợ hãi, phải gây ngất trước khi giết mổ,... (từ Điều 66 đến Điều 69).

Về giống và sản phẩm giống vật nuôi (Chương II), có ý kiến đề nghị cần xem xét và làm rõ hơn các quy định về quản lý giống vật nuôi để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống, sản phẩm giống vật nuôi và đáp ứng quy định của các Điều ước quốc tế; bổ sung quy định quản lý giống theo phẩm cấp khác nhau để bảo đảm cung cấp con giống đạt chuẩn về chất lượng, khuyến khích việc xuất khẩu.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, vì đây là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi và an toàn thực phẩm; cùng với đó là tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính.

Về vấn đề thức ăn chăn nuôi, đại diện cơ quan Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, trong quá trình bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định quản lý đối với từng loại thức ăn chăn nuôi: Đậm đặc, hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn bổ sung, theo tập quán và nguyên liệu đơn; bổ sung quy định về sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp hoặc thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng cho người sang làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, dự thảo Luật đã giảm đáng kể nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Đề cập đến điều 9 về những hành vi bị cấm, trong đó dự luật có quy định cấm “Chăn nuôi trong nội thành của thành phố, thị xã trái với quy định của pháp luật trừ nuôi động vật cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm; chăn nuôi trang trại trong khu dân cư”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng cần xem xét, có quy định cụ thể hơn, phân biệt rõ hơn phạm vi nội thành, nội thị, qua đó để bảo đảm tính khả thi của luật.

Đề cập đến điều kiện cơ sở chăn nuôi, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo luật cần có quy định tạo cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng để phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Nêu lên thực trạng những bất cập trong xử lý chất thải chăn nuôi hiện nay, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng các quy định trong luật về vấn đề này còn ít, đề nghị cần rà soát, luật hóa, xây dựng thêm các quy định liên quan đến nội dung này trong dự luật.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sau phiên họp, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra dự án Luật tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu của các thành viên UBTVQH để hoàn chỉnh dự án Luật; đồng thời phối hợp tổ chức một số hội thảo để tiếp thu các ý kiến để có các chất liệu trong bổ sung, hoàn thiện dự án Luật; bảo đảm khi dự án Luật được trình ra Quốc hội có chất lượng tốt nhất.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan thẩm tra, Cơ quan chủ trì dự thảo Luật tiếp thu các ý kiến của UBTVQH tại phiên họp, rà soát lại các quy định trong dự án luật, nhất là về phạm vi điều chỉnh; đối tượng, quy trình sản xuất từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chính sách của nhà nước đối với chăn nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi; những hành vi bị cấm trong chăn nuôi; có đánh giá cụ thể về những tác động của luật; bảo đảm tính khả thi, hợp hiến, hợp pháp và sự thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung;... để hoàn thiện dự án Luật, trình UBTVQH xem xét, quyết định./.

Theo NGUYỄN HOÀNG (Báo Chính Phủ)