Để hoạt động thanh tra, kiểm tra không ảnh hưởng doanh nghiệp

04/09/2019 - 08:03

 - “Có doanh nghiệp (DN) chỉ từ đầu năm 2019 đến nay đã phải tiếp 6 đoàn thanh tra, kiểm tra. Cứ hình dung, bình quân mỗi tháng phải tiếp 1 đoàn thanh tra, kiểm tra, DN mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ, sổ sách, tài liệu, mất thời gian tiếp, làm việc, giải trình với từng đoàn thì làm sao tập trung cho hoạt động sản xuất - kinh doanh?” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đặt vấn đề về công tác thanh tra, kiểm tra DN.

Khi lãnh đạo tỉnh quyết tâm

Những tháng cuối năm 2016, trên địa bàn An Giang diễn ra hàng loạt hội nghị về công tác nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra của các lực lượng liên quan trực tiếp đến DN gồm: cảnh sát giao thông, hải quan, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành về thuế, xây dựng, giao thông - vận tải… Từng hội nghị được tổ chức riêng, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng trực tiếp chủ trì và có thông báo kết luận sau hội nghị để tổ chức thực hiện (riêng Hội nghị quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ của lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh, tổ chức ngày 11-10-2016, do Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh chủ trì và có thông báo kết luận). Từng lực lượng thực thi công vụ được quán triệt tinh thần “đối với hành vi vi phạm mà phạt cũng được, không phạt cũng được thì không xử phạt, chỉ nhắc nhở DN”, tinh thần tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra cũng được quan tâm thực hiện.

Ngày 14-7-2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1989/QĐ-UBND về ban hành Quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra DN trên địa bàn tỉnh An Giang. Một trong những nguyên tắc phối hợp là hoạt động thanh tra, kiểm tra phải luôn tuân thủ theo pháp luật, đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, trung thực, dân chủ, kịp thời; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra. Nhằm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, sản xuất - kinh doanh của DN, các đơn vị chủ động kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho biết, việc tổ chức liên tiếp 6 hội nghị với các lực lượng thanh tra, kiểm tra DN là điều mà chưa có địa phương nào trong cả nước làm như An Giang. Trước đó, đầu năm 2016, Ban Hỗ trợ DN tỉnh đã được thành lập, mô hình “Cà phê doanh nhân” cũng ra mắt. Từ tháng 8-2016, trên Báo An Giang đăng công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ của DN, nhà đầu tư, hộ kinh doanh, người dân. Những hành động quyết liệt này đã góp phần tạo tiền đề cho thành công của “Năm DN” 2017 theo tinh thần “coi DN là động lực phát triển, quyết tâm giữ DN cũ, phát triển DN mới”.

Để hoạt động thanh tra, kiểm tra không ảnh hưởng doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng tặng bằng khen cho các tập thể thực hiện tốt quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Cần nhiều nỗ lực

Theo UBND tỉnh, sau 3 năm triển khai Quyết định số 1989/QĐ-UBND, hoạt động phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra DN trên địa bàn An Giang đạt nhiều kết quả tích cực. Nhằm đảm bảo nguyên tắc mỗi DN chỉ tiếp 1 đoàn thanh tra, kiểm tra trong năm (trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng), các sở, ngành, địa phương đã chủ động gửi dự thảo kế hoạch thanh tra, kiểm tra về Thanh tra tỉnh. Đây là cơ quan đầu mối tổng hợp, xử lý chồng chéo, xây dựng dự thảo và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN hàng năm trên địa bàn tỉnh. Nhờ công tác phối hợp này, năm 2017 đã loại trừ được 86 lượt DN bị trùng lặp, năm 2018 giảm trùng lặp được 117 lượt DN, năm 2019 là 124 lượt DN. Từ năm 2017 đến hết 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã tiến hành 1.464 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.793 lượt DN (41 cuộc thanh, kiểm tra đột xuất), ban hành 1.054 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 123,2 tỷ đồng, đã thu nộp ngân sách gần 107,3 tỷ đồng.

Việc thực hiện tốt quy chế phối hợp được đánh giá là tạo thuận lợi trong đầu tư kinh doanh, bình đẳng cho mọi DN phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao điểm số các chỉ số thành phần của bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) như: tỷ lệ DN bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên giảm từ 9,21% (năm 2017) còn 6,82% (năm 2018); nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp giảm từ 18,92% (năm 2017) còn 7,79% (năm 2018). Tuy nhiên, cũng có DN “than” bị kiểm tra quá nhiều lần trong năm. Điển hình như Công ty Antesco đã phải tiếp đến 6 đoàn thanh tra, kiểm tra chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, ảnh hưởng ít nhiều đến nỗ lực tái cấu trúc của DN. Có trường hợp như Công ty TNHH may mặc Lu An (Khu công nghiệp Bình Hòa, Châu Thành) phải tiếp đến 3 đoàn thanh tra trong năm (Công an tỉnh, Cục Hải quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nên Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh quyết định không kiểm tra theo kế hoạch… Trước thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội DN kiêm Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Nguyễn Thanh Việt đề nghị nên đưa chủ đề thanh tra, kiểm tra DN vào thảo luận tại buổi “Cà phê doanh nhân” nhằm giúp DN và cơ quan thực thi công vụ có dịp gặp gỡ, thảo luận, chia sẻ, nâng cao hiệu quả hơn công tác này.

“Hoạt động thanh tra, kiểm tra là cần thiết nhằm đảm bảo các DN tuân thủ tốt pháp luật, tạo công bằng trong sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, cần xử lý tốt chồng chéo, tập trung và thống nhất hơn trong thực thi công vụ để không gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động của DN. Qua đó, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy kinh tế - xã hội An Giang phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN