Để ngành cá tra phát triển bền vững

07/05/2018 - 07:54

 - Nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu (XK) là thế mạnh của ĐBSCL, bởi ngành hàng này mỗi năm mang về cho đất nước khoảng 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so với cà phê, tiêu thì kim ngạch XK của ngành hàng này vẫn còn thấp hơn nhiều, trong khi ĐBSCL có lợi thế tuyệt đối trong sản xuất (SX) cá tra.

Rủi ro

“Để ngành hàng này phát triển mang tính ổn định và bền vững, thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách cần nhìn thẳng vào sự thật, đo lường các nhân tố rủi ro để hoạch định chiến lược phát triển ngành cá tra sát với tình hình thực tế tại các địa phương trong vùng ĐBSCL, qua đó giúp ngành cá tra phát triển ổn định và bền vững…”- ông Nguyễn Văn Tâm, nhà đầu tư cổ phiếu mã ANV tại TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nam Việt

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nam Việt

4 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp (DN) trong nước đã XK sản phẩm (SP) cá tra file đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngành cá tra đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại các tỉnh ĐBSCL. Riêng tại An Giang, 4 tháng đầu năm 2018, các DN trong tỉnh XK 36.898 tấn, tương đương 84,05 triệu USD, so cùng kỳ bằng 91,4% về lượng, tăng 14,3% về kim ngạch. 

Hơn 20 năm XK SP file cá tra ra thế giới, ngành hàng này đã tìm được cho mình chỗ đứng quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm ngon, sạch, bổ và rẻ cho bữa ăn của người tiêu dùng tại các quốc gia trên thế giới. Song, cũng trong ngần ấy thời gian, nhiều DN, nông dân rời cuộc chơi do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố giá bán SP dưới giá thành SX liên tục trong nhiều năm, lặp lại nhiều lần nên người SX hết vốn. 

“Nếu nhìn trên phương diện tổng thể thì ngành nuôi và chế biến cá tra tại ĐBSCL đang có lợi thế tuyệt đối. Song, lâu dài, ngành hàng này chứa đựng không ít rủi ro, đó là sự tác động của tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng; tác động từ lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái, môi trường nuôi, yếu tố pháp lý hay rủi ro mang tính đặc thù của ngành hàng như: dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giá nguyên liệu, thị trường XK… Nói chung, có rất nhiều yếu tố rủi ro chúng ta phải lo lường hết để ngành cá tra phát triển mang tính ổn định, bền vững”-Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Đại hội cổ đông 2018, phần lớn các DN SX cá tra có niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đều rất phấn khởi bởi năm qua, đa phần các công ty đều làm ăn có lãi. Báo cáo của Công ty Cổ phần Nam Việt tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 công bố, năm qua, công ty này có mức doanh thu thuần 2.949 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 144 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, Nam Việt quyết định chia cổ tức 9%/mệnh giá cổ phần và dự kiến đại hội năm sau (2019), mức chia cổ tức sẽ là 12%/mệnh giá.

Lợi thế

“Chúng tôi, những nhà đầu tư cổ phiếu của các công ty chế biến thủy sản rất phấn khởi khi tình hình kinh doanh của các công ty được cải thiện đáng kể và ngành cá tra đang khởi sắc trở lại. Chúng tôi mong rằng, các nhà hoạch định chính sách tiếp tục có những giải pháp mang tính đột phá để duy trì sự phát triển của ngành, trong đó Chương trình SX giống cá tra 3 cấp là một đột phá mang tính điển hình…”- ông Trần Tuấn Kiệt, nhà đầu tư cổ phiếu ANV tại TP. Cần Thơ, chia sẻ.

Xét về lợi thế so sánh của ngành hàng này trên bình diện thế giới, có thể khẳng định rằng, ít quốc gia nào có được lợi thế như Việt Nam. "Nuôi cá tra cần nguồn nước sạch, trong khi ĐBSCL có sông Tiền và sông Hậu, với lưu tốc dòng chảy lớn. Bên cạnh đó, nông dân chuyên cần, giỏi nghề và rất sáng tạo. Người ta có thể nuôi cá tra theo hướng tăng năng suất, chất lượng nhưng vẫn giữ được giá thành ở mức hợp lý để cạnh tranh, đây là một lợi thế mà ít quốc gia nào có được…”- ông Ths. Vương Học Vinh, chuyên gia về cá tra, chia sẻ.

Ngoài yếu tố về môi trường nước, tay nghề, các tỉnh ở ĐBSCL SX cá tra đang có được lợi thế khác, đó là giá thuê lao động vẫn còn rẻ so với các quốc gia khác như: Mỹ, Philippines hay Bangladesh…

“Lợi thế thì có nhưng nếu ngành cá tra thiếu liên kết, trong đó có liên kết dọc và liên kết ngang thì yếu tố phát triển mang tính bền vững xin đừng đề cập. Bởi, thực tế cho thấy, cách đây trên 10 năm, ngành cá hồi của các nước phát triển như: Chile, Na Uy, Scotland, Canada… cũng giống như thực trạng cá tra hiện nay, nghĩa là có bán phá giá lẫn nhau, SX không bài bản nhưng khi nhìn thấy thực tế đó, Hiệp hội Cá hồi của các quốc gia này đi vào củng cố thông qua sự liên kết, mà ở đó vai trò hiệp hội ngành hàng là rất quan trọng. Chính từ sự liên kết đó giúp ngành cá hồi trên thế giới phát triển đến hôm nay…”- ông Nguyễn Đình Toàn (TP. Long Xuyên) kiến nghị.

“Để ngành cá tra phát triển, ngoài việc SX SP file đông lạnh để XK vào các thị trường truyền thống, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh SX các SP mang tính giá trị gia tăng như chạo cá tra, cá tra xiên que, cá tra xông khói cùng nhiều SP khác để chinh phục người tiêu dùng tại các quốc gia phát triển. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cho các DN tiên phong mở thị trường, đồng thời đưa ngành hàng SX cá tra trở thành ngành hàng SX có điều kiện thì ngành này mới phát triển mang tính bền vững…”- bà Trần Thị Lệ, nhà đầu tư cổ phiếu mã ANV tại TP. Hồ Chí Minh, kiến nghị

Bài, ảnh: MINH HIỂN