Để người Việt Nam thật sự ưu tiên dùng hàng Việt Nam

15/03/2019 - 07:33

 - “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trở thành câu nói cửa miệng, ngày càng đi vào đời sống của người tiêu dùng ở An Giang nói chung, TP. Long Xuyên nói riêng. Họ dần có thói quen lựa chọn sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng cao để phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, thay cho những sản phẩm ngoại nhập trước đây.

Người tiêu dùng chọn lựa hàng hóa trong hội chợ

TP. Long Xuyên là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Do vậy, địa phương có điều kiện phối hợp các sở, ngành, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tổ chức thành công các hội chợ lớn, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài thành phố tham gia. Năm 2018, UBND thành phố đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài khu vực thông qua 2 đợt hội chợ và “Tuần lễ văn hóa, ẩm thực, du lịch, thương mại An Giang 2018”. Đồng thời, tạo điều kiện cho 3 đơn vị tổ chức các đợt hội chợ thương mại trên địa bàn, nhằm kết nối giao thương, quảng bá các sản phẩm và dịch vụ do các công ty, doanh nghiệp trong nước thực hiện đến với người dân trong và ngoài địa phương.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP. Long Xuyên Đặng Thị Thanh Thúy cho biết: “Công tác tuyên truyền cuộc vận động được quan tâm chỉ đạo, thực hiện, cùng với sự ủng hộ tích cực của người dân. Do vậy, các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội đầu tư; có thể đứng vững, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm địa phương, góp phần phát triển kinh tế thành phố, trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Các chính sách hỗ trợ được triển khai, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”.

Bên cạnh các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm, TP. Long Xuyên tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu trên địa bàn. Năm qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra 130 cơ sở sản xuất - kinh doanh (ngành hàng sản xuất bánh, kẹo, patê, chả lụa, thực phẩm chay, quán ăn, tạp hóa, nhà phân phối đường, cửa hàng quần áo, mỹ phẩm...). Qua đó, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 45 trường hợp vi phạm; tịch thu 1.600 chai, 251 hộp thuốc nhuộm tóc, 50 hộp mặt nạ dưỡng da là hàng hóa ngoại nhập không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên 660kg nguyên liệu đã qua chế biến không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Hoạt động kiểm tra, xử lý đã góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Ở một số nơi, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên; chưa có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của một số đơn vị. Tâm lý của một bộ phận người dân còn thích hàng giá rẻ, dù nguồn gốc không rõ ràng. Một số khác thiếu thông tin nhận biết chất lượng sản phẩm nên băn khoăn, e ngại khi mua hàng Việt. Chưa kể, hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào thị trường nội địa An Giang ngày càng nhiều, tác động trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều hàng Việt giá cả chưa hợp lý, mẫu mã chưa phong phú, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Chính vì thế, cán cân mua sắm của người dân chưa thật sự nghiêng về hàng Việt.

“Với vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Long Xuyên, UBMTTQVN thành phố sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả của cuộc vận động; nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong thực hiện. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các tổ chức thành viên và các phường, xã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, các chương trình quảng bá hàng Việt Nam trên địa bàn... Chúng tôi mong muốn tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tiếp cận được các mặt hàng sản xuất trong nước, từng bước thay đổi thị hiếu và tâm lý của người dân trong việc sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng hàng nội địa, góp phần xây dựng “Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam” thời kỳ hội nhập quốc tế” - bà Đặng Thị Thanh Thúy chia sẻ.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH