Để phòng cháy, chữa cháy thật sự hiệu quả

04/04/2019 - 07:46

 - An Giang là tỉnh đồng bằng, nhưng có núi, có rừng, có đường biên giới quốc gia. Tốc độ phát triển các trung tâm du lịch (ở khu vực có núi, có rừng) nhanh, nhưng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (CNCH) chuyên dụng chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình biến đổi khí hậu, đô thị hóa phát triến mạnh; sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu, khí đốt ngày càng nhiều; ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của nhiều tổ chức, cá nhân một số nơi còn hạn chế… là những đặc thù và là nguyên nhân chủ yếu tác động tình hình cháy, nổ, công tác PCCC và CNCH tại địa phương thời gian qua.

Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiến hành khảo sát, giám sát tại một số cơ quan, đơn vị (UBND tỉnh, các cơ sở sản xuất - kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh), nhằm xem xét việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018. Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy về công tác PCCC, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được tăng cường. Việc củng cố, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ được quan tâm thực hiện. UBND tỉnh đã đầu tư hơn 101 tỷ đồng trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy và CNCH; triển khai thực hiện tiểu dự án đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC, CNCH thuộc Công an tỉnh giai đoạn 2016-2018 gần 50 tỷ đồng. Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra về an toàn PCCC, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC ở các khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp, ở những địa bàn có nguy cơ cao về cháy nổ.

Tuy nhiên, qua khảo sát, giám sát, Đoàn ĐBQH rất lo ngại trước tình hình thường xuyên ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 91. Vấn đề này đã gây cản trở rất lớn trong hoạt động PCCC, tác động tiêu cực đến niềm tin của cử tri đối với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Công tác tuyên truyền, phố biến kiến thức pháp luật về PCCC chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; ý thức về PCCC chưa cao. Công tác PCCC cơ sở từng lúc, từng nơi chưa được chú trọng; tâm lý trông chờ cấp trên còn khá nhiều; tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Một số địa phương và cơ sở chưa quan tâm đầu tư kinh phí trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy cho đội PCCC dân phòng và cơ sở, nên khi xảy ra cháy, còn bị động, chữa cháy kém hiệu quả, chưa kịp thời dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Cơ sở vật chất phục vụ công tác chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu, một số nơi còn thiếu mạng lưới các trụ nước chữa cháy, hoặc có lắp đặt nhưng không sử dụng được do hư hỏng (hoặc không có nước) diễn ra khá phổ biến. Lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở tuy được tập huấn nghiệp vụ về PCCC, nhưng trình độ, năng lực còn hạn chế; việc trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy cho lực lượng này chưa đáp ứng yêu cầu.

Bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC ở An Giang, đó là: sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định PCCC là yếu tố quyết định việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đối với công tác PCCC. Việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có ý nghĩa quyết định chất lượng, hiệu quả công tác PCCC và CNCH. Bên cạnh đó, phải tăng cường hoạt động quản lý nhà nước; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời xây dựng, nêu gương người tốt, việc tốt và phê phán những hành vi vi phạm là nhân tố quan trọng quyết định kết quả, hiệu quả của công tác PCCC, CNCH.

“Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu triển khai xây dựng hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc từ TP. Long Xuyên đến TP. Châu Đốc trước năm 2025, nhằm tạo động lực để An Giang phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển dịch vụ du lịch và đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu chữa cháy trong giai đoạn mới. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu khẩn trương triển khai nâng cấp tuyến Quốc lộ 91 từ TP. Long Xuyên đến TP. Châu Đốc trước năm 2021, để khắc phục tình hình thường xuyên ùn tắc giao thông, tránh tác động xấu hình ảnh và phát triển dịch vụ du lịch của An Giang. Đồng thời, tạo điều kiện chữa cháy kịp thời, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân” - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Huỳnh Sơn thông tin.

Toàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp và các trung tâm thương mại, cảng, kho xăng dầu, hóa chất, khu dân cư mới trong đô thị... Đặc biệt, 13.423ha rừng tập trung phần lớn ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Từ tháng 7-2014 đến 15-7-2018, toàn tỉnh xảy ra 159 vụ cháy, làm 4 người chết, 11 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền gần 99 tỷ đồng. Lực lượng công an trực tiếp tham gia chữa cháy 105 vụ, lực lượng chữa cháy cơ sở dập tắt 54 vụ.

 

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG