Đề phòng đuối nước trẻ em

03/07/2019 - 06:47

 - Chưa bước vào mùa mưa nhưng tình trạng đuối nước trẻ em xảy ra nhiều nơi. Mặc dù triển khai nhiều giải pháp, nhưng tình trạng đuối nước trẻ em ở Việt Nam rất nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 3.000 trường hợp, cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Những vụ đuối nước thương tâm

Tối 24-6, vụ đuối nước thương tâm làm chết 3 chị em ruột (từ 5 - 10 tuổi) khi ra sông tắm của đôi vợ chồng trẻ ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Chiều 23-6 xảy ra vụ đuối nước trên sông Lam (Nghệ An) làm chết 3 nam sinh, trong đó có 2 em chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia (vào ngày hôm sau 24-6)… Trước đó, ngày 21-3, 9 học sinh rủ nhau ra sông Đà (Hòa Bình) tắm và có 8 cháu đã thiệt mạng do đuối nước… Những cái chết thương tâm do đuối nước là lời cảnh báo cho gia đình, cộng đồng xã hội về sự quan tâm đối với trẻ em, cần nâng cao ý thức quản lý trẻ trong dịp hè.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân thăm điểm giữ trẻ mùa lũ năm 2018 ở xã Vĩnh Hội Đông (An Phú)

An Giang là địa phương có nhiều sông, rạch, ao, hồ, nhiều địa bàn ở đầu nguồn bị ngập sâu vào mùa mưa lũ. Mỗi năm, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 10 trường hợp đuối nước trẻ em. Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ quan trọng và cần phải được thực hiện thường xuyên hàng năm UBND tỉnh đều chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành như: triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình bảo vệ trẻ em, chương trình hành động vì trẻ em; phấn đấu tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc và hỗ trợ; tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong thực hiện quyền tham gia các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em…

Tăng cường nhiều giải pháp

Những năm qua, công tác bảo vệ trẻ em được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, trong đó chú trọng nhóm trẻ em có nguy cơ và trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều loại hình hoạt động chăm lo cho trẻ em đã tác động tích cực vào việc tạo môi trường lành mạnh cho trẻ em, nhằm từng bước thực hiện tốt quy trình từ khâu phòng ngừa, phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đến việc hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập cho trẻ em cần sự can thiệp, trợ giúp.

Đến nay, có 156/156 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 61/156 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em”; 61/156 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình “Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng”; 18/156 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình “Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng”... Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp triển khai 10 điểm tư vấn tại trường học, 76 câu lạc bộ trẻ em, 9 xã thực hiện dự án “Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam”… Với việc tích cực triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em đã góp phần bảo vệ tai nạn thương tích và  phòng ngừa, hạn chế tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực trẻ em. Đồng thời, duy trì mô hình cộng đồng an toàn tại 4 xã thuộc các huyện có dự án “Bạn hữu trẻ em”: (xã Phú Thọ (Phú Tân), xã Văn Giáo (Tịnh Biên), xã Khánh An (An Phú), xã Lê Trì (Tri Tôn).

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của gia tăng đuối nước ở trẻ em chủ yếu do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của người lớn; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Ngoài ra, do môi trường xung quanh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em (nhiều sông, suối, ao hồ, ao nuôi gần nhà không được rào chắn, cảnh báo nguy hiểm…). Nhất là vào mùa hè có nhiều thời gian rảnh rỗi, nên trẻ thường trốn gia đình rủ nhau ra tắm ở những ao hồ, sông, suối… Nhằm hạn chế  đến mức thấp nhất số trẻ bị tai nạn do đuối nước, UBND tỉnh giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ tại các vùng ngập sâu trong tỉnh (bình quân 50 điểm/năm), mỗi điểm giữ trẻ tập trung từ 15-40 trẻ. Trong 2 năm 2017-2018, toàn tỉnh đã tổ chức được 26 điểm với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng; hỗ trợ trang bị 10 lồng bơi di động để tổ chức dạy bơi cho trẻ em các huyện vùng biên giới, vùng núi khó khăn, vùng lũ: Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, TX. Tân Châu. Ngoài ra, hàng năm, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch còn xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, hướng dẫn địa phương tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên có lũ. Trong 2 năm 2017-2018, tổ chức được 1.112 lớp với 40.467 em tham gia học và biết bơi, kết quả có 97% biết bơi.

Các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các địa phương tăng cường lồng ghép truyền thông kiến thức liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là nhóm đối tượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Các kiến thức như: phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em; quyền, bổn phận trẻ em, phòng tránh buôn bán phụ nữ và trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em; phòng tránh lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vận động trẻ đến trường; phòng tránh dịch bệnh nguy hiểm; kiến thức kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan... Kèm theo đó là các hình thức truyền thông đa dạng, như: phát thanh, truyền hình; đưa tin bài trên báo địa phương và báo ngành, đưa tin trên cổng thông tin điện tử tỉnh, trên website ngành; tờ rơi, pa-nô, tuyên truyền nhóm, nói chuyện chuyên đề, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, biểu dương khen thưởng kịp thời những gia đình, cá nhân gương mẫu trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em…

Bài, ảnh: HỮU HUYNH