Đề xuất từ chức của Thủ tướng Anh liệu có đủ phá vỡ thế bế tắc Brexit?

28/03/2019 - 20:12

Nhiều khả năng nhượng bộ của bà May cũng khó có thể phá vỡ được thế bế tắc Brexit và tiếp tục đẩy nước Anh đối mặt với tương lai khó định đoán.

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 27-3 cam kết sẽ từ nhiệm nếu như các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit trong cuộc bỏ phiếu lần 3. Tuy nhiên, với những diễn biến hiện nay, nhiều khả năng nhượng bộ của bà cũng khó có thể phá vỡ được thế bế tắc Brexit và tiếp tục đẩy nước Anh đối mặt với tương lai khó định đoán.

Thủ tướng Theresa May. Ảnh: Sky News

Phát biểu tại cuộc họp với các nghị sĩ hôm qua, Thủ tướng Theresa May cam kết với các nghị sĩ Đảng Bảo thủ rằng sẵn sàng rời khỏi nhiệm sở sớm hơn suy nghĩ trước đây của mình, để đảm bảo những gì đúng nhất cho đất nước và đảng Bảo thủ. Thủ tướng cũng kêu gọi các nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ thỏa thuận Brexit để có thể hoàn thành sứ mạng lịch sử theo quyết định của người dân Anh và rời EU một cách thuận lợi, có trật tự.

Lời đề nghị của bà Mây diễn ra chỉ vài giờ trước khi các nghị sĩ Anh tiến hành cuộc bỏ phiếu nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thay thế cho thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng đệ trình. Tuy nhiên, đã không có đề xuất nào trong số 8 đề xuất được đưa ra nhận được đa số phiếu bầu để được thông qua.

Bộ trưởng Brexit Steve Barclay cho rằng, kết quả cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội củng cố quan điểm rằng thỏa thuận mà Chính phủ đã đàm phán là lựa chọn tốt nhất: “Hạ viện đã cân nhắc một số lựa chọn nhưng cuộc bỏ phiếu cho thấy không dễ để tìm ra một giải pháp khác thay thế. Không đơn giản để tìm ra một thỏa thuận tốt hơn. Thỏa thuận chính phủ đàm phán là một sự thỏa hiệp với cả EU và Hạ viện”.

Tuyên bố từ chức của Thủ tướng có thể làm hài lòng những nghị sĩ chống đối trong nội bộ Đảng bảo thủ của bà, vốn luôn gia tăng sức ép kêu gọi bà từ chức, với mong muốn đưa một ứng cử viên có quan điểm Brexit cứng rắn hơn lên làm Thủ tướng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu đề xuất từ chức của Thủ tướng có thể đảm bảo Thỏa thuận sẽ được Quốc hội thông qua trong cuộc bỏ phiếu lần 3 nếu diễn ra hay không.

Giành được sự ủng hộ của những người chống đối trong đảng Bảo thủ là một trong những thách thức lớn của Thủ tướng. Tuy nhiên, đây không phải là rào cản duy nhất. Thủ tướng vẫn cần sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Hợp nhất (DUP), liên minh bảo thủ của bà tại Bắc Ireland.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 27-3, Lãnh đạo Đảng Dân chủ hợp nhất Arlenne Foster khẳng định sẽ không bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận của Thủ tướng May, vì gây ra mối đe dọa không chấp nhận được. “Tháng 12-2017, tôi đã cảnh báo mối nguy hiểm của vấn đề chốt chặn. Trước khi ký thỏa thuận với EU tôi cũng đã cảnh báo tuy nhiên Thủ tướng vẫn tiếp tục kế hoạch của mình. Chúng tôi không thể kí một cái gì đó làm tổn hại đến liên minh”.

Lâu nay, Chính phủ của Thủ tướng May thường dựa vào sự ủng hộ của 10 nghị sĩ Đảng Dân chủ Hợp nhất  để có được số phiếu ủng hộ quá bán tại Hạ viện. Do đó, sự quay lưng của Đảng Dân chủ Hợp nhất  có thể sẽ khiến Thủ tướng gặp khó khăn trong lần bỏ phiếu tiếp theo đối với thỏa thuận Brexit. Theo truyền thông Anh, các cuộc đối thoại đang tiếp tục giữa chính phủ và Đảng DUP nhưng dự kiến không có đột phá nào. Ngoài ra, giới quan sát cũng cho rằng, Thủ tướng Theresa May còn có thể phải đối mặt với sự “quay lưng” từ các nghị sĩ ôn hòa hay ủng hộ Anh ở lại EU trong cả hai đảng Bảo thủ và Công đảng- những người lo ngại rằng, thông qua thỏa thuận và sự ra đi của Thủ tướng Theresa May sẽ tạo ra cơ hội cho một Thủ tướng mới có quan điểm chống EU cứng rắn hơn trong tương lai.

Và thậm chí nếu Thỏa thuận được thông qua và Thủ tướng Theresa May từ chức, sẽ tạo ra một cuộc đua vị trí để trở thành lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ. Hiện có một số ứng cử viên tiềm năng có thể thay thế cho vị trí của Thủ tướng bao gồm cựu Thị trưởng London -nghị sĩ ủng hộ Brexit hiện nay Boris Johnson, Bộ trưởng môi trường Michael Gove hay cấp phó của Thủ tướng ông David Lidington. Cuộc chiến quyền lực có thể kéo dài trong bối cảnh chính sách của Anh rất không rõ ràng và mâu thuẫn dâng cao.

Tiến trình Brexit kéo dài trong bế tắc, thời hạn và các kế hoạch liên tục thay đổi, khiến nhiều người Anh ở cả phe ủng hộ rời đi lẫn phe muốn ở lại EU đều đang hoang mang. Nhiều người dân Anh hôm qua tiếp tục tập trung trước điện Westminster tại London, nơi làm việc của quốc hội Anh để bày tỏ sự thất vọng vì chính phủ và quốc hội sau nhiều ngày vẫn không thể đồng thuận để đưa ra một phương án.

Những dòng chữ khẩu hiệu “Brexit, hài kịch hay bi kịch”, “Hỗn độn trong vô vọng” cho thấy sự chán chường cực độ của người dân Anh, gần 3 năm sau khi nước này đi bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu, với một mong ước tạo nên một chương mới cho xứ sở sương mù này.

Theo PHẠM HÀ (VOV)