Đến An Giang chiêm ngưỡng những cái “nhất”

20/02/2018 - 01:54

 - Ngoài dãy Thất Sơn hùng vĩ, vùng đất An Giang còn có không ít địa điểm, sự vật “độc nhất vô nhị”, khiến du khách thích thú tìm đến chiêm ngưỡng.

Tấm bia lâu đời nhất

Đó là tấm bia đá Thoại Sơn được đặt trong đình thần Thoại Ngọc Hầu (thị trấn núi Sập, Thoại Sơn). Bia là một áng văn, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, kể lại việc Thoại Ngọc Hầu dâng chỉ vua đốc thúc đào kênh và vua cho lấy tên làm tên núi, tên làng.

Bia cao 3m, ngang 1,2m, dày 20cm, mặt bia chạm đúng 629 chữ Hán, được khắc tinh xảo, đẹp mắt. Dù qua hơn 2 thế kỷ nhưng vẫn giữ vẹn nguyên nét cổ xưa, huyền bí.

Theo ông Nguyễn Trung Nhựt (người quản lý đình thần Thoại Ngọc Hầu), bia 195 năm tuổi này được trả về chỗ cũ vào năm 1904, sau nhiều lần di chuyển nhiều nơi. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ, nên bia được bảo quản tốt.

Ngoài bia Thoại Sơn, bia Vĩnh Tế Sơn ở núi Sam (TP. Châu Đốc) cũng được dựng vào năm 1822. Hai tấm bia này trong 3 bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới chế độ phong kiến còn lưu lại đến ngày nay, được công nhận là di tích lịch sử (còn lại là bia Vĩnh Lăng ở Thanh Hóa).

Những cây cổ thụ “sống lâu nhất”

Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, trên địa bàn tỉnh có gần 90 cây cổ thụ, thuộc 12 họ thực vật, tuổi thọ từ 30-700 năm, chủ yếu được phân bố tự nhiên ở những vùng nông thôn. Trong đó, đáng chú ý nhất là 2 cây cổ thụ với tuổi đời hơn 600 và 700 năm được xác định là những cây sống lâu nhất vùng ĐBSCL.

Ông Chau Pone (sinh năm 1958, ngụ ấp Tô An, xã Cô Tô, Tri Tôn) đang lưu giữ cây Dầu Rái hơn 700 năm tuổi (thân cây cao 30m, chu vi 8,5m) ở trong sân nhà mình. “Cây mọc lên năm nào, không ai biết. Chỉ nghe những người cao niên ở nơi đây kể lại rằng, khi các cụ lớn lên thì đã thấy nó tồn tại trên vùng đất này. Người dân nơi đây rất tôn kính cây và coi như “vị thần” trông giữ làng xóm, đất đai của bà con nên thường xuyên đến cầu mong làm ăn phát đạt…”.

Cách đó không xa là sự hiện diện của cây me chua “thọ” hơn 600 năm tuổi (thân cây cao hơn 20m, chu vi 6,2m). Cây to đến nỗi mỗi nhánh vòng tay 1 người ôm không giáp; ước tính độ che phủ của tán cây gần cả 100m; mỗi nhánh được thiên tạo như những hình rồng uốn lượn trong không gian, rất độc đáo.

Chị Néang Sóc Phon (sinh năm 1978, con gái ông Chau Phi, chủ sở hữu cây me) tự hào cho biết, người già, trẻ con thường tìm đến đây vui chơi, nghỉ ngơi vào lúc rảnh rỗi. Cả 2 cây cổ thụ này được xét Bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam” vào năm 2012 do Hội Di sản Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng.

Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm An Giang) cho biết: “So với khu vực ĐBSCL, có thể nói 2 cây cổ thụ được xem lâu đời nhất, nên việc bảo quản luôn được Chi cục Kiểm lâm theo dõi rất chặt chẽ; tuyên truyền cho người dân biết để cùng nhau chung tay bảo vệ, giữ gìn.

Hiện nay, tỉnh có 5 cây được Bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam, ở Tịnh Biên, Tri Tôn. Đến nay, tất cả các cây đều phát triển rất tốt, không bị sâu bệnh…”.

Ngôi chùa độc đáo nhất với số 4

Ở Ba Thê (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn), Linh Sơn cổ tự xây dựng vào năm 1913 và được trùng tu gần đây, tôn thờ pho tượng Phật 4 tay và 2 bia đá cổ vô tình tìm được. Năm 1912, khi người Pháp cho xe ủi đất xây đồn Ba Thê, cách gò Óc Eo hơn 1,5km, đã khai quật được pho tượng Phật 4 tay bằng đá cao 1,7m, cùng 2 bia đá cao 1,8m và 2 mặt khắc chữ cổ của người Phù Nam (không phải chữ Phạn hay chữ Khmer cổ).

Lúc ấy, 80% dân cư ở khu vực này rất tôn sùng những di vật mới được khai quật, nên tiến hành lễ thỉnh tượng về chùa thờ tự. Không hiểu vì sao, mọi người không thể nào khiến pho tượng di chuyển, dù đã vận động hàng chục người khiêng. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng họ đành bỏ cuộc trong tiếc nuối.

Sau này có người xin thỉnh về thờ, nhưng có lẽ do “duyên số” nên họ đã thành công. Đặc biệt hơn, đoạn đường chỉ trên 1km nhưng đoàn người đi đúng 1 ngày, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Đến khu vực này, tượng Phật đột nhiên nặng hơn, không thể di chuyển được nữa. Vậy là mọi người nhanh chóng xây dựng ngôi chùa nhỏ bao quanh tượng và 2 tấm bia đá, đặt tên là Linh Sơn cổ tự đến ngày nay.

Năm 1988, tượng Phật 4 tay được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Riêng 2 bia đá vẫn là bí ẩn: một bên kín đặc chữ (được xem là tử ngữ - ngôn ngữ đã chết), một bên không có chữ nào. Ngày 24-5-2009, trong cuộc hội ngộ kỷ lục Phật giáo lần thứ V, tượng Phật 4 tay và 2 bia đá này được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận và trao danh hiệu “Lâu năm nhất, lớn nhất nước”.

Điều độc đáo nhất, ngôi chùa gắn liền với số 4 định mệnh. Ngoài tượng Phật 4 tay nổi tiếng, trong khuôn viên chùa còn 4 ngôi tháp 4 mặt, thờ 4 vị tu hành ngày trước và cây dầu tự chia làm 4 ngọn to bằng nhau, vươn cao thẳng tắp trong khuôn viên chùa.

NGUYỄN HƯNG