Đến UBND địa phương để được hướng dẫn việc chuyển mục đích sử dụng đất

19/08/2019 - 08:16

 - Bà Phan Thị Thúy Hằng (sinh năm 1975, ngụ khóm 2, thị trấn Chi Lăng, Tịnh Biên) cần được chuyển một phần đất để xây dựng nhà ở, sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Nhưng có nhiều hướng dẫn khác nhau, nên đến nay bà vẫn không thực hiện được.

Đến UBND địa phương để được hướng dẫn việc chuyển mục đích sử dụng đất

Bà Phan Thị Thúy Hằng và con trai chỉ phần đất chuyển mục đích sử dụng đất

Trình bày sự việc đến Báo An Giang, bà Phan Thị Thúy Hằng cho biết: “Sau khi kết hôn, năm 1993, tôi và chồng (ông Đỗ Văn Chuộng, sinh năm 1970) cố gắng lao động, dành dụm tiền mua được trên 7.000m2 đất ruộng ở xã An Cư (Tịnh Biên). Thấy chúng tôi chịu khó làm ăn, cha mẹ chồng (ông Đỗ Văn Vỹ, bà Trần Thị Sa) nhượng cho phần đất khá lớn ở khóm 2 (gần khu vực nhà thờ Chi Lăng). Đất ở vị trí khá vắng vẻ, vợ chồng tôi vẫn cất nhà tạm để ở. Sau đó chúng tôi mua thêm đất ở lân cận, nâng diện tích sử dụng lên 10.293m2; năm 2011 được UBND huyện Tịnh Biên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2012, do bị tai nạn giao thông, chồng tôi qua đời. Vài năm sau, lần lượt 2 con trai (Đỗ Thanh Sang, sinh năm 1994 và Đỗ Văn Trọng, sinh năm 1996) cưới vợ. Tôi lấy một phần đất cất nhà cho ở. Sau đó, mẹ con tôi muốn sử dụng phần đất này làm nhiều việc khác, nhưng nghe nói phải chuyển mục đích mới sử dụng được. Không am hiểu pháp luật, mẹ con tôi làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng nhiều năm vẫn không thực hiện được, ảnh hưởng lớn đến việc làm ăn, sinh sống của gia đình. Tôi làm đơn nhờ các cơ quan chức năng hỗ trợ và giúp đỡ về việc này”.

Luật sư Phan Văn Được, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang, nhận xét: “Theo quy định của pháp luật hiện hành và Bộ luật Dân sự, dù số đất nói trên cho con trai, nhưng quyền sử dụng phần đất 10.293m2 xác định là của vợ chồng ông Đỗ Văn Chuộng, bà Phan Thị Thúy Hằng. Ông Chuộng chết đột ngột, không để lại di chúc. Nhưng nếu có nhu cầu chia thừa kế về số tài sản này theo pháp luật, thì chỉ xem xét đối với những người ở hàng thừa kế thứ nhất đối với người chết, gồm: vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Trong đó cần xem xét người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế, hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế… Đối với việc muốn chuyển đổi đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm sang đất ở, người có nhu cầu phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, người sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, phần đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; có đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý và người có nhu cầu phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định”.

Trả lời về việc này, ông Huỳnh Thọ Lộc, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Lăng, cho biết: “Địa phương hiện vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ về việc gia đình bà Phan Thị Thúy Hằng xin chuyển mục đích sử dụng phần đất nói trên. Việc này thuộc thẩm quyền xem xét giải quyết của UBND huyện, thông qua Phòng Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Tịnh Biên. Về phần đất trồng cây lâu năm nói trên xin chuyển mục đích sử dụng nằm trong diện quy hoạch đô thị của địa phương, được xem xét chuyển mục đích sử dụng đất.  Để được biết chi tiết, chúng tôi đề nghị đương sự cần liên hệ trực tiếp với UBND thị trấn Chi Lăng nói rõ về yêu cầu, cung cấp các giấy tờ liên quan, đồng thời sẽ được hướng dẫn thực hiện các công việc cần thiết tiếp theo theo quy định của pháp luật”.

Bài, ảnh: N.R