Đi tìm “Ông Cò quận 9”

06/02/2019 - 00:30

 - Có mặt trên đời chỉ hơn nửa thế kỷ, soạn giả tài danh Hoa Phượng (1933-1984) để lại cho đời gần 100 vở cải lương, trong đó tuyệt phẩm “Ông Cò quận 9” có sức sống mãnh liệt...

Ông là Lương Kế Nghiệp, sinh năm 1933, ở thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn (An Giang). Năm 1947, ông tham gia cách mạng, làm thư ký Ty Công an Long Châu Hà. Đến năm 1955, ông gặp người bạn thời kháng chiến Đặng Ngươn Chúc (soạn giả Hà Triều), rủ nhau lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Từ sự giúp đỡ của nhà thơ, kiêm soạn giả Kiên Giang, liên danh Hà Triều - Hoa Phượng ra đời, “làm mưa làm gió” sân khấu cải lương thời hoàng kim vào thập kỷ 50-60 thế kỷ trước. “Cặp bài trùng” này soạn trên 50 vở, Hoa Phượng viết riêng gần 30 vở và viết chung với nhiều người. Trong đó, vở “Ông Cò quận 9”  hay “Tuyệt tình ca” viết chung với Ngọc Điệp vào năm 1965, là tuyệt phẩm để đời: “Do đồng lương không đủ cung phụng cho vợ, gia đình lục đục nên ông giáo Lê Văn Hương bỏ nhà đi lang bạt. Khi đến làng Tân Ngãi (Vĩnh Long) ông gặp cô giáo nghèo tên Lan gá nghĩa vợ chồng, sinh con gái tên Lê Thị Trường An, con trai tên Lê Long Hồ. Thời cuộc loạn lạc đưa ông giáo Hương lên Sài Gòn, sau làm đến Cảnh sát trưởng quận 9. Rồi con trai vợ lớn (tên Nhân) nảy sinh tình yêu với Trường An (con gái vợ nhỏ) đã  đưa “Ông Cò quận 9”  vào nghịch cảnh…”. Câu chuyện tình tay ba của một gia đình là bối cảnh đã chấp cánh cho “Tuyệt tình ca”  bay bổng hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng về thông tin đối với người viết chung là Ngọc Điệp và nhân vật chính “Ông Cò quận 9” vẫn chưa được hé lộ.

Soạn giả Ngọc Điệp tên Nguyễn Hữu Được (1932-1990), sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Cửu Bình Đa, nay là phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Cha ông là công chức, mẹ làm đông y, có 3 chị em. Trước khi đến với sân khấu, ông làm việc tại các báo hàng ngày ở Sài Gòn. Qua giúp đỡ của đàn anh Kiên Giang - Hà Huy Hà, ông sáng tác cải lương, nhiều vở đến ngày nay còn nhắc nhở, như: Lan Huệ sầu ai, Lấy chồng xứ lạ… trong đó vở “Thân gái dặm trường” đoạt giải văn học - nghệ thuật năm 1971. Ông có nghệ danh: Phượng Linh, Hoài Điệp, Mộc Linh, đặc biệt với Ngọc Điệp viết chung “Ông Cò quận 9” với Hoa Phượng gây chấn động giới hâm mộ cải lương cho đến nay. Từ lâu, nhân vật ông Cò (Cảnh sát trưởng) được coi là đại từ phiếm chỉ, còn quận 9 lúc đó chưa ra đời và “nguyên mẫu” tác phẩm khởi từ đâu? Qua tìm hiểu, ở xóm Phước Lư (Vĩnh Cửu Bình Đa) có ông Cò Hương vang tiếng một thời, thâm tình với gia đình ông Ngọc Điệp. Có thể nhân vật này là nguyên mẫu? Về việc này, vẫn chưa xác thực do đồng tác giả đã không còn. Nói về việc này, ông Huỳnh Thượng Đẳng (tác giả Người Khăn Trắng) quê thị trấn Núi Sâp, có thời gian sống chung với Hoa Phượng cho biết: “Hồi đó, thầy tuồng (soạn giả) thường viết theo đặt hàng của ông, bà bầu cải lương và lấy tiền tạm ứng ngay, đến ngày hẹn phải giao tuồng viết. Cặp Hà Triều - Hoa Phượng là bậc thầy về chuyện này. Với “Ông Cò quận 9”  viết chung với Ngọc Điệp, không ai rõ “nguyên mẫu” nhân vật Cảnh sát trưởng, còn quận 9 lúc này chưa ra đời, nên cứ cho tác giả “sản xuất” ra”.

NGUYỄN RẠNG