Điểm sáng nhân đạo vùng biên

11/01/2018 - 01:00

 - Sau 6 năm xây dựng và phát triển, mô hình phòng khám nhân đạo ở huyện Tịnh Biên đã giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân nghèo ở vùng biên giới và người dân nước bạn Campuchia. Đây là một trong những mô hình được đánh giá cao tại hội nghị tổng kết công tác hội chữ thập đỏ (CTĐ) các tỉnh Nam Sông Hậu.

Những năm trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình ít được nghĩ tới. Đến khi phát bệnh là những bệnh nặng như: tim mạch, huyết áp dẫn đến tai biến mạch máu não. Nhiều bệnh nhân từ cấp tính chuyển sang mãn tính để lại di chứng suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do vậy, người dân nghèo lại càng nghèo hơn.

Thấu hiểu và mong muốn sẻ chia, năm 2012 Hội CTĐ Tịnh Biên đã tham mưu UBND huyện xây dựng phòng khám và tích cực vận động lực lượng thầy thuốc tình nguyện tham gia khám, chữa bệnh cho Nhân dân bằng phương pháp đông, tây y kết hợp vật lý trị liệu.

Các thiết bị hỗ trợ người bệnh tập vật lý trị liệu

Các thiết bị hỗ trợ người bệnh tập vật lý trị liệu

Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tịnh Biên Lê Văn Hoàng cho biết: “Ban đầu phòng khám gặp rất nhiều khó khăn, không đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị không đảm bảo, không có kinh phí để bồi dưỡng nhân viên. Bằng sự quyết tâm và đồng lòng của chính quyền địa phương, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự đóng góp tích cực của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, hoạt động phòng khám dần ổn định.

Đó là tấm lòng của ông Huỳnh Minh Lý và gia đình ở xã Mỹ Đức (Châu Phú) tài trợ xây dựng khu lưu bệnh với 5 phòng (50 giường bệnh), tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Hưng Nguyễn tài trợ xây dựng phòng châm cứu và 12 giường bệnh trị giá 170 triệu đồng.

Đến năm 2015, phòng khám tiếp tục được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ 1,5 tỷ đồng mua 1 xe chuyển bệnh và các trang thiết bị phục vụ cho điều trị như: máy sóng ngắn, máy laser, máy từ rung nhiệt, máy siêu âm điều trị khớp, máy châm cứu. Rồi các phòng thuốc nam, phòng vật lý trị liệu cũng được bổ sung nhờ sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm”.

Hiện, phòng khám có 15 nhân viên (1 bác sĩ, 3 y sĩ, 3 dược trung, 1 lương y, 2 sơ cấp châm cứu, 3 kỹ thuật viên, 2 vật lý trị liệu). Họ là những bác sĩ, y sĩ về hưu, những bạn sinh viên ngành y ra trường chưa tìm được việc làm và các lương y có tấm lòng thiện nguyện nhiều nơi được mời về.

Dưới mái nhà chung, mỗi người phối hợp nhịp nhàng trong điều trị các bệnh: phục hồi chức năng sau tai biến, đau thần kinh tọa, viêm xoang, gai cột sống, gai xương. Với các phương pháp của y học cổ truyền như: châm cứu, xoa bóp, tập vật lý trị liệu và các máy trị liệu khác đã làm giảm bệnh trên 80% cho bệnh nhân.

Bình quân mỗi ngày phòng khám phục vụ từ 95-150 bệnh nhân địa phương, tỉnh lân cận và người dân Campuchia đến khám và điều trị, trong đó có trên 30 bệnh nhân nội trú. Phòng khám đã trang bị 70 giường bệnh, trong đó dành 50 giường lưu bệnh ưu tiên cho bệnh nhân nhà xa, đi lại khó khăn.

Ngoài ra, bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh còn được cơ sở chữ thập đỏ bệnh viện cung cấp cơm cháo và nước sôi miễn phí. Từ năm 2012 đến nay, phòng khám đã khám và điều trị cho trên 237.000 lượt bệnh nhân, giá trị hoạt động mang lại cho xã hội trên 200 triệu đồng/tháng.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng phòng khám đã vận động nguồn kinh phí duy trì và phát triển tốt các điều kiện chăm sóc cho bệnh nhân. Thời gian tới, phòng khám mở rộng theo hướng chuyên khoa, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ, lương y có tâm, trang bị thêm các thiết bị y tế hiện đại, thật sự là địa chỉ tin cậy, chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân.                                                   

 Bài, ảnh: NGỌC GIANG