Điểm sáng ở doanh nghiệp

23/05/2018 - 06:56

 - Bên cạnh câu chuyện cạnh tranh, tìm kiếm đầu ra của doanh nghiệp (DN), việc duy trì ổn định nội bộ, lấy lại niềm tin của công nhân lao động (CNLĐ) sau các "sự cố" là nỗ lực gian nan không kém. Tinh thần trách nhiệm này đã được thể hiện ở những DN được xem là “điểm sáng” trên địa bàn.

Bữa ăn ca của lao động tại Công ty TNHH Oriental Garment An Giang

Câu chuyện của Thuận An

Xí nghiệp Chế biến thủy sản Thuận An 1 thuộc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (gọi tắt là Công ty Thuận An). Từ tháng 11-2016, sau khi lâm vào cảnh khó khăn, trên dưới 1.000 công nhân lao đao mất việc phải bỏ đi nơi khác làm.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sang Nam (DN thuê cơ sở Thuận An làm gia công) cho biết, một thời gian dài công nhân của Thuận An phải làm thuê gia công cho một số DN khác trên địa bàn, công việc thiếu ổn định. Bình quân 1 tuần công nhân chỉ làm việc từ 2-3 ngày, còn lại phải “chạy sô” ở các nơi khác.

Khi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang tiếp quản về mặt tài sản, tháng 5-2017, công ty hoạt động trở lại, tình hình sản xuất dần ổn định, đảm bảo được nguồn thu nhập của anh em, duy trì trên 80% LĐ thường xuyên, trong đó bổ sung được khá nhiều LĐ mới.

Khởi điểm vực dậy sản xuất, DN xây dựng nhà máy, tìm kiếm LĐ rất vất vả. Đến nay, một số vấn đề liên quan chính sách dành cho người LĐ vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, xí nghiệp đã đề xuất với phía công ty thuê đảm bảo thêm một số quyền lợi cho người LĐ. Đa số công nhân làm việc tại đây là người địa phương (khoảng 400 người), thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với việc làm, thu nhập, bữa ăn của công nhân được cải thiện. Chủ tịch Công đoàn tại xí nghiệp cho hay, ngay cả trong giai đoạn khó khăn đến thời điểm hiện tại, chưa bao giờ có đình công, lãn công và chuyện bất đồng giữa LĐ và chủ LĐ.

Những tâm tư, đòi hỏi của công nhân được Công đoàn nhìn nhận, trình bày để hài hòa giải quyết cho người LĐ thấu hiểu. Người dân địa phương mong muốn có việc làm ổn định tại chỗ, DN cũng đánh giá cao tay nghề của công nhân Thuận An và mong muốn tiếp tục phát triển lâu dài. Nguyện vọng của đôi bên đã trở thành động lực để Thuận An phấn đấu hoạt động trở lại tốt hơn.

Cải thiện việc chăm lo

Ngoài những chế độ, chính sách dành cho người LĐ, vấn đề an toàn thực phẩm là mối quan tâm rất lớn ở những DN đông công nhân có tổ chức bữa ăn tại công ty. Không ai muốn xảy ra sự cố, vì bên cạnh thiệt hại, DN còn chịu ảnh hưởng từ những luồng dư luận không tốt.

Cách họ vượt qua chính là làm tốt hơn, chăm lo tốt hơn để CNLĐ yên tâm gắn bó làm việc. Tại Khu Công nghiệp Bình Hòa, có 2 vụ ngộ độc thực phẩm từng xảy ra lần lượt tại Công ty TNHH Oriental Garment An Giang và Công ty TNHH An Giang Samho. Không ít công nhân hoang mang về bữa ăn họ đang tiếp nhận hàng ngày.

Sau sự cố ngộ độc thực phẩm xảy ra với hơn 170 công nhân, Công ty TNHH Oriental Garment An Giang đã thuê đội ngũ đầu bếp tại Nhà hàng Thắng Lợi (TP. Long Xuyên), là những người được đào tạo về an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng chỉ phục vụ. Tại công ty, mỗi ngày đều có 2 suất ăn miễn phí, trong đó bữa chính có đủ 3 món: mặn, xào, canh, thực đơn luôn thay đổi mỗi ngày, kể cả công nhân có nhu cầu ăn chay. Mỗi bữa cung cấp thức ăn, đội phục vụ đều cung cấp mẫu cho nhân viên y tế của công ty lưu lại để phòng có vấn đề xảy ra sẽ phân tích, xét nghiệm.

Còn tại Công ty TNHH An Giang Samho, sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 600 công nhân, công ty đã chính thức ký hợp đồng với Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Đại Hàn Kim cung cấp thức ăn cho công nhân, sau khi được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Đến nay, hầu hết người LĐ đều yên tâm làm việc, đặc biệt trước sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của DN, nhiều công nhân xác định làm việc lâu dài. Các DN tại Khu Công nghiệp Bình Hòa hiện nay luôn gương mẫu chấp hành pháp luật, đảm bảo quyền lợi, chính sách cho người LĐ.

Chia sẻ chung các DN thường nói rằng: đảm bảo môi trường làm việc tốt không chỉ là trách nhiệm của DN đối với người LĐ và vì sự phát triển của DN, mà đó còn là tiêu chí phục vụ việc “chấm điểm” của đối tác khi chọn DN hợp tác.

Vì vậy, song hành với những chiến lược trong sản xuất - kinh doanh, việc chăm lo trong nội bộ là một cách để xây dựng thương hiệu của DN thêm vững chắc. Trong DN hiện nay, nhất là DN ngoài Nhà nước, vẫn còn tồn tại một số chủ LĐ chưa thực sự quan tâm chăm lo, bảo vệ người LĐ đúng mực. Vì vậy, điểm sáng trong những DN cần được quan tâm khích lệ và nhân rộng.

MỸ HẠNH