Diễn tập ứng phó dịch tả heo Châu Phi

23/05/2019 - 07:55

 - An Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước chủ động tổ chức diễn tập ứng phó tình huống có dịch tả heo Châu Phi xảy ra. Đây là điều rất cần thiết khi bệnh dịch nguy hiểm này đã lan tới ĐBSCL và diễn biến hết sức phức tạp. Qua diễn tập, ý thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp được nâng lên, quyết tâm ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi xâm nhập vào địa bàn An Giang.

Phối hợp đồng bộ

Mới đây, tại thị trấn Chi Lăng (Tịnh Biên), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND huyện Tịnh Biên đã tổ chức diễn tập thực địa ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi. Tình huống giả định đặt ra là hộ ông Nguyễn Văn A (ngụ khóm 3, thị trấn Chi Lăng) đang nuôi 20 con heo thịt. Nghi ngờ đàn heo của gia đình bị bệnh dịch tả heo Châu Phi, ông A đã trình báo cán bộ thú y thị trấn Chi Lăng. Qua kiểm tra lâm sàng, ngoài 3 con đã chết, số heo còn lại có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, tím tái da, khó thở, tiêu chảy… UBND thị trấn Chi Lăng phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Tịnh Biên điều tra, khoanh vùng ổ dịch, tiến hành các bước xử lý ban đầu, báo cáo về cấp trên, đồng thời lấy mẫu huyết thanh đối với heo còn sống, mổ xác heo chết lấy bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng 7 xét nghiệm.

Khi kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn heo hộ ông Nguyễn Văn A dương tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (BCĐ PCDBGSGC) huyện Tịnh Biên đã họp khẩn cấp, có sự tham gia của BCĐ cấp tỉnh, Chi cục CN&TY An Giang để bàn phương án xử lý đàn heo bị nhiễm bệnh. Sau khi nghe báo cáo tình hình, BCĐ PCDBGSGC huyện Tịnh Biên đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương khẩn cấp triển khai khoanh vùng ổ dịch, tham mưu ban hành quyết định hủy và thành lập Tổ chống dịch, bao gồm: Tổ ứng phó nhanh; Tổ trực chốt kiểm dịch động vật tại khu vực xảy ra dịch; Tổ tiêu hủy, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng khu vực hộ chăn nuôi có dịch, các khu vực vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm; Tổ thông tin, tuyên truyền.

Trong phần diễn tập thực địa, các đơn vị và lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý tiêu hủy đàn heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi theo đúng phân công của BCĐ PCDBGSGC huyện Tịnh Biên. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh để người dân, doanh nghiệp chủ động phòng, chống, không hoang mang, lo lắng.

Diễn tập ứng phó dịch tả heo Châu Phi

Diễn tập lấy mẫu bệnh phẩm heo chết

Không được chủ quan

Việc tổ chức diễn tập thực địa ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi được đánh giá là hiệu quả khi các ngành, địa phương, lực lượng tham gia đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng. Việc lựa chọn địa bàn Tịnh Biên để giả định tình huống có dịch phù hợp, khi nơi đây có đường biên giới giáp Campuchia, trong khi phía nước bạn đang ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch tả heo Châu Phi.

Ngay tại ĐBSCL, mối lo từ dịch tả heo Châu Phi ngày càng hiện rõ khi ngày 21-5, cơ quan chức năng TX. Ngã Bảy (Hậu Giang) đã tiến hành tiêu hủy 1.221 con heo của một trang trại tại xã Hiệp Lợi do đàn nuôi chết bất thường. Kết quả xét nghiệm đàn heo dương tính với dịch tả heo Châu Phi. Như vậy, sau 2 tháng, dịch tả heo Châu Phi đã lan ra 4 huyện, thị xã của tỉnh Hậu Giang (Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A và TX. Ngã Bảy). Ở “thủ phủ heo” Đồng Nai, ngoài 5 ổ dịch đã được phát hiện trước đó, địa phương này vừa phát hiện thêm 3 ổ dịch mới tại huyện Vĩnh Cửu và huyện Long Thành. Cùng với Đồng Nai, Bình Phước thì Bình Dương vừa xuất hiện ổ dịch. Chiều 21-5, Trạm Thú y huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã tiêu hủy 1.004 con heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi. Diễn biến mới nhất cho thấy, bệnh dịch tả heo Châu Phi không chỉ xuất hiện ở các hộ nhỏ lẻ mà đã bắt đầu xâm nhập nhiều hơn vào các trại nuôi lớn, có tổng đàn heo đông. Tại TP. Long Xuyên, chiều 21-5, địa phương đã phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi tại một hộ chăn nuôi ở phường Mỹ Thạnh. Các ngành chức năng đã tiêu hủy 27 con heo mắc bệnh và triển khai các giải pháp xử lý dịch tả heo Châu Phi...

Trong đợt diễn tập thực địa ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi tại thị trấn Chi Lăng, đại diện các sở, ngành, BCĐ PCDBGSGC các huyện, thị xã, thành phố đều được mời dự khán. Sau diễn tập, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, Phó Trưởng BCĐ PCDBGSGC tỉnh, đã chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm, mổ xẻ, phân tích những việc làm được và chưa làm được. Đó là sự chuẩn bị cần thiết nhằm giúp tỉnh ứng phó chủ động hơn với bệnh dịch nguy hiểm này.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN