Điều chỉnh giá viện phí: Người dân nên tham gia bảo hiểm y tế

16/01/2019 - 07:41

 - Theo Thông tư số 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 15-12-2018, giá dịch vụ y tế có sự điều chỉnh tăng theo mức tăng của lương cơ sở. Tuy nhiên, lần điều chỉnh này, giá các dịch vụ y tế tác động không đáng kể đến người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, điều chỉnh do thay đổi mức lương cơ sở lên 1.390.000 đồng theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, mức giá điều chỉnh tăng bình quân 3,23%, trong đó giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11,1%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3,01%.

Cụ thể, giá dịch vụ lượt khám bệnh ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tăng từ 33.100 đồng lên 37.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng 2 tăng từ 29.600 đồng lên 33.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng 3 tăng từ 26.200 đồng lên 29.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng 4 và trạm y tế xã tăng từ 23.300 đồng lên 26.000 đồng/lượt. Cùng với giá khám bệnh, giá một số dịch vụ khác điều chỉnh tăng, như: giá giường điều trị hồi sức tích cực; giường bệnh hồi sức cấp cứu; giường bệnh ở các khoa: truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, nội tiết, dị ứng, cơ - xương - khớp, da liễu, tai - mũi - họng...

Điều chỉnh giá viện phí: Người dân nên tham gia bảo hiểm y tế

Người không tham gia bảo hiểm y tế sẽ gặp khó khăn về tài chính, nếu chẳng may mắc bệnh, điều trị chi phí cao

Việc điều chỉnh lần này tác động không nhiều đến những người đã có thẻ BHYT. Bởi đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, được BHYT thanh toán 100%. Đối với người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5% (tỷ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 3,23%). Riêng các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT có bị ảnh hưởng, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không nhiều vì phần đồng chi trả chỉ tăng bình quân 3,23%. Đối với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, khi đi KCB đúng tuyến, số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Việc gia tăng viện phí hàng năm theo lộ trình là điều kiện để cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng khám và điều trị bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội đảm bảo tốt nhất về sức khỏe cũng như quyền lợi được hưởng của người có thẻ BHYT khi đến KCB. Áp dụng tin học hóa trong KCB, trong giám định BHYT và thanh toán chi phí BHYT. Có biện pháp giảm quá tải KCB tại các cơ sở y tế. Ngành y tế phải có sự đầu tư về đào tạo nguồn cán bộ y tế chuyên sâu, đảm bảo trang thiết bị hiện đại. Trước mắt, tỉnh đã triển khai thực hiện phẫu thuật tim hở, thay van tim tại Bệnh viện Tim mạch. Tách khoa sản-nhi từ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang thành lập Bệnh viện Sản-Nhi chuyên sâu từ năm 2016, cơ bản đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân trong và ngoài tỉnh. Ngành y tế và ngành bảo hiểm xã hội phải phối hợp chặt chẽ trong thanh kiểm tra các cơ sở y tế để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT và chống lạm dụng quỹ BHYT”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm: “Năm 2018, An Giang đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 83%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Năm 2019, Chính phủ giao tỷ lệ bao phủ BHYT 86,2%, tăng thêm khoảng 103.984 người. UBND tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo các cấp tăng cường chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT để đảm bảo về mặt tài chính gia đình khi ốm đau vì giá viện phí đã gia tăng từ đầu năm 2019. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường vận động chủ doanh nghiệp và người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, BHYT theo quy định. Bởi BHYT là một trong những trụ cột hết sức quan trọng của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Nếu người dân không tiếp cận được BHYT sẽ rất khó khăn về mặt tài chính khi KCB”.

Phó Giám đốc Sở Y tế Trịnh Hữu Thọ cho biết: “Để nâng cao chất lượng KCB, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở KCB quan tâm tăng cường sự hài lòng của người bệnh, chỉ đạo các cơ sở y tế đầu tư nâng cấp cở sở phòng khám, hỗ trợ tuyến dưới, tham gia bệnh viện vệ tinh, ứng dụng kỹ thuật cao, cải tiến quy trình KCB, giảm thủ tục, nâng cao dịch vụ KCB. Đặc biệt, đẩy mạnh tự chủ tại các đơn vị y tế, để nâng cao chất lượng KCB”.

“Sắp tới, giá viện phí thay đổi, người có thẻ BHYT không ảnh hưởng nhiều. Chỉ có những người không tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu chẳng may bị bệnh hiểm nghèo. Do vậy, các cơ sở KCB BHYT cần phổ biến cho người dân biết Quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ bệnh nhân không thẻ BHYT bị bệnh hiểm nghèo chi phí lớn sẽ được hỗ trợ một phần” - ông Thọ cho biết.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích