Điều hành tiền tệ 2018: Uyển chuyển hơn cho một điều không thay đổi

30/12/2018 - 15:40

Vấn đề lợi ích quốc gia được đặt ra quyết liệt và cứng rắn trong điều hành chính sách tiền tệ 2018...

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: Quang Phúc.

Trong năm 2017 rồi đến 2018, nhiều lần Ngân hàng Nhà nước nhận được đề xuất nới chỉ tiêu tín dụng, nới các điều kiện kiểm soát cho vay ở một số lĩnh vực… 

Nhưng, hầu hết đều không được chấp thuận.

Thống đốc Lê Minh Hưng từng giải thích ngắn gọn bên lề: "Đây là lợi ích quốc gia, không thay đổi được".

Tránh hệ lụy tương lai

Năm 2017, Chính phủ có những lần đặt yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng tăng trưởng tín dụng lên 21-22%. Chung cuộc, chỉ tiêu này chỉ hơn 18%.

Đến giữa 2018, chính sách tín dụng thực sự siết lại. Lần đầu tiên sau 6 năm thực thi cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại, đã không còn việc nới đồng loạt vào nửa cuối năm nữa.

Khi đó, Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ với VnEconomy rằng, ông nghiên cứu nhiều tài liệu, đề án nghiên cứu khoa học, nhưng chưa thấy một kết luận máy móc nào đặt ra yêu cầu đối ứng để có 1% tăng trưởng GDP thì cần phải có bao nhiêu phần trăm tăng trưởng tín dụng.

Mối quan hệ đó chỉ có tính tham khảo tương đối. Quan trọng hơn, là hiệu quả sử dụng vốn vay, lựa chọn và lái vốn vào những lĩnh vực nào.

Năm 2018, tăng trưởng tín dụng ước chỉ quanh 14%. Cơ chế gần như không nới chỉ tiêu cho các ngân hàng thương mại được Thống đốc nhấn mạnh ở quan điểm: "Nếu muốn đẩy mạnh cho vay, phải xử lý được nợ xấu. Nợ xấu chính là dư địa và mỗi ngân hàng phải tự tạo dư địa cho mình; bớt nợ xấu đi thì có thêm điều kiện để cho vay".

Về vĩ mô, chính sách tăng trưởng tín dụng chặt chẽ hơn không hẳn là chủ quan của Ngân hàng Nhà nước trong 2018.

Từ 2017 rồi nửa đầu 2018, lần lượt Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)… đồng loạt cảnh báo về tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam, thậm chí có tổ chức nhiều lần lặp lại cảnh báo này.

Điểm chung, họ quan ngại rủi ro lạm phát và nợ xấu trở lại trong tương lai nếu tiếp tục đẩy mạnh tín dụng.

Đó cũng là giai đoạn lạm phát gia tăng rõ rệt, tạo áp lực lớn đến mục tiêu kiểm soát, dù yếu tố tiền tệ không nổi bật ở lạm phát cơ bản. Và 2018 cũng là năm nhiều mặt hàng cơ bản theo kế hoạch tăng giá. Hay trong quý 2 và 3, giá dầu liên tiếp tăng mạnh với ám ảnh mốc giá 100 USD/thùng…

Còn nội tại hệ thống, dĩ nhiên Ngân hàng Nhà nước nắm rõ sức rướn và giới hạn.

Nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại có Nhà nước sở hữu chi phối đã ba năm qua gần như không tăng được vốn, trong khi vẫn gánh khoảng 50% thị phần tín dụng. Tỷ lệ an toàn vốn đã ở giới hạn, mà phía trước yêu cầu áp dụng Basel 2 đã gần kề.

Tổng thể, mức độ tổng dư nợ của hệ thống đã lên tới 130% GDP, trong khi tỷ lệ 100 - 110% cũng đã đủ gây quan ngại. Hay tỷ lệ cho vay so với huy động hệ thống thường xuyên phải kéo căng cỡ 90% tại hầu hết các thời điểm trong năm.

Năm 2018, bên cạnh siết chỉ tiêu chung, thêm một nhịp nữa, Ngân hàng Nhà nước siết lại tiêu chuẩn an toàn: giảm giới hạn tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40%, nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 200%.

Nhiều lần có đề xuất ngừng, giãn thêm việc thực hiện các chuẩn trên. Nhưng Ngân hàng Nhà nước kiên quyết thực hiện. 

Lợi ích quốc gia ở đây, được Thống đốc Lê Minh Hưng giải thích theo yêu cầu an toàn, hạn chế rủi ro thanh khoản và đòn bẩy tín dụng ở bất động sản - những vấn đề dễ ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô mà trước đây từng thể hiện.

Từ linh hoạt đến uyển chuyển

Lạm phát 2018 đã tiếp tục được Việt Nam kiểm soát thành công. An toàn hệ thống tiến thêm một bậc, với ba ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2 trước thời hạn một năm, các chỉ số cơ bản chung của hệ thống cải thiện rõ rệt…

Nhưng, 2018 không hẳn là một năm suôn sẻ. Nó chia ra hai nửa khác biệt, được kết nối bằng sự uyển chuyển hơn trong điều hành, điều ít thấy ở nhiều năm trước.

Nửa đầu năm, thuận lợi đến mức Ngân hàng Nhà nước phải phòng xa trong điều tiết. Đó là lần đầu tiên cơ quan này vận dụng nghiệp vụ mua ngoại tệ kỳ hạn trước nguồn cung lớn.

Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng lượng lớn ngoại tệ. Dòng chảy tiếp tục lớn nửa đầu 2018. Con số gộp mua ròng giai đoạn này từng được đề cập tới khoảng 20 tỷ USD.

Lượng lớn tiền đồng đưa ra mua ngoại tệ, áp lực lớn trong trung hòa. Bước uyển chuyển đầu tiên ở việc mua ngoại tệ kỳ hạn ba tháng, giãn các tác động để chủ động điều tiết.

Bước thứ hai, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành xuất hiện các kỳ hạn dài, giãn lượng vốn VND "để dành" cho mùa cao điểm cuối năm. Và đúng ngày 28/12 kết thúc năm, 3.000 tỷ đồng tín phiếu lưu hành cuối cùng đã đáo hạn.

Xen giữa những cân đối này, tham số lượng tiền gửi ngân sách ứ đọng trong hệ thống ngân hàng, gắn với tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, có ảnh hưởng lớn. Giải pháp điều chuyển tới khoảng 150 nghìn tỷ về "kho" Ngân hàng Nhà nước từng được đề cập giữa năm 2018 được xem như một sự chia lửa cho chính sách tiền tệ.

Nhưng, thuận lợi nguồn và dòng chảy ngoại tệ gần như đảo chiều nửa sau 2018.

Tháng 5/2018, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nổi lên, gia tăng ảnh hưởng và diễn biến phức tạp từ tháng 6. Đi cùng, đồng Nhân dân tệ liên tiếp mất giá mạnh. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tiếp tăng lãi suất với căng thẳng đến tận tháng cuối cùng của năm…

Đó cũng là khoảng thời gian tỷ giá USD/VND bắt đầu biến động, có những thời điểm căng thẳng, kéo dài đến cuối tháng 10. Mục tiêu ổn định tỷ giá chịu áp lực lớn, Ngân hàng Nhà nước có những đợt bán ra ngoại tệ, và vừa qua nghiệp vụ bán kỳ hạn một lần nữa được thực hiện.

Tỷ giá gắn với lãi suất. Lãi suất VND có xu hướng tăng lên trong nửa sau 2018 khác biệt đó.

Nhưng tính chung, kết năm, Ngân hàng Nhà nước vẫn mua ròng được lượng lớn ngoại tệ, dự trữ ngoại hối quốc gia tăng mạnh; tỷ giá USD/VND cơ bản ổn định, không có xáo trộn lớn; thị trường vàng lặng sóng; lãi suất vẫn được bình ổn trong bối cảnh hàng chục ngân hàng trung ương trên thế giới phải tăng.

Và như trên, lạm phát 2018 được kiểm soát thành công, sức khỏe hệ thống ngân hàng tiếp tục cải thiện, cùng những kết quả trong điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định vĩ mô, tăng trưởng GDP đạt cao nhất 10 năm qua, để cho thấy: Việt Nam và hệ thống ngân hàng nói riêng đã có sức đề kháng tốt hơn trước nhiều sóng gió từ bên ngoài.

Theo MINH ĐỨC (VnEconomy)