Đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn

12/08/2019 - 07:43

 - Sau 1 năm triển khai Công văn liên tịch số 03/CVLT-SGDĐT-CĐN ngày 2-10-2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và công đoàn ngành giáo dục về việc tiếp nhận đỡ đầu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn giai đoạn 2018-2023, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tích cực thực hiện và đạt nhiều kết quả.

Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Phòng GD&ĐT địa phương đã triển khai nội dung Công văn liên tịch số 03 (về việc tiếp nhận đỡ đầu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn) đến công đoàn cơ sở (CĐCS) các trường và được nhiệt tình hưởng ứng. Năm học qua, có 505 CĐCS trường học trong tỉnh vận động 772 tập thể và 565 cá nhân đỡ đầu cho 3.948 HS có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Với hình thức hỗ trợ rất đa dạng, phù hợp hoàn cảnh từng học sinh, cụ thể như: đóng học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tặng đồng phục, dụng cụ học tập, sách giáo khoa, xe đạp, tiền mặt… với tổng số tiền trên 3,5 tỷ đồng, trong đó tiền mặt trên 2 tỷ đồng.

Huyện An Phú “Tiếp bước đến trường” cho học sinh nghèo

Đối với các CĐCS trực thuộc công đoàn ngành giáo dục, đã tham mưu với cấp ủy, ban giám hiệu nhà trường tiến hành rà soát các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học, tiến hành xây dựng kế hoạch vận động. Theo đó, có 131 tập thể và 85 cá nhân thuộc 46 CĐCS nhận đỡ đầu cho 660 học sinh bằng nhiều hình thức, với tổng số tiền trên 465 triệu đồng. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, phần lớn số học sinh được đỡ đầu có kết quả học tập, rèn luyện rất tốt. Trong năm qua có 187 học sinh đạt học lực loại giỏi, 351 em đạt loại khá; có 582 em xếp loại hạnh kiểm tốt, 178/178 học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp THPT.

Một số trường điển hình có học sinh được nhận đỡ đầu thường xuyên và số tiền mỗi em nhận được trong năm khá cao, như: THPT Ba Chúc, THPT Tịnh Biên, THPT Vĩnh Trạch, THPT Võ Thành Trinh, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Nguyễn Chí Thanh, THPT Trần Văn Thành, THPT An Phú… Ngoài ra, nhiều trường có số lượng HS được nhận đỡ đầu khá nhiều như: THCS và THPT Cô Tô, THPT Cần Đăng, THPT Nguyễn Trung Trực, THCS và THPT Mỹ Hòa Hưng, THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa, THPT Long Xuyên, THPT Nguyễn Công Trứ, THCS và THPT Bình Long…

Ngành GD&ĐT còn triển khai tốt cuộc vận động quyên góp sách giáo khoa và tặng lại sách giáo khoa cũ cho học sinh nghèo, kịp thời đáp ứng nhu cầu về sách giáo khoa cho năm học mới. Toàn tỉnh đã quyên góp được 63.708 bản sách giáo khoa (cấp THPT 3.140 bản, cấp THCS 14.072  bản, cấp tiểu học 46.496 bản), 171 bản sách tham khảo và sách thiếu nhi, qua đó tổ chức tặng lại cho học sinh nghèo 13.800 bản sách giáo khoa, số sách còn lại sử dụng làm tủ sách dùng chung trong thư viện các trường. Việc chăm lo, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn nhận được sự tham gia của các đơn vị, cá nhân và cộng đồng xã hội. CĐCS nhiều trường rất tích cực, chủ động phối hợp ban giám hiệu nhà trường triển khai vận động các tổ chuyên môn, tổ công đoàn, cá nhân trong đơn vị nhận đỡ đầu học sinh ngay từ đầu năm học. Học sinh được thường xuyên quan tâm, hỗ trợ về vật chất, động viên về tinh thần nên yên tâm phấn đấu học tập và đạt nhiều kết quả tốt.

Bằng nhiều hình thức hỗ trợ phong phú, phù hợp điều kiện thực tế và trên tinh thần tự nguyện, đã thể hiện tình thương của thầy cô giáo đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nghĩa cử cao đẹp ấy đã góp phần xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích