Doanh nghiệp chung tay nâng cao chỉ số PCI

05/06/2019 - 08:09

 - Với nỗ lực thu hút đầu tư, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của tỉnh, doanh nghiệp yên tâm đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Và khi được tạo điều kiện làm ăn hiệu quả, doanh nghiệp có đánh giá tốt hơn về tỉnh. Qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của An Giang.

Tăng cường sự tham gia của doanh nhân

Những năm gần đây, An Giang luôn nỗ lực nâng cao chỉ số PCI, xem đây là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của tỉnh. Nỗ lực này phần nào có kết quả khi 3 năm qua, chỉ số PCI của tỉnh liên tục tăng điểm. Năm 2018, PCI của An Giang đạt 63,65 điểm (tăng 1,49 điểm so với năm 2017), đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 4 bậc về thứ hạng), tiếp tục lọt vào nhóm có chỉ số điều hành “khá”. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thỏa mãn mong muốn của tỉnh khi mục tiêu phấn đấu là phải lọt vào nhóm điều hành “tốt”.

Từ ngày 15 đến 17-5, UBND tỉnh tổ chức đoàn công tác đến tỉnh Quảng Ninh để học tập kinh nghiệm nâng cao chỉ số PCI. Đây là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số PCI năm 2018 với 70,36 điểm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho biết, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), thu hút đầu tư, một trong những cái hay của Quảng Ninh là phát huy rất tốt vai trò của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh với mô hình hội làm kinh tế để xây dựng nguồn thu, nâng cao hoạt động của hội. “Đây là cách làm hay mà An Giang có thể nghiên cứu thực hiện” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng gợi ý.

Việc tồn tại 2 dải phân cách trên đường Nguyễn Thái Học gây cản trở cho lưu thông, doanh nghiệp và cơ quan trên tuyến đường đề nghị cải tạo lại

Đồng ý với quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Thành Nhơn thông tin thêm: “Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh rất mạnh, có chi hội đến cấp huyện. Các tổ chức này được tỉnh cho thành lập công ty cổ phần và ưu tiên cho tham gia vào các dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh, các dự án theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao)… Trong các cuộc họp về KTXH của tỉnh, UBND tỉnh tạo điều kiện cho Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ tham gia để nắm bắt tình hình và tham gia đề xuất ý kiến với các sở, ban, ngành. Quảng Ninh còn có mô hình bảo tàng trưng bày hiện trạng xưa về cơ sở hạ tầng của tỉnh, hình ảnh hiện nay và quy hoạch tương lai, có cơ sở dữ liệu tốt để cung cấp thông tin về tình hình KTXH, các dự án kêu gọi đầu tư cho các nhà đầu tư rất khoa học, nhanh chóng và hiệu quả. An Giang có thể học tập những kinh nghiệm này nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, hỗ trợ DN, nâng cao chỉ số PCI”.

Cần tiếp tục lắng nghe doanh nghiệp

Cùng được tham gia chuyến học tập kinh nghiệm của tỉnh ở Quảng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp kiêm Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ An Giang Nguyễn Thanh Việt cho rằng, việc Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số PCI cũng dễ hiểu. “Hạ tầng giao thông của Quảng Ninh rất tốt, có gần 100km đường cao tốc kết nối với Hà Nội, tạo thuận lợi để phát triển KTXH. Tỉnh có Trung tâm Hành chính công được vận hành theo cơ chế 4 dịch vụ. Môi trường làm việc của công chức, viên chức rất hiện đại, tiện ích. Tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh có uy tín cao với lãnh đạo tỉnh và cộng đồng DN. UBND tỉnh Quảng Ninh ưu tiên bố trí cho Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ 2 khu vực tiện ích để hoạt động. Cuộc họp hàng tháng của UBND tỉnh đều có Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tham dự. Hàng quý, Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp làm việc các sở, ngành để giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho DN” - anh Việt thông tin.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ An Giang, trong điều kiện chưa thể bố trí trụ sở và tổ chức cách làm việc như Quảng Ninh, các sở, ngành tỉnh An Giang có thể linh hoạt phối hợp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo động lực để DN phát triển. “Trên đường Nguyễn Thái Học (đoạn từ cầu Nguyễn Thái Học hướng về ngã 3 Khu đô thị Golden City tồn tại 2 dải phân cách 2 bên đường, gây cản trở cho việc lưu thông của DN và nhiều cơ quan trên đoạn đường này. Viettel An Giang đã 4 lần làm việc với các cơ quan chức năng đề xuất cải tạo cho thuận tiện việc lưu thông, thậm chí DN xin tự đầu tư kinh phí nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Dù lãnh đạo TP. Long Xuyên và Sở Xây dựng đồng ý phương án cải tạo lại nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện” - Giám đốc Viettel An Giang Nguyễn Ngọc Hùng nêu lên một trong những vấn đề bức xúc của DN.

Để nâng cao chỉ số PCI cũng như thu hút đầu tư hiệu quả, cộng đồng DN mong muốn tỉnh cần công bố rộng rãi kế hoạch, lộ trình triển khai các dự án đầu tư lớn, giúp DN trong tỉnh nắm bắt thông tin, kết nối và hợp tác với các nhà đầu tư ngoài tỉnh khi họ vào An Giang. Đồng thời, công bố trên cổng thông tin điện tử chính thống và lưu lại tất cả các thông tin về ý kiến, kiến nghị cũng như kết quả trả lời của cơ quan chức năng để DN tham khảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho biết, tỉnh mong muốn lắng nghe những đóng góp chân thành, hiến kế của DN. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ có những chỉ đạo mạnh mẽ nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tích cực hỗ trợ cộng đồng DN phát triển, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. “UBND tỉnh sẽ mời VCCI Cần Thơ lên làm việc với các sở, ngành, so sánh PCI của An Giang trên tổng thể cả nước cũng như đánh giá cụ thể đến 11 huyện, thị xã, thành phố. Quyết tâm của tỉnh là đưa chỉ số PCI của An Giang từ hạng 28 vào “top 10” cả nước” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN