Doanh nghiệp EU "thấm đòn" vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

20/05/2019 - 19:26

Theo kết quả một cuộc thăm dò, các công ty thuộc EU đang bị ảnh hưởng nặng vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và rất ít doanh nghiệp cảm thấy lạc quan về tương lai của mình.

Cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Kết quả một cuộc thăm dò doanh nghiệp công bố ngày 20-5 cho thấy các công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang bị ảnh hưởng nặng vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và rất ít doanh nghiệp cảm thấy lạc quan về tương lai của mình.

Theo Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cuộc "đối đầu" thuế quan giữa Bắc Kinh và Washington không có lợi cho các công ty châu Âu. 

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại EU Charlotte Roule cho biết: "Giờ đây căng thẳng thương mại được xem là một bất trắc khác nữa đối với môi trường kinh doanh, tình trạng sẽ không sớm kết thúc dù (hai bên) có đạt thỏa thuận hay không."

Theo cuộc thăm dò trên, cuộc chiến thương mại là một trong những lo ngại hàng đầu đối với các doanh nghiệp EU tại Trung Quốc (23%), nếu chưa kể mối lo về sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc (45%).

Trong khi đó, 27% lo ngại về nền kinh tế toàn cầu và 23% lo ngại về chi phí lao động gia tăng tại Trung Quốc.

Thăm dò trên được thực hiện với 585 công ty, được tiến hành từ tháng 1, khi căng thẳng thương mại xuyên Thái Bình Dương có phần được giảm nhẹ, sau đó gia tăng từ tháng 5, khi Mỹ và Trung Quốc trả đũa lẫn nhau bằng cách áp thuế bổ sung.

Nhưng ngay từ đầu năm, 1-4 doanh nghiệp EU tại Trung Quốc cho biết họ đang phải chịu đựng từ việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

6% doanh nghiệp đã phải di chuyển địa điểm để tránh các trừng phạt của Mỹ, hoặc cũng đang lên kế hoạch chuyển các nhà máy của mình tới các nước khác ở châu Á, hoặc về châu Âu.

Ông Roule nhấn mạnh: "Các vấn đề cơ bản dẫn tới cuộc chiến thương mại cần được giải quyết bằng cách xử lý các rào cản tiếp cận thị trường và điều tiết các thách thức, trong khi cải cách các doanh nghiệp nhà nước và xử lý vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc".

Theo BÍCH LIÊN (TTXVN/Vietnam+)