Độc đáo kiến trúc ở một ngôi chùa

03/08/2018 - 06:26

 - Vĩnh Hòa tự (tọa lạc xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) - ngôi chùa nhỏ, nép mình khiêm nhu ở vùng quê bình dị. Ngôi chùa được thành lập cách đây hơn 100 năm theo kiến trúc kiểu chữ “Quốc” truyền thống, có giá trị và tính thẩm mỹ cao. Viếng chùa Vĩnh Hòa dù bất cứ thời khắc nào, phật tử đều có thể tìm được sự bình yên, thư thái trong tâm hồn.

Ngôi chùa 2 lần đổi tên

Chùa Vĩnh Hòa được xây dựng vào tháng 11-1903, là cơ sở tôn giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thời kỳ phong kiến, chính quyền cấp làng xã lập ra 12 vị hương chức hội tề, đứng đầu là hương cả. Bấy giờ, ông Nguyễn Quí Lâu (1 trong 12 vị hương chức) giữ chức hương cả, là người rất giàu có, nổi tiếng về đức độ, được dân làng mến yêu.

Năm 1903, dịch bệnh hoành hành, cướp đi mạng sống nhiều người, con trai ông Cả Lâu nằm trong số ấy. Đau buồn trước sự mất mát to lớn đó, ông Cả Lâu quyết định hiến tất cả tài sản của mình dựng lên 1 ngôi chùa. Sau 1,5 năm thi công, ngôi chùa hoàn thành và được ông đặt tên Vĩnh Hòa tự. Với mong muốn ngôi chùa đẹp, khang trang bậc nhất nên ông Cả Lâu đã thuê 2 nghệ nhân người Huế chạm khắc gỗ và 2 họa sĩ người Hoa vẽ tranh thuốc nước.

Chùa Vĩnh Hòa nhìn từ bên ngoài

Sau khi ông Cả qua đời (khoảng năm 1945), ông Đặng Văn Vắn (một người địa phương) đứng ra tu bổ, sơn sửa, quét vôi, chống dột cho ngôi chùa. Cũng thời gian này, ông đã đặt lại tên chùa là Long Đức tự. Tuy nhiên, ít ai biết đến cái tên này vì người dân xưa nay vẫn quen gọi chùa với cái tên chùa Ông Cả.

Thời kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa trở thành nơi cán bộ và các lực lượng cách mạng tận dụng làm nơi trú ẩn khi địch mở các cuộc hành quân càn quét. Đến năm 1970, thầy Thích Tâm Ấn (thế danh Cao Xuân Lê) về quản lý chùa và đưa chùa gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sau đó, thầy Thích Tâm Ấn giao chùa lại cho ông Lê Luyện trông coi, sửa chữa, xây mới các hạng mục (hậu đường, nhà bếp). Cái tên Vĩnh Hòa tự được ông Lê Luyện lấy lại đặt cho chùa sau khi đã xây, sửa chữa khang trang.

Sau 2 lần đổi tên, ngôi chùa được đặt về tên gốc Vĩnh Hòa cho đến ngày nay. Vĩnh Hòa nghĩa là vĩnh cứu và an lạc thái hòa. Cái tên ẩn chứa nhiều mong ước về những điều tốt đẹp, an yên cho bà con mà ông Cả từng gửi gắm.

Những kiến trúc nghệ thuật tinh xảo

Chùa Vĩnh Hòa được xây dựng trên diện tích khoảng 1.767m2 . Ngay từ đầu thời kỳ khởi công, ngôi chánh điện chùa Vĩnh Hòa đã được thiết kế đặc sắc theo kiến trúc truyền thống kiểu nhà vuông, còn gọi là nhà tứ trụ. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa bộ tứ đại trụ và các cấp mái thông qua hệ thống kèo đâm và kèo quyết tạo nên khoảng cấp mái gọi là cổ lầu. Những mặt dựng cổ lầu là không gian tuyệt vời cho việc trang trí mỹ thuật.

Có thể nói, nghệ thuật trang trí chùa Vĩnh Hòa được “tô điểm” bởi hơn 68 tranh mặt ngoài và 35 tranh trong nội thất. Mỗi bức tranh là 1 tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tích hợp nhiều nét riêng biệt nhưng tựu chung đều mang đến người ngắm nhìn cái đẹp của tính chân - thiện - mỹ trong triết lý nhà Phật. Độc đáo không kém là nghệ thuật điêu khắc tinh xảo trên bộ tứ trụ nơi chánh điện với những thủ pháp chạm lộng, chạm nổi, khắc chìm tài hoa đến từng chi tiết.

1 trong số những tranh thuốc nước nghệ thuật nơi cửa chùa

1 trong số những tranh thuốc nước nghệ thuật nơi cửa chùa

Điểm đầu tiên gây ấn tượng với những ai đặt chân đến viếng chùa Vĩnh Hòa là thiết kế hình chữ “Quốc” của ngôi chùa. Với cách thiết kế cầu kỳ, nóc cổ lầu mái tứ cấp lợp ngói đại tiểu, diềm ngói hình hoa sen, hoa cúc tráng men xanh. Đỉnh nóc trang trí bộ tượng lưỡng long triều pháp bảo, ngọc hư cung; hai bên vách cánh én đắp nổi phù điêu Kim Sí Điểu.

Mặt dựng các cấp mái vẽ tranh chủ đề mai, điểu, sóng mây, tùng - lộc, tùng - hạc... Mặt chính diện trang trí tranh vẽ chủ đề hoa sen - biểu tượng gắn liền với Phật pháp. Tổng thể các nét vẽ đều mang đến sự gần gũi, hài hòa từng đường nét dù là nhỏ nhất. Nội thất chùa như đã đề cập nổi bậc bởi bộ tứ trụ bằng gỗ căm xe dạng cột tròn, đường kính 0,4m, cao khoảng 15m được kết nối với 28 cột tròn bằng hệ thống kèo đâm, kèo quyết, không dùng đinh sắt nhưng có khả năng chịu lực cao.

Tứ đại trụ được tạo hình long trụ với các chủ đề: Bát tiên quá hải, ngọc thố thưởng nguyệt, cá hóa long, hoa sen, sóng mây... góp phần tạo nên vẻ uy nghiêm nơi chánh điện. Việc sử dụng hình tượng long trụ (tượng cột khắc rồng) còn mang ý nghĩa sâu sắc trong Phật giáo. Vì đó là 1 trong 8 bộ chúng thường theo ủng hộ Phật pháp và được xem là linh vật trong tư duy truyền thống của dân tộc ta.

Bộ tứ trụ chạm khắc tinh xảo nơi chánh điện

Bộ tứ trụ chạm khắc tinh xảo nơi chánh điện

Vẫn còn nhiều những kiến trúc độc đáo của chùa Vĩnh Hòa như: bàn thờ Tam thế Phật, bàn thờ Quan âm bồ tát, bàn thờ Địa tạng vương... Chỉ có đi và trải nghiệm, chúng ta mới cảm nhận hết huyền diệu của nghệ thuật và sự tài hoa đức độ của các nghệ nhân gửi gấm nơi cửa Phật. Hiện, chùa được Ni trưởng Thích Nữ Như Trí, thế danh Châu Thị Diệu Xuân làm trụ trì. Đồng thời, được chính quyền địa phương ra sức gìn giữ, tôn tạo theo nguyên tắc di tích mà Luật Di sản văn hóa đề ra nhằm góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích