Độc đáo những ngôi chợ ở Bảy Núi

27/05/2019 - 07:32

 - Bảy Núi không chỉ hấp dẫn với nhiều di tích văn hóa lịch sử hào hùng, cảnh đẹp thiên nhiên núi rừng hoang sơ hùng vĩ và các món ăn đặc sản dân dã thơm ngon, mà còn nổi tiếng với những ngôi chợ độc đáo mang đậm nét văn hóa, gắn với đặc thù sinh hoạt của người dân nơi đây.

Nhắc đến những ngôi chợ độc đáo ở vùng Bảy Núi không thể không nhắc đến chợ Tịnh Biên. Nằm tiếp giáp Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên - Phnom Den nên chợ Tịnh Biên còn có nhiều người Campuchia sang mua bán, tạo nên không khí giao thương nhộn nhịp khu vực biên giới. Chợ bán rất đa dạng các mặt hàng, không chỉ có sản phẩm nội địa, mà còn có hàng tiêu dùng đến từ Campuchia, Thái Lan… qua con đường giao thương tiểu vùng sông Mekong. Đặc biệt, nơi đây có các sản phẩm đặc sản Bảy Núi và nhiều loại khô, mắm như: mắm cá linh, khô cá tra phồng, khô cá sửu, mắm thái, mắm sặc, mắm trê, mắm lóc… có hương vị đặc trưng hấp dẫn. Ngoài ra, chợ Tịnh Biên còn được biết đến là chợ duy nhất miền Tây chuyên bán các loại côn trùng, như: mối chúa, rắn mối, rết, bò cạp, tắc kè, nhện, bìm bịp, bọ rầy... được rất nhiều khách hàng tìm đến đây để mua về thưởng thức hoặc ngâm rượu. Chợ Tịnh Biên được xem là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều du khách đến từ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL khi tới tham quan vùng Bảy Núi. “Năm nào đi vía Bà Chúa Xứ núi Sam, đoàn của tôi đều ghé chợ Tịnh Biên tham quan và mua sắm. Hàng hóa ở đây rất nhiều và rẻ. Tôi thích nhất là các loại khô và mắm, rất thơm ngon. Lần nào tôi cũng mua 4-5 loại khô, mắm về ăn và làm quà…” - bà Nguyễn Thị Bé (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Chợ “di động” trên núi Cấm

Nằm ở độ cao hơn 716m so với mặt nước biển, chợ “di động” trên đỉnh núi Cấm không kém phần độc đáo, trở thành nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt của cư dân miền núi. Chợ không cố định, không có mái che, không có sạp, kệ. Chợ chỉ là những gánh hàng rau củ, trái cây cùng một số ít thịt, cá, nông sản quanh núi… phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của người dân trên núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên). Thời gian nhóm chợ diễn ra rất nhanh từ lúc tờ mờ sáng, sau đó các gánh hàng "di động" tiếp tục trên vai các tiểu thương đi len lõi khắp các nẻo đường qua các vồ, điện quanh núi Cấm. Ngược lại, chỉ hoạt động vào mùa nước nổi, các “chợ cá đồng âm phủ” dọc theo bờ kênh Vĩnh Tế (Tri Tôn và Tịnh Biên) từ lâu trở thành những ngôi chợ độc đáo trong sinh hoạt của người dân nơi đây. Chợ nhóm họp từ lúc 2-3 giờ sáng đến lúc bình minh ló dạng. Chợ chuyên bán những sản vật đồng quê đặc trưng, như: tôm, cua, ốc, rắn, lươn, cá linh, các loại cá đồng… do các ngư dân chuyên sống bằng nghề giăng câu, thả lưới đánh bắt trên những cánh đồng ngập nước. Ban đầu, những nơi này chỉ là bãi đậu đỗ của các xuồng ghe của ngư dân, dần dần trở thành nơi được các bạn hàng từ nơi khác đến thu mua để đem đi tiêu thụ ở các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh.

Buôn bán ở chợ Tịnh Biên

Mùa nước nổi cũng là thời điểm chợ bò Tà Ngáo (xã An Phú, Tịnh Biên) hoạt động nhộn nhịp, đây là chợ bò độc nhất miền Tây. Chợ bò Tà Ngáo xuất phát từ nhu cầu chăn nuôi bò vỗ béo và sử dụng sức kéo của người dân vùng Bảy Núi, những lái bò đã chọn nơi đây làm nơi tập trung trao đổi và buôn bán qua đường tiểu ngạch. Về sau, phiên chợ không dừng lại ở việc mua bán bò để chăn nuôi, mà còn cung cấp lượng thịt bò, thịt trâu đã được kiểm dịch chặt chẽ cho các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Hình thành rất độc đáo và gắn liền với đặc thù sinh hoạt của người dân, trong đó phải kể đến chợ cỏ Ô Lâm (Tri Tôn) với chỉ một mặt hàng duy nhất là cỏ. Chợ cỏ chỉ nhóm họp vào các buổi trưa, điểm đặc biệt là người mua và người bán không hề trả giá hay khen chê sản phẩm… Trước đây, khi người dân vùng Bảy Núi phát triển nuôi bò và trâu, nguồn thức ăn tự nhiên dần khan hiếm, nhất là vào mùa nước nổi. Nhiều người dân đã linh hoạt bỏ công đi cắt cỏ ở các vùng lân cận tập kết về bán tại một bến sông. Do số lượng cỏ cắt được nhiều nên họ bán lại cho các hộ dân trong vùng và các địa phương lân cận. Thấy việc cắt cỏ bán cho nguồn thu nhập ổn định nên nhiều người rủ nhau làm nghề. Từ đó, chợ cỏ được hình thành và duy trì đến hôm nay.

TRỌNG TÍN