Đòi chia di sản thừa kế

26/02/2018 - 05:50

 - Vài năm sau khi người mẹ qua đời, vợ chồng ông Lê Văn Thọ (sinh năm 1964, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) bị tranh chấp tài sản với ông Hồ Văn Lộc (sinh năm 1947, ngụ ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, Tịnh Biên).

Ông Lê Văn Thọ trình bày: “Mẹ tôi (bà Lê Thị Cấy, sinh năm 1934) chết vào đầu năm 2006. Sau đó, ông Hồ Văn Lộc tự cho là con của mẹ tôi, làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) TP. Long Xuyên đòi chia di sản thừa kế mẹ tôi để lại. Tuy nhiên, tôi chưa hề thấy ông Lộc đến thăm bà, chỉ loáng thoáng nghe là bà có một đứa con với người chồng trước, nhưng đã không còn, bà cũng không hề nhắc tới.

Trước khi chết, bà lấy giấy tờ mua bán đất cũ đưa cho tôi, nói là “giấy mua đất ngày xưa” của ba tôi. Đến ngày 17-1-2013, qua phần ghi nhận ý kiến của các đương sự tại TAND TP. Long Xuyên, tôi mới thấy nhiều điều trái ngược. Cụ thể, dì út tôi (Lê Thị Kim Ảnh, sinh năm 1948, ngụ ấp An Bình, khóm 5, thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) cho rằng, mảnh đất chưa tới 30m2 của cha mẹ tôi là do ông ngoại tôi mua; mẹ tôi sống với ông Hồ Văn Chính vào năm 1953-1954, sinh ra ông Hồ Văn Lộc.

Thực ra, theo tôi biết, mẹ tôi kết hôn với ông Nguyễn Văn Trứ (ngụ xã Lương Phi, Tri Tôn), sống với nhau khoảng 4 tháng chia tay, sinh ra ông Lộc. Mẹ gặp cha tôi vào năm 1962-1963, khoảng 2 năm sau ông chết do tai nạn. Khoảng năm 1974, mẹ tôi tái hôn với ông Lý Huy, sinh ra Lý Lan Hương. Tôi đồng ý chia di sản nếu cô Hương yêu cầu, nhưng người này đã chết, hiện nay tôi đang nuôi con cô. Tôi không đồng ý chia di sản cho ông Lộc, vì người này không hề có nghĩa vụ nào với mẹ tôi, trong khi tài sản là của cha mẹ tôi cùng tạo dựng”.

Ông Lê Văn Thọ chỉ căn nhà đòi chia di sản thừa kế

Căn nhà gắn liền với đất ở số 1/2, đường Hà Hoàng Hổ, khóm Đông An 1, phường Mỹ Xuyên của bà Lê Thị Cấy có diện tích 27,6m2, được UBND TP. Long Xuyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 23-11-2005, nhưng vẫn chưa cấp quyền sở hữu nhà.

Đến đầu năm 2006, bà Cấy đột ngột chết, không để lại di chúc. Sau đó, ông Lộc tự xưng là con của bà Cấy, đến gặp ông Lê Văn Thọ yêu cầu chia di sản. Do bị từ chối, nên ông Lộc đã làm đơn khởi kiện ra tòa án. Theo đó, ông Lộc cho rằng, ông là con của bà Lê Thị Cấy với ông Hồ Văn Chính. Ông còn có 2 người em cùng mẹ khác cha là ông Lê Văn Thọ và bà Lý Lan Hương (chết năm 2014).

Ông Lộc đã thực hiện giám định pháp y về ADN đối với mẫu máu của người dì ruột Lê Thị Kim Ảnh. Kết quả giám định của Viện Pháp y quốc gia ngày 15-6-2016 xác định: ông Hồ Văn Lộc có liên quan huyết thống theo dòng mẹ với bà Lê Thị Kim Ảnh. Bà Cấy chết không để lại di chúc, nên ông Lộc yêu cầu được chia 1/3 nhà đất (trị giá khoảng 400 triệu đồng) theo quy định của pháp luật. Vụ việc đã được thụ lý khá lâu, đến nay ông Lộc vẫn giữ nguyên quan điểm này.

Luật sư Trần Ngọc Phước, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang cho biết: “Nếu xác định được ông Hồ Văn Lộc là con của bà Lê Thị Cấy thì người này thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật, dù không có di chúc để lại của bà Cấy. Theo quy định, ông Lộc thuộc hàng thừa kế thứ nhất (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết); những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Tuy nhiên, việc xác định người thừa kế, kỷ phần tài sản phải có chứng cứ, cơ sở rõ ràng do TAND xem xét, quyết định”.

Vấn đề này, thẩm phán TAND TP. Long Xuyên Nguyễn Võ Việt Nam cho biết: “Căn cứ bản đồ hiện trạng khu đất ông Hồ Văn Lộc yêu cầu chia di sản đối với ông Lê Văn Thọ (đang quản lý) do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP. Long  Xuyên lập ngày 4-11-2011, giữa diện tích đất đo đạc thực tế và theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sự chênh lệch 1,5m2. Để có cơ sở xem xét giải quyết, chúng tôi đề nghị cơ quan chuyên môn xác định về nguyên nhân đất chênh lệch, hỗ trợ về việc xử lý phần đất này…

Về việc tranh chấp “Chia di sản thừa kế” nói trên được thụ lý, đã nhiều lần ghi nhận ý kiến của các đương sự, lập biên bản lời khai, tổ chức hòa giải… Tới đây, tòa án sẽ đưa vụ việc ra xét xử theo quy định của pháp luật”.

Bài, ảnh: N.R