Đổi mới công nghệ, mẫu mã các sản phẩm làng nghề truyền thống

17/06/2019 - 07:47

 - Những năm qua, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh ngoài việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, còn tập trung cải tiến mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường và thị hiếu của khách hàng. Qua đó, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy việc phát triển của làng nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Các làng nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Hiện đại hóa làng nghề truyền thống

Với thế mạnh sản xuất đồ mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, làng nghề mộc Chợ Thủ (xã Long Điền A, Chợ Mới) được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, bởi mẫu mã bắt mắt, chất lượng và uy tín đảm bảo. Hiện nay, có khoảng 1.000 hộ tham gia, với trên 120 cơ sở sản xuất lớn nhỏ, giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động địa phương.

Nếu trước đây, hầu hết các hộ dân sử dụng máy móc công nghệ cũ, bán tự động khiến hiệu suất lao động thấp, tốn nhiều nhân lực. Đến nay, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất, nhờ đó việc sản xuất được dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ông Trần Minh Đoàn (người đại diện làng nghề mộc Chợ Thủ) cho biết, bên cạnh những cơ sở làm thủ công, bán thủ công thì những năm gần đây, một vài cơ sở đã trang bị máy khắc 3D (máy CNC) hoàn toàn tự động, nên công việc chạm khắc các hoa văn, chi tiết nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn. Theo ông Đoàn, ưu điểm của máy này là cùng lúc có thể tạo ra nhiều sản phẩm có cùng họa tiết và kích thước như nhau. Vì vậy sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện, giá thành rẻ hơn so với làm bằng thủ công. Ngoài ra, sản phẩm do máy CNC tạo ra có độ đối xứng cao, mẫu mã phong phú và đa dạng hơn so với làm thủ công.

Còn tại làng nghề bánh phồng Phú Mỹ (Phú Tân), việc đẩy mạnh ứng dụng các loại máy móc, trang thiết bị thay thế dần một số công đoạn trong sản xuất bánh phồng. Theo ông Lê Thiện Tuấn (đại diện cơ sở Trúc Linh), trước đây, người làm bánh quết bột bằng chày tay, công việc này mất nhiều thời gian, công sức cũng như sự dẻo dai của người thợ. Hiện nay đã có máy quết - trộn tự động thay thế, người làm bánh đỡ nhọc công; sản phẩm được cải thiện cả về chất lượng lẫn số lượng. “Nếp quết bằng máy mịn hơn, dễ cán hơn so với bằng tay nên sản phẩm làm ra chất lượng hơn. Nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, các công đoạn làm bánh hiện nay được rút ngắn, nhất là công đoạn quết bột. Hộ nào chưa có điều kiện đầu tư thì đem bột sang hộ khác thuê quết với giá 3.000 - 5.000 đồng/ổ, nhờ vậy các hộ trong làng nghề đáp ứng kịp thời các đơn hàng” - ông Tuấn chia sẻ.

Đổi mới mẫu mã

Bên cạnh việc đầu tư trang bị máy móc, các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống không ngừng cải tiến mẫu mã để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Trở lại thăm làng nghề đan đát xã Long Giang (Chợ Mới) vào những ngày này, chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của làng nghề truyền thống. Theo ông Đinh Hùng Cường (Tổ trưởng làng nghề đan đát xã Long Giang), làng nghề ra đời cách đây khoảng 100 năm và được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2007. Thời gian gần đây, bên cạnh việc sản xuất các mặt hàng như: thúng, nia, sàng, rổ, rá… các hộ trong làng nghề còn sản xuất thêm các mặt hàng đan đát phục vụ phát triển du lịch như: giỏ, túi xách, các loại thúng, rổ, sàng… có kích thước nhỏ được khách hàng đánh giá cao. “Hiện nay, làng nghề có khoảng 10 hộ làm song song các mặt hàng truyền thống và phục vụ du lịch. So với các sản phẩm truyền thống, các mặt hàng phục vụ du lịch đòi hỏi công lao động cũng như tính tỉ mỉ cao hơn. Ngược lại, các mặt hàng này được nhiều du khách thích thú. Điều đặc biệt, giá mặt hàng này rất phải chăng. Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề đan đát Long Giang đã xây dựng được thương hiệu nên việc mua bán rất thuận lợi”.

Có thể thấy, hiệu quả từ đổi mới công nghệ trong sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm tại các làng nghề không chỉ giúp giảm nhân lực, mà còn tăng năng suất, tăng tính đồng bộ của sản phẩm, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các địa phương đã triển khai nhiều chương trình khuyến công hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đăng ký nhãn hiệu, xúc tiến thương mại… để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, tăng tính cạnh tranh, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.


ĐÌNH ĐỨC

 

Liên kết hữu ích