Đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia 2019, tăng tính bảo mật, giảm bệnh thành tích

11/12/2018 - 14:58

Tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục trong tuyển sinh, các trường ĐH chấm trắc nghiệm, tăng cường giám sát trong công tác chấm thi, tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT… Nhiều ý kiến cho rằng, những đổi mới này của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ hạn chế được bất cập của kỳ thi trước.

Để hạn chế những tiêu cực của kỳ thi trước, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và bảo đảm trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm.

Chú thích ảnh

Tăng cường giám sát trong công tác coi thi và chấm thi sẽ hạn chế được tiêu cực

Nhìn nhận về những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ông Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy Bộ Giáo dục đã lắng nghe dư luận và đưa ra được phương án có khả năng hạn chế các tiêu cực của năm vừa qua. 

Chú thích ảnh

Nội dung đề thi cũng tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12.

Cùng quan điểm, ông Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định thay đổi và những thay đổi này sẽ hạn chế được những bất cập của kỳ thi trước. Tuy nhiên, thay vì các trường ĐH phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo các địa phương thì nên giao trách nhiệm cho các đơn vị, bởi gắn trách nhiệm thì sẽ thể hiện rõ hơn tính khách quan.

“Việc lắp đặt camera giám sát 24/24 góp phần ngăn ngừa những người có hành vi gian lận. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến những lỗi kỹ thuật trong camera để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Để hạn chế tiêu cực thì không chỉ tập trung vào một khâu chấm thi mà phải là một quy trình chặt chẽ, kiểm soát tốt từ quá trình coi thi, vận chuyển bài thi, đến công tác chấm thi”, ông Hạ cho biết thêm.

Song song đó, công tác coi thi cũng được thay đổi. Nếu như trước đây giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường ĐH ở trung ương và địa phương, thì năm 2019 trường ĐH địa phương sẽ không được tham gia coi thi tại địa phương đó mà thực hiện công tác coi thi ở địa phương khác và ngược lại.

Chú thích ảnh

Các trường tự chủ tuyển sinh giúp cho thí sinh có nhiều lựa chọn hơn. 

Ông Nguyễn Kim Hồng cho rằng, sự đổi mới này cũng hạn chế được gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nếu không sử dụng giáo viên tại chỗ coi thi thì rất khó khăn, bởi số học sinh ở các thành phố lớn nhiều gấp 2-3 lần so với các tỉnh thành khác, việc điều động một số lượng giáo viên ở các tỉnh khác là một vấn đề rất khó khăn, tốn kém kinh phí. Theo ông Hồng, khái niệm địa phương nên xem lại đối với những thành phố lớn. Không nên điều động giáo viên ở các tỉnh khác về coi thi tại TP Hồ Chí Minh mà có thể trao đổi giáo viên coi thi giữa các quận huyện.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, trong những thay đổi về kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, có 2 vấn đề thí sinh cần phải quan tâm là đề thi và cách tính điểm thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, việc xét tốt nghiệp có thay đổi về tỉ lệ điểm, trong đó điểm lớp 12 chỉ chiếm 30% và chương trình thi chủ yếu tập trung chương trình lớp 12.

Năm nay Bộ cũng giao cho các trường ĐH chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh bảo đảm nguyên tắc tự chủ. Theo đó, ngoài phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác. Bàn về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, thay đổi trên sẽ giúp cho các trường tự chủ hơn trong công tác tuyển sinh, ví dụ thực hiện nhiều phương thức tuyển sinh, đánh giá năng lực, xét tuyển học bạ, các trường lựa chọn thí sinh bằng phương thức tuyển thẳng thí sinh giỏi, chính sách học bổng...

Tuy nhiên, các trường tự chủ cần trên cơ sở có giám sát của Bộ, nếu không sẽ dẫn đến tình hình như các năm trước, điểm xét tuyển đầu vào thấp, đặc biệt với những trường địa phương, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực ra trường khó đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Theo ĐAN PHƯƠNG (Báo Tin Tức)