Đổi mới nông thôn

20/08/2018 - 04:38

 - Nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân cùng chính quyền địa phương, bộ mặt nông thôn quê Bác ngày càng đổi mới.

Phà Trà Ôn chầm chậm cặp bến, đưa chúng tôi sang thăm quê Bác. Con đường nhựa phẳng phiu từ bến phà nằm vắt ngang xã Mỹ Hòa Hưng, rộng mở chào đón lữ khách phương xa. Hiện nay, bà con ở xã Mỹ Hòa Hưng vẫn còn lưu giữ nếp nhà sàn mộc mạc, đơn sơ. Trước mái hiên, những cụ già ngồi bên tách trà hàn huyên, tô đẹp thêm tình làng nghĩa xóm đã có từ bao đời nay trên quê Bác. Những bậc cao niên cho biết, bà con quê Bác luôn cần cù, hăng say lao động sản xuất, nên kinh tế địa phương luôn đổi thay, cuộc sống của bà con khởi sắc.

Chú Phan Văn Bò (62 tuổi, ngụ ấp Mỹ An 1) khoe mô hình chăn nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả hàng chục triệu đồng mỗi năm. Chú Phan Văn Bò kể, ngày trước nhà chú thường bị ngập do lũ lên cao. Còn đường sá thấp bị nước lũ ngập trắng xóa. Được chính quyền địa phương quan tâm nâng cấp, bê-tông hóa nên giao thông thông suốt từ đầu trên xóm dưới, kéo theo kinh tế địa phương phát triển mạnh. Ngoài chăn nuôi, chú Phan Văn Bò còn mạnh dạn chuyển đổi 8 công đất ruộng trồng lúa sang trồng xoài cát Chu.

“Trước đây, tui canh tác chủ yếu lúa 2 vụ, thu nhập bấp bênh. Hiện nay, tui đầu tư lập vườn. Trên thì trồng xoài cát Chu và xen canh cây màu, dưới ao thì thả nuôi các loại cá như: cá trê, cá tra, cá điêu hồng, cá rô... để lấy ngắn nuôi dài”- chú tâm sự.

Khu lưu niệm Bác Tôn

Khu lưu niệm Bác Tôn

Cù lao Ông Hổ là địa danh lịch sử nổi tiếng nằm giữa sông Hậu. Đến đây, du khách có thể vào tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và len lỏi vào những vườn cây ăn trái của nông dân. Du khách sẽ được hòa mình vào không gian mát mẻ không nơi nào sánh bằng. Thấy được lợi thế này, nhiều nông dân đã mạnh dạn phát triển loại hình du lịch miệt vườn, gắn bó với nghề nông. Qua đó, vừa quảng bá, học hỏi văn hóa, phong tục tập quán của du khách, vừa tạo thêm thu nhập cho gia đình. Nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân lên xứ cù lao đều bị cuốn hút bởi loại hình du lịch độc đáo này.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, một phiên dịch viên ở TP. Hồ Chí Minh dẫn đoàn khách quốc tế đạp xe quanh các tuyến đường Mỹ Hòa Hưng. “Hôm nay, tui dẫn đoàn khách Hà Lan gồm 9 người. Họ hài lòng về cảnh đẹp nên thơ nơi đây. Đặc biệt, họ rất thích cách làm du lịch miệt vườn. Qua đó, họ được trải nghiệm và thưởng thức các món ăn đặc trưng vùng quê nơi đây”- chị Hà bộc bạch.

“Những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm và tạo điều kiện cho nông dân sản xuất có hiệu quả bằng việc vận động bà con chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu, với diện tích khoảng 256ha đất nông nghiệp. Đặc biệt, xã đã quy hoạch 48,5ha rau an toàn, trồng thí điểm khoảng 10ha giống xoài cát Chu đối với 14 hộ dân. Về chăm lo chỗ ở cho bà con, xã đã bố trí trên 200 nền tại ấp Mỹ Khánh 2 cho những hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở, xây dựng khu nhà Đại đoàn kết cho người nghèo…”- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Huỳnh Lê Thùy Dương khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Huỳnh Lê Thùy Dương nói rằng, niềm tự hào lớn nhất của địa phương và người dân là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, địa phương tiếp tục phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao. Bộ mặt nông thôn quê Bác đã đổi thay rõ nét, đời sống của bà con được nâng cao hơn trước rất nhiều. Đường giao thông nông thôn rải nhựa khoảng 41km chạy qua 9 ấp trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện cho người dân vận chuyển hàng nông sản được dễ dàng

Bài, ảnh: THÀNH CHINH