Đổi mới, phát triển bền vững kinh tế biển

24/01/2021 - 13:56

Xác định phát triển kinh tế biển là hướng đột phá trong phát triển hội nhập trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, trong 5 năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và tổ chức thực thi nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như: Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết nêu rõ quan điểm về phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển” và nhấn mạnh phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển. 

Cảng Bắc Vân Phong là khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế, có lợi thế so sánh về vị trí địa lý để phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Từ thời điểm Nghị quyết 36-NQ/TW được ban hành đến nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan nhằm xây dựng và thực hiện nhiều hoạt động, nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc xây dựng các văn bản, chính sách pháp luật có liên bước đầu đã đem lại những kết quả có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Có thể kể đến văn bản quan trọng nhất là Chính phủ ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW.

Trong Nghị quyết 26/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra 6 nhóm nội dung, giải pháp cụ thể, gồm có: về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; phát triển kinh tế biển, ven biển; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Nghị quyết nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả và giao một số đề án, dự án, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cụ thể của kế hoạch 5 năm đến năm 2025 và kế hoạch tổng thể đến năm 2030 cho các cơ quan có liên quan chủ trì thực hiện.

Trên cơ sở Nghị quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 26/NQ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch hành động của đơn vị mình để thực hiện hai nghị quyết này.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhận định, bên cạnh những mặt còn khó khăn, tồn tại, để vượt qua những thách thức trong tình hình mới, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành Tài nguyên và Môi trường cùng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ; các chương trình, kế hoạch và đề án Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Tổng cục thực hiện tốt vai trò Cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Thời gian tới, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tập trung rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về biển và hải đảo; sơ kết việc thi hành, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu thống kê quốc gia về quản lý vùng biển cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển theo chuẩn mực quốc tế. Tổng cục tăng cường các hoạt động điều phối trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhất là Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, với các địa phương ven biển, phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển. Tổng cục xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về biển và hải đảo; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển kinh tế biển của địa phương, tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, nhất là nhân lực chất lượng cao, triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp tục quản lý, bảo vệ 16 khu bảo tồn biển thuộc hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đã được xác lập; điều tra, thu thập số liệu về đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại các vùng biển, ven biển, ven đảo; hoàn thiện dữ liệu các khu vực có tiềm năng làm cơ sở đề xuất thành lập mới các khu bảo tồn biển. Tổng cục thực hiện các chương trình, đề án, dự án phục hồi và phát triển các hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển, đầm phá, bãi triều - cửa sông, rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển toàn quốc, trong đó ưu tiên các khu vực có tốc độ suy thoái nhanh.

Ngoài ra, Tổng cục Biển và Hảo đảo Việt Nam tập trung thúc đẩy thu hút đầu tư khai thác năng lượng biển, nuôi biển, quy hoạch, thu hút các nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng khu vực ven biển, giữa các địa phương có biển và không có biển để tiếp tục phát huy tiềm năng của các vùng địa phương ven biển…

Hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tài nguyên biển

 Nuôi cá lồng bè trên vùng biển An Thới, thành phố Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Là quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển, có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển như giao thông vận tải biển, khai thác và chế biến khoáng sản, khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển...

Đến nay, công tác khảo sát, nghiên cứu, đo đạc bản đồ biển đã thành lập hải đồ tỷ lệ 1:200.000 với khoảng 82% diện tích các vùng biển Việt Nam; hoàn thành điều tra địa hình đáy biển khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam ở các tỷ lệ từ 1:500.000 đến 1:50.000. Các đơn vị liên quan đã chủ động hợp tác quốc tế trong bảo vệ các hệ sinh thái biển và đại dương, phối hợp hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Các địa phương có biển đã xây dựng kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; ban hành kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa; từng bước thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển để đảm bảo không gian cho cộng đồng; quy hoạch, đầu tư và thu hút đầu tư hệ thống hạ tầng, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với chuỗi đô thị ven biển để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và hướng biển với mức đóng góp trên 60% GDP cả nước. Một số tỉnh, thành phố đã trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tỉnh Quảng Ninh đang trên đà phát triển để trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, tỉnh quan tâm phát triển một số ngành kinh tế biển dựa vào lợi thế tài nguyên biển, đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển.

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tạ Đình Thi cho biết, từ năm 2016 đến nay, Tổng cục đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một nghị quyết, hai nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định, một chỉ thị; trình bộ ban hành 19 thông tư. Các văn bản này góp phần cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, nhiệm vụ, đặc biệt là công tác giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển đã dần đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, địa phương có biển trong việc xử lý các hồ sơ giao khu vực biển để nhận chìm.

Đến nay Tổng cục đã tổ chức thẩm định 16 hồ sơ đề nghị giao khu vực biển của các tổ chức và được cấp có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển với tổng số tiền thu về cho ngân sách nhà nước hơn 502 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 12/2019 có 10/28 địa phương có biển tổ chức giao khu vực biển cho 26 tổ chức với tổng số tiền thu sử dụng khu vực biển hơn 23 tỷ đồng…

Tổng cục đã hoàn thành và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đường ranh giới cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm theo vĩ tuyến một khoảng cách 3 hải lý, danh mục các điểm có giá trị đặc trưng nước triều vùng ven biển Việt Nam và 10 đảo, cụm đảo lớn của Việt Nam phục vụ cho việc thiết lập, quản lý hành lang bảo vệ bờ biển…

Theo HOÀNG NAM (TTXVN)