Đổi thay Ô Lâm

18/10/2018 - 07:44

 - Là địa phương có đến 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,66%, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Ô Lâm (Tri Tôn) có xuất phát điểm thấp hơn nhiều so với những địa phương khác. Tuy nhiên, địa phương vẫn nỗ lực về đích NTM nhằm xây dựng bộ mặt NT tươi đẹp hơn, xứng danh với quê hương của nữ anh hùng Néang Nghés.

Đoàn viên, thanh niên xã Ô Lâm chung tay xây dựng nông thôn mới

Chú trọng hạ tầng nông thôn

“Tuy không nằm trong lộ trình các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 nhưng với mong muốn xây dựng vùng đất Ô Lâm anh hùng, chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, nền kinh tế chưa phát triển thành một vùng đất mới có nhiều khởi sắc, thu hút bạn bè khắp nơi và có thể sánh ngang với các xã bạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ô Lâm nỗ lực không ngừng, từng ngày cùng nhau vun đắp, xây dựng địa phương thêm giàu đẹp. Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai, sẽ xây dựng Ô Lâm thành một xã DTTS đạt chuẩn NTM, đời sống người dân ngày càng khởi sắc, ấm no, hạnh phúc” - Chủ tịch UBND xã Ô Lâm Lộ Vinh Huy nhấn mạnh.

Quyết tâm đó phần nào được đền đáp khi đến nay, Ô Lâm đã đạt 8/19 tiêu chí và 27/49 chỉ tiêu xây dựng NTM. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 18 triệu đồng thì năm 2017 nâng lên gần 20 triệu đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện đã thực hiện bê-tông được 8 tuyến đường xã (2,71km), xây dựng cầu bê-tông Kôk Rô Măng và cầu dây văng kênh Sườn 8. Đối với cầu Kôk Rô Măng, dài 29m, rộng 3,5m, tổng kinh phí thực hiện 350 triệu đồng, trong đó, nhà tài trợ Minh Lành hỗ trợ 100 triệu đồng, vốn ngân sách huyện đối ứng 30% (105 triệu đồng), xã vận động nhân dân đóng góp 145 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến (KT&CB) đá An Giang hỗ trợ 100m3 đá. Có được nguồn kinh phí, xã vận động nhân dân, lực lượng dân quân, thanh niên, sinh viên tình nguyện đóng góp ngày công hoàn thành cây cầu quan trọng nối 2 bờ kênh sườn J (ấp Phước Lợi). Đối với cầu kênh Sườn 8, dài 32m, rộng 3,5m, tổng kinh phí xây dựng 350 triệu đồng, thực hiện từ vận động kinh phí và đóng góp ngày công.

Cùng với đầu tư hệ thống cầu, đường NT, Ô Lâm còn vận động hệ thống chiếu sáng, pa-nô hộp đèn và trồng hoa trên các tuyến đường. Ông Huy cho biết, từ nguồn tài trợ 240 triệu đồng của Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang, nhân dân đóng góp thêm 25 triệu đồng để lắp đèn chiếu sáng 2 đoạn đường, gồm: đoạn từ giáp ranh xã An Tức đến giáp ranh xã Cô Tô (5,5km) và đoạn từ UBND xã Ô Lâm đến đầu chợ xã (2km). Địa phương vận động trồng hoa 2km đường từ trung tâm xã đến chợ; trồng 1.000 cây ô môi trên các trục lộ chính, dài 7km.

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần

Hiểu được ý nghĩa xây dựng NTM là vì lợi ích nhân dân nên dù điều kiện còn khó khăn, người dân xã Ô Lâm vẫn nhiệt tình đóng góp sức người, sức của cho chương trình trọng điểm này. Điển hình như trong quá trình nâng cấp tuyến lộ giao thông NT xóm Sóc Chhuốt (ấp Phước An) dài 1.050m, người dân đã hiến 1.000m2 đất trị giá 60 triệu đồng, Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang hỗ trợ 600m3 đá bụi. Trong kinh phí nâng cấp 24,4 triệu đồng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn vận động 15,2 triệu đồng, nhân dân đóng góp thêm 9,2 triệu đồng để hoàn thành con đường.

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, Ô Lâm còn chú trọng khôi phục các giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS Khmer. Ông Lộ Vinh Huy cho biết, địa phương vừa vận động nhân dân 7,5 triệu đồng chỉnh trang lại Tha La Phăng Xây. Đây vừa là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của cộng đồng Khmer, vừa là nơi tham quan, điểm dừng chân của du khách. Đồng thời, khôi phục 2 làng nghề truyền thống là sản xuất đường thốt nốt và sản xuất cốm dẹp kết hợp khai thác du lịch trải nghiệm và loại hình du lịch Homestay. Đây sẽ là 2 ngành nghề truyền thống chủ lực khởi xướng cho chương trình khai thác và phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Trong chiến dịch “Mùa hè tình nguyện” 2018, được Tỉnh đoàn hỗ trợ 25 triệu đồng lắp đặt khu vui chơi thiếu nhi rộng 510m2 tại khu vực Tha La Phăng Xây, xã Ô Lâm đã vận động Công ty Vy Lộc Phát hỗ trợ thêm 2 xích đu trị giá 10 triệu đồng. Đây là niềm vui lớn cho các cháu thiếu nhi vùng DTTS Khmer - nơi vẫn còn rất thiếu sân chơi.

Năm 2018, xã Ô Lâm tập trung vào 4 tiêu chí xây dựng NTM theo Nghị quyết của Huyện ủy Tri Tôn, gồm: nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện từ 98% trở lên, giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo (tương đương 120 hộ trong tổng số 957 hộ nghèo, chiếm 31,66% số hộ), tổ chức lại sản xuất hiệu quả và củng cố hệ thống chính trị.


Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN