Đổi thay ở Tân Châu sau 10 năm được công nhận thị xã

17/09/2019 - 07:21

 - Quý IV-2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX. Tân Châu sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã (24-8-2009 _ 24-8-2019)

Hạ tầng hoàn thiện

10 năm qua, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thị xã không ngừng hoàn thiện, đời sống người dân được nâng lên. Tân Châu giờ đây đã thực sự trở thành hạt nhân tiểu vùng 2 của tỉnh (theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Tỷ lệ đô thị hóa ở TX. Tân Châu đạt 37,6%, đứng thứ 3 toàn tỉnh

Về hạ tầng giao thông, Tân Châu là một trong những địa phương có hệ thống giao thông liên vùng khá hoàn chỉnh. Cụ thể, tuyến đường N1 (trục Đông - Tây) nối phà Tân Châu qua cầu Châu Đốc đi Hà Tiên, tạo sự liên kết giao thông trục dọc biên giới Tây Nam giữa 4 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Tuyến đường này thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giao lưu văn hóa khu vực, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuần tra, bảo vệ an ninh biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Tuyến Quốc lộ 80B cặp bờ Nam sông Tiền nối cầu Cao Lãnh đến trung tâm thị xã. Từ đây, du khách qua cầu Tân An đến Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương (trục Nam - Bắc). Đây là tuyến đường huyết mạch, đưa hàng hóa của nông dân trong vùng xuất khẩu mạnh sang Campuchia và các quốc gia trong khu vực ASEAN. Ngoài 2 tuyến đường trọng yếu trên, Tân Châu còn có hệ thống các tuyến Tỉnh lộ 951, 952, 953, 954 kết nối các khu vực lân cận (trong tỉnh) với Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương. Ngoài hệ thống hạ tầng giao thông mang tính kết nối, TX. Tân Châu có mạng lưới đường giao thông nội thị khá phát triển với tổng chiều dài 33,74km. Hiện, mạng lưới giao thông này đã được nâng cấp hoàn thiện, nhựa hóa từ trung tâm thị xã đến các phường, xã, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng. Ngoài hạ tầng giao thông, Tân Châu còn có hạ tầng phục vụ cho phát triển dịch vụ - thương mại khá hoàn chỉnh. Thị xã có 1 trung tâm thương mại với diện tích 8.500m2, bố trí 1.000 sạp mua bán trong nhà lồng chợ khang trang, hiện đại. Từ đây, hàng hóa của doanh nghiệp trong vùng được đưa sang Campuchia và các nước ASEAN thuận tiện, từ đó giúp lĩnh vực dịch vụ - thương mại phát triển tốt.

Đời sống nâng lên

“Thời gian qua, nhờ tập trung xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh nên Tân Châu có tổng mức luân chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ (ăn uống, lưu trú trên địa bàn) đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so năm 2009. Giá trị nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương đạt 6 triệu USD. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ đóng vai trò mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế thị xã…”- Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải khẳng định. Hạ tầng hoàn thiện, từ đó thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển nhanh chóng. Cụ thể, trên lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng của thị xã luôn duy trì ở mức cao, mỗi năm tăng bình quân trên 10%. Thu nhập GDP bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng, tăng 230% so năm 2009. Đây là một trong những địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh. “Là người dân sống trên địa bàn, chúng tôi rất tự hào với những gì thị xã đã đạt được trong 10 năm qua. Có thể kể những công trình mang dấu ấn như: tuyến dân cư bờ đông kênh Bảy Xã, dài 23km; công trình bờ kè đá dài gần 1.000m dọc bờ sông Tiền; công trình nâng cấp bến phà Tân Châu - Hồng Ngự; tuyến dân cư kênh Vĩnh An; cầu Tân An, đường kênh Thần Nông; nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Nhàn, Tôn Đức Thắng... đã làm cho bộ mặt thị xã ngày càng đẹp và khang trang hơn” - bà Trần Thị Mỹ Lệ, cán bộ hưu trí phường Long Châu khẳng định.

Để nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn, thời gian qua, Tân Châu đã đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 4/9 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông và 9/9 xã đạt tiêu chí số 3 về hệ thống thủy lợi. Đã có 3 xã là Long An, Phú Vĩnh, Tân An đạt chuẩn xã nông thôn mới. “Khi xã được công nhận chuẩn nông thôn mới, chúng tôi rất vui mừng vì đường sá được thông thoáng hơn, môi trường sống được đảm bảo, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự rất tốt, từ đó người dân trên địa bàn rất an tâm” - chị Trần Thị Hạnh (người dân ở xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.

10 năm qua, tuy Tân Châu được công nhận là thị xã nhưng địa phương này vẫn còn diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn, lao động nghề nông còn nhiều. Để đẩy mạnh lĩnh vực này, thị xã đã có chủ trương đưa khoa học-kỹ thuật vào đồng ruộng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, từ đó năng suất, chất lượng lúa được nâng lên. Hiện nay, 65% sản lượng lúa của nông dân trên địa bàn được xuất khẩu, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 180 triệu đồng/ha vào năm 2018 (tăng trên 100 triệu đồng so năm 2009). Sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống được nâng lên, hiện người dân Tân Châu đang cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh 2 cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và xây dựng văn minh đô thị, đưa Tân Châu trở thành hạt nhân của tiểu vùng 2, theo quy hoạch phát triển của tỉnh.

“Trải qua quá trình hình thành và phát triển, đặc biệt là sau 10 năm Tân Châu trở thành thị xã, vùng đất này đã khẳng định được vị trí kinh tế, quốc phòng rất quan trọng nơi biên giới. Những thành tựu đạt được trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội là điều kiện quan trọng để Tân Châu tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tiếp tục xây dựng và phát triển địa phương trở thành trung tâm kinh tế - xã hội năng động phía bắc An Giang, một đô thị tầm vóc, sầm uất vùng đầu nguồn ĐBSCL” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Minh Hùng quyết tâm

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN