Đón mùa cá ra đồng

06/11/2018 - 07:52

 - Khi nước lũ xuống dần, hầu hết những loài cá tự nhiên vẫn “nán” lại trên đồng để tìm thức ăn. Khi lũ rút mạnh, cảm giác những cánh đồng sắp khô nước, chúng lại ào ạt tuôn ra sông. Đây là đợt “hốt hụi chót” của những người theo nghề “bà cậu”.

A A

Sẵn sàng chờ đàn cá

Mùa lũ năm nay nước về sớm, lên nhanh nhưng rút cũng nhanh. Những hộ có thói quen đặt dớn khai thác thủy sản sớm bị thiệt hại khá lớn khi nước lên cao làm lút đường đăng, không thu được bao nhiêu cá vào đú. Tuy nhiên, khi lũ đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh từ giữa tháng 9 và rút dần, việc khai thác cá thuận lợi hơn. “Sau khi nước xuống, tôi sửa chữa lại đường đăng hơn 1.000m để đón luồng cá trên đồng. Từ rằm tháng 9, cá “chạy” nhiều hơn so tháng 7, tháng 8 (âm lịch). Dù giá bán có giảm nhưng với sản lượng 150-200kg/ngày, coi như cũng có “ăn”. Tôi đang chuẩn bị thêm các mẻ lưới để chuẩn bị đón đợt cá ra đồng rằm tháng 10 sắp tới” - ông Hồ Văn Đại (ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, An Phú) chia sẻ.

Theo các ngư dân vùng đầu nguồn sông Hậu, để tận dụng hiệu quả mùa cá ra đồng, người ta thường dùng những tấm lưới loại mắt lưới 1,8cm, dạo lưới sâu, dài đến vài chục mét. Xác định những đoạn kênh có nhiều cá từ đồng xuống, ngư dân dùng 2 ghe chạy dọc 2 bên bờ kênh, kéo theo đầu lưới, cứ thế là có thể thu hoạch được từ vài chục đến cả trăm ký cá mỗi mẻ lưới. Dân chài và bủa lưới tay cũng kiếm được nhiều cá hơn vào mùa này. Do cuối mùa lũ nên các loại cá linh, cá chốt, cá mè vinh, cá dảnh... đều khá lớn. Đây được xem là đợt cá ngon nhất để làm khô, mắm dự trữ cho mùa khô sắp tới.

Dọc theo tuyến kênh Vĩnh Tế, nối từ sông Hậu (khu vực TP. Châu Đốc) qua Tịnh Biên, Tri Tôn rồi đổ xuống Kiên Giang, người dân chuẩn bị ngư cụ để đón mùa cá ra đồng. Do lũ phía bờ Bắc kênh Vĩnh Tế về sớm nhưng rút nhanh hơn các nơi khác nên bà con khai thác mùa cá ra đồng sớm hơn. “Từ đầu tháng 9 (âm lịch), người dân địa phương và dân bên Vĩnh Điều, Giang Thành (Kiên Giang) đã sang khai thác được nhiều cá. Từ rằm tháng 9, cá nhiều hơn. Dự kiến rằm tháng 10 sẽ còn trúng mùa cá lớn” - ông Đào Văn Chính (ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Gia, Tri Tôn) thông tin.

Từ sáng sớm cho đến chiều tối, người dân vùng biên giới Tịnh Biên, Tri Tôn lấy xuồng giăng lưới, giăng câu, đổ dớn, đổ lọp suốt ngoài đồng và các tuyến kênh dọc theo kênh Vĩnh Tế. Trong khi đó, người dân Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc) còn sang những cánh đồng sát biên giới Campuchia để tranh thủ mùa cá đợt cuối lũ.

Nhộn nhịp những chợ cá

Nếu như những năm lũ nhỏ, chợ cá đêm tại cầu số 2 (xã Vĩnh Hanh, Châu Thành) có phần kém vui thì mùa lũ năm nay rộn rã hơn rất nhiều. Khi trời còn chưa kịp sáng, đã nghe những tiếng gọi nhau í ới của bạn hàng trên bờ, xuồng, ghe dưới kênh. Trong ánh sáng lờ mờ của ánh đèn pin, đèn sạc, đèn led, dễ dàng bắt gặp những xô cá với màu vảy trắng phản quang lấp lánh. Chợ cá được hình thành từ rất lâu và là nơi tập trung những người đánh bắt cá đồng bán lại cho bạn hàng đem giao đi những chợ đầu mối khác. Mỗi đêm, có đến hàng chục tấn cá đồng được đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Nguồn cá được cung cấp bởi những hộ khai thác dưới kênh Mặc Cần Dưng, trên các cánh đồng xả lũ ở khu vực vùng trong huyện Châu Phú, khu vực giáp ranh Tri Tôn, Tịnh Biên, một phần từ khu vực kênh Vĩnh Tế… “Chợ này chuyên thu gom và đưa đi tiêu thụ các loại cá trắng tự nhiên trên đồng hoặc dưới kênh, sông như: cá linh, cá mè vinh, cá dảnh, cá chốt, cá cóc… Bên cạnh đó, cũng có cá lóc, cá rô đồng, cá lăng, tôm, tép… Khi những người đánh bắt mang cá đến, chúng tôi “cân xô” lại hết để họ kịp đi khai thác chuyến khác. Sau đó, chúng tôi phân loại để bán cho các bạn hàng lớn. Họ dùng xe tải đến chở cá đi tiêu thụ. Đối với cá tươi được chuyển lên từ ghe đục của ngư dân thì sử dụng bình ô-xy để giữ tươi đến các chợ đầu mối và chợ nhỏ luôn” - chị Nguyễn Kim Loan (ngụ xã Vĩnh Hanh) chia sẻ.

Ở vùng đầu nguồn An Phú, những chợ đêm mùa lũ cũng hoạt động nhộn nhịp do đang mùa cá ra đồng. “Từ giữa đêm, nhiều hộ cùng nhau ra đồng kéo cá rồi mang về cân cho thương lái vào lúc 3-4 giờ sáng. Thương lái chờ sẵn, có bao nhiêu thu mua bấy nhiều. Tính ra, bình quân mỗi người cũng được chia khoảng 50-60kg, thu nhập trên 200.000 đồng/ngày. Đối với dân câu lưới, chuyên bắt cá lóc, rô, trê, cá chạch… có thu nhập càng cao hơn nhờ bán được giá hơn so với cá xô” - ông Nguyễn Văn Bé (ngụ xã Phú Lộc, An Phú) bộc bạch. Với những hộ chịu khó thức đêm khai thác đặc sản tôm, cua, ếch, lươn, chuột... có khi kiếm được bạc triệu.

Đối với những hộ vùng hạ lưu sông Hậu (khu vực Long Xuyên), để tận dụng mùa cá ra đồng, người ta tranh thủ chất chà trên sông, kênh, rạch để dụ cá vào trú ngụ. Qua rằm tháng 10, khi nước sông xuống thấp, người ta bắt đầu dỡ chà để khai thác cá. Với dân sành ăn, cá chất chà luôn hấp dẫn nhất bởi đây là những loài cá được vỗ béo trên đồng, về trú ngụ trong chà dưới dòng nước luôn luôn chảy nên thịt thơm ngon, ít hôi rong…

Mùa cá ra đồng được xem như đặc ân cuối cùng về nguồn lợi thủy sản tự nhiên trước khi bước vào vụ đông xuân 2018-2019, cũng là thời kỳ kết thúc mùa mưa, bắt đầu mùa khô đổ lửa

 

NGÔ CHUẨN