Đón xuân này… nhớ xuân xưa!

03/02/2019 - 07:00

 - “Tết xưa à, tôi nhớ lắm chứ! Ngày đó, cuộc sống tuy còn khó khăn, không đủ đầy như bây giờ nhưng Tết đến, dù giàu sang hay nghèo khó, ai cũng cố gắng làm sao để “ngày 30 Tết, thịt treo trong nhà”. Thuở ấy, thiếu thốn trăm bề nhưng niềm háo hức, rạo rực mong chờ Tết luôn là điều gì đó rất thiêng liêng. Dù ngày Tết trôi qua ngắn ngủi nhưng trước đó nhiều tháng, nhà nhà đã tất bật lo mọi chuyện trong, ngoài. Tết lúc ấy chỉ giản đơn là “già được bát canh, trẻ được manh áo”, đến tận bây giờ, tôi vẫn khắc khoải mỗi khi ai đó nhắc lại!”- bà Nguyễn Thị Hai (55 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) bồi hồi nghĩ về những mùa xuân đã qua.

Ảnh: PHƯƠNG TRẦN

Một buổi chiều cuối đông, khi cái lạnh se sắt qua đi, trong ngôi nhà sàn vừa được quét dọn tinh tươm, bà Hai ngồi trầm ngâm ra chiều tư lự. Lâu lâu, vài ngọn gió không biết vô tình hay hữu ý cuốn bay chiếc lá mai trước hiên nhà, người phụ nữ đứng tuổi ấy lắc đầu với vẻ tiếc nuối. Theo bà Hai, sở dĩ bà quét dọn nhà sớm là vì thói quen xa xưa. Khi ấy, Tết vẫn còn… lâu lắm mới đến thì bà đã nôn nao, phụ mẹ dọn dẹp lần lần. “Lúc bé, tôi cũng như bao đứa trẻ khác, trông đợi Tết vô cùng! Vì chỉ khi Tết đến, trẻ con chúng tôi mới được vui chơi thỏa thích mà không sợ người lớn rầy la. Chỉ ngày Tết, trẻ con mới có quần áo mới mặc và ăn đồ ăn ngon. Bởi cái thời “cơm ăn không đủ no”, “áo mặc không đủ ấm” ấy, với ba, mẹ tôi, họ chỉ mong có cơm ngày 2 bữa là mừng lắm rồi. Quanh năm cực khổ cỡ nào, có thiếu thốn đến đâu, ba, mẹ tôi vẫn cố gắng dành dụm để có cái Tết tươm tất, có mâm cỗ ngon dâng cúng ông bà”- không khí Tết dần hiện lên qua giọng kể của bà Hai.

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, Tết xưa là như thế! Những hình ảnh mộc mạc, bình dị nhưng mang tính đặc trưng, làm nên giá trị truyền thống tự bao đời của dân tộc Việt. Xã hội ngày càng tiến bộ, đời sống vật chất của con người được nâng cao, chuyện “thịt mỡ” hay “dưa hành” muốn là có, chứ không phải mong chờ như xưa. Bánh, mứt cũng chẳng phải nhọc công, phí sức chuẩn bị, chỉ cần ra chợ hay ngồi ở nhà đặt hàng là sẽ được giao đến tận nơi. Phải chăng vì thế mà dư vị Tết đã nhạt phai ít nhiều? Niềm mong mỏi, chờ đợi Tết theo đó không còn trọn vẹn như ngày nào.

Gói bánh tét - phong tục đẹp ngày Tết

Còn nhớ, Tết năm ngoái, khi mua về mấy đòn bánh tét để “trọn bộ” lễ vật cúng ông bà thì mẹ tôi cất lời: “Hồi đó, bà ngoại bây toàn gói bánh dịp Tết, trước là dâng cúng tổ tiên, sau để biếu anh em, họ hàng, chòm xóm. Giờ thì, có mấy ai giữ được truyền thống đó!”. Không riêng mẹ tôi, những người trạc tuổi bà, hẳn ai cũng có chung xúc cảm khi nhớ về những tháng ngày ngồi canh nồi bánh tét to đùng để chờ Tết. “Ngày xưa, đâu phải muốn ăn bánh tét là chạy ra chợ như bây giờ. Chỉ những dịp lễ giỗ hay Tết, mọi người mới gói bánh. Năm nào cũng vậy, chiều 29 Tết, tôi đã chuẩn bị xong những nguyên liệu cần thiết như: lá chuối, củi, nồi hấp để gói bánh tét. Sáng 30 Tết, tôi dậy thật sớm, ra chợ mua thịt, đậu, chuối, dừa… về sơ chế. Cả ngày hôm đó, tôi và các chị, em mỗi người một việc, người gói, kẻ buộc dây đem hấp, người canh lửa. Đám con nít nhất quyết đòi phụ nhưng nghịch ngợm là chính thôi. Loay hoay từ sáng đến chập tối, chẳng biết mệt là gì. Bởi, xen lẫn buổi gói bánh là những câu chuyện vui, những chia sẻ về cuộc sống, về chuyện làm ăn, học hành của con cái sau một năm dài. Đây là thời khắc xum vầy hiếm hoi mà các thành viên trong gia đình có dịp bên nhau” - bà Hai bùi ngùi. 

Tết xưa dẫu chân quê và bình dị, nhưng sao cứ làm lòng người xao xuyến mỗi khi nhớ đến. Dù là Tết xưa hay Tết nay thì ngày Tết chỉ có giá trị khi ta thật sự biết giữ gìn, trân quý những phong tục cổ truyền. Dẫu hình thức có thể thay đổi nhưng cốt lõi ngàn đời của Tết là tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia, sự sum họp, kính nhớ tổ tiên mãi còn đó trong tim mỗi người con Việt!

PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích