Đồng bằng sông Cửu Long: Dồn sức ứng phó với lũ

06/09/2018 - 09:55

Mấy ngày gần đây, nước lũ từ Campuchia đổ rất mạnh về các vùng biên giới An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp... gây ngập nhiều nơi và đe dọa hàng ngàn héc-ta lúa Thu đông của người dân.

A A

Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, huy động cơ giới gia cố đê bao bảo vệ lúa.

Hiện tại, có một số cánh đồng lúa sắp tới ngày thu hoạch nhưng bị vỡ bờ bao làm mất trắng. Bảo vệ lúa Thu đông, nhà cửa, trẻ em vùng lũ… đang được ngành chức năng đồng loạt triển khai…

Lúa bị ngập lũ tràn lan

Ông Võ Văn Lướt, ở ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) tỏ ra mệt mỏi khi chứng kiến cánh đồng lúa Thu đông bị nước lũ tràn ngập gây thiệt hại tràn lan. Ông Lướt than thở: “Khu vực này nằm ngoài quy hoạch làm lúa 3 vụ/năm của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, do những năm trước lũ nhỏ nên năm nay nông dân tự liên kết lại làm bờ bao để sản xuất khoảng 125ha lúa Thu đông. Khoảng 2 tuần gần đây, nước lũ từ phía Campuchia đổ về rất mạnh, nước lên nhanh làm cho nông dân lo lắng. Trước tình hình trên, bà con trong khu vực này đã đầu tư gần 130 triệu đồng thuê cơ giới gia cố đê bao bảo vệ lúa. Thế nhưng, nước lũ quá cao, chảy mạnh… đã khiến bờ bao bị vỡ vào sáng 28-8 nhấn chìm toàn bộ cánh đồng lúa còn khoảng 10-15 ngày nữa là thu hoạch. Gia đình tôi canh tác 20 công lúa, bị mất trắng, thiệt hại hơn 50 triệu đồng”.

Chị Nguyễn Thị Thuận (xã Vĩnh Gia) thẫn thờ nói: “Nông dân vùng biên giới này mưu sinh nhờ vào cây lúa. Vụ lúa Thu đông năm nay chúng tôi chăm sóc chu đáo và năng suất lúa dự kiến khoảng 900 kg/công. Không ngờ nước lũ từ Campuchia tràn về mạnh và nhanh khiến nông dân trở tay không kịp. 150 công lúa của gia đình tôi sắp tới ngày thu hoạch thì lũ tràn vào làm mất trắng…”. Theo ông Phạm Hoàng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn), vụ Thu đông này toàn xã xuống giống 2.698ha, trong đó diện tích ngoài đê bao lên tới 1.505ha. Những ngày qua, lũ lên cao và làm ngập một số nơi ngoài đê bao, vì vậy nhiều hộ dân buộc phải thu hoạch nhanh những diện tích lúa vừa chín để chạy lũ. Cái khó hiện nay là nước lũ tràn vào ngập chân ruộng khiến việc thu hoạch lúa bằng máy gặp trở ngại; trong khi thu hoạch lúa bằng tay thì thiếu nhân công trầm trọng dù giá thuê cao. Chị Mai Thị Hạnh, ngụ xã Vĩnh Gia, chia sẻ: “Khi nước lũ làm vỡ bờ bao gây ngập lúa Thu đông thì nông dân vội vàng thu hoạch được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tuy nhiên, thương lái chỉ thu mua lúa bị ngập lũ có 1.500-2.000 đồng/kg, không đủ vốn đầu tư. Vụ này hầu hết những diện tích lúa Thu đông ngoài đê bao và lúa bị ngập lũ xem như thua trắng”.

Ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn (An Giang), cho biết: “Đến nay, nông dân trong huyện đã xuống giống 13.088ha lúa Thu đông; trong đó có hơn 8.000ha lúa nằm ngoài đê bao. Nguyên nhân của việc sản xuất lúa Thu đông ào ạt ngoài đê bao là do người dân chủ quan bởi những năm trước lũ nhỏ; bên cạnh đó, nhiều hộ đã thuê đất nên tăng cường canh tác 3 vụ/năm nhằm tăng nguồn thu… Tuy nhiên, năm nay nước lũ về sớm khoảng 1 tháng và mực nước rất cao khiến nhiều khu vực sản xuất lúa ngoài đê bao bị vỡ bờ bao, gây ngập lúa. Đã có hơn 720ha lúa Thu đông (ngoài đê bao) bị thiệt hại và nhiều diện tích lúa khác đang bị nước lũ uy hiếp. Hiện ngành chức năng của huyện tập trung bảo vệ hơn 2.000ha lúa Thu đông ở các khu vực xung yếu”.

Bảo vệ sản xuất và tính mạng người dân

Trong khi đó, mực nước ở khu vực một số xã vùng biên huyện Giang Thành (Kiên Giang) lên rất nhanh. Mặc dù không có mưa nhưng chỉ trong vòng một đêm mực nước ở các cánh đồng có thể lên từ 1-2cm. Điều đáng nói hơn là nhiều tuyến đê bao ở các xã thuộc huyện Giang Thành có thể bị nước đe dọa bất cứ lúc nào. Vụ Hè thu năm nay, chỉ riêng xã Vĩnh Điều và Vĩnh Phú đã có hơn 3.000ha lúa được gieo sạ. Hiện chỉ có khoảng 1.000ha lúa có thể thu hoạch sớm chạy lũ. Vì vậy, đến thời điểm này, Đồn biên phòng Vĩnh Điều (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) đã đưa gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp người dân thu hoạch hơn 70% diện tích lúa bị ngập nước ở các xã trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, lo lắng: Hiện tại, nước lũ lên nhanh và đe dọa một số diện tích lúa ở huyện biên giới Giang Thành. Song, càng lo hơn khi nước lũ đang tràn mạnh về vùng tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang. Hiện tại, ở 3 huyện Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành có khoảng 40.000ha lúa Hè thu còn hơn 1 tháng nữa mới tới kỳ thu hoạch; như vậy, nếu nước lũ đổ về mạnh thì diện tích lúa trên sẽ rất nguy cơ. Tình hình cấp bách này, Sở NN&PTNT đang phối hợp cùng các huyện, các ngành liên quan… nhanh chóng gia cố đê bao, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm rút nước; tuyên truyền cho người dân đề cao cảnh giác và theo dõi sát mực nước lũ để cùng nhau phòng, chống. Quan điểm là nỗ lực hết sức nhằm bảo vệ 40.000ha lúa, nếu trường hợp cấp bách lũ dâng cao thì sẽ chọn phương án “cứu” từng khu vực, từng ô bao… không để thiệt hại tràn lan.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến nay đã có khoảng 23ha cây trồng ở các huyện Hồng Ngự, Tháp Mười, Lấp Vò… bị thiệt hại do lũ. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, các xã… sẵn sàng mọi phương án ứng phó với lũ diễn biến phức tạp. Những ngày qua chính quyền các xã di dời hàng trăm hộ dân vùng sạt lở đến nơi ở an toàn; thành lập hơn 460 chốt cứu hộ, cứu nạn ở những khu vực xung yếu, nguy hiểm nhằm hỗ trợ người dân kịp thời nếu có tình huống xảy ra. Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu các sở ngành, các huyện, thị xã… chủ động ứng phó với nước lũ lên nhanh và thiên tai; chú trọng phòng, chống đuối nước ở trẻ em trong mùa lũ. Phía Sở NN&PTNT tiến hành rà soát, xây dựng các kịch bản ứng phó khi đỉnh lũ ở mức báo động II, báo động III và nếu xảy ra tình trạng vượt báo động III thì sẽ ứng phó thế nào. Đồng thời, xây dựng kịch bản khắc phục sạt lở bờ sông, di dời dân cư… trên tinh thần chủ động ứng phó, bảo vệ an toàn tính mạng người dân và giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Ông Lê Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) cho biết, cùng với bảo vệ sản xuất nông nghiệp thì huyện đang lên kế hoạch thành lập 13 điểm đưa rước hơn 1.000 học sinh vùng lũ đến trường nhằm đảm bảo an toàn cho các em. Các điểm đưa rước được trang bị áo phao và hỗ trợ nhiên liệu hoạt động. Ngoài ra, thành lập nhiều điểm giữ trẻ tập trung trong mùa lũ, với phương châm bảo vệ an toàn cho các trẻ…

Theo Báo Hậu Giang