Đồng bào Khmer đón mừng năm mới

06/04/2018 - 06:38

 - Năm nay, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay diễn ra trong các ngày 14, 15, 16-4. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất của đồng bào Khmer. Trong 3 ngày Tết cổ truyền, bà con dân tộc Khmer tập trung vào chùa lễ Phật, cầu kinh, chúc phúc, cúng dường các chư tăng và ông bà, cha mẹ...

Điểm sáng văn hóa cộng đồng

Đối với đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam Tông, chùa là nơi diễn ra lễ hội tôn giáo, lễ nghi nông nghiệp và là nơi sinh hoạt cộng đồng của phật tử trong các phum, sóc.

Hòa thượng Chau Phrốs, trụ trì chùa Thom Mit (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên,  An Giang) cho hay, mừng Tết cổ truyền còn là ngày sum họp gia đình, con cháu phật tử trong các phum, sóc đi làm ăn xa đều tụ họp về. Trước hết là viếng chùa, lễ Phật, cầu kinh chúc phúc và mong làm ăn phát đạt, mọi sự tốt lành. Sau đó, người lớn gặp gỡ, thăm hỏi công việc làm ăn sau 1 năm.

Do vậy, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tính cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer. Vào ngày Tết cổ truyền, bà con sẽ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên nhưng mọi hoạt động vẫn tập trung tại chùa.

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, mỗi ngày của Tết Chol Chnam Thmay đều có hoạt động và nghi thức thực hiện khác nhau. Vào ngày đầu tiên, đón chư thiên năm mới, các nghi thức đón giao thừa, cầu an. Ngày thứ 2, chủ yếu dâng cơm cho các vị sư, sãi và tổ chức nghi thức lễ đắp núi trong khuôn viên chùa, với ý nghĩa tưởng nhớ đến tháp xá lợi Phật, tạo ra phước duyên. Ngày thứ 3, diễn ra nghi thức quan trọng nhất đó là dùng nước ướp hoa thơm đến tắm tượng Phật.

Theo sư Thạch Phong, chùa Kal Bô Prưk (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn,  An Giang), bên cạnh tưởng nhớ công ơn của đức Phật thì nghi thức này còn mang ý nghĩa giúp con cháu nhớ đến công lao của vị Phật sống tại nhà mình, đó là: ông bà, cha mẹ. Đặc biệt, trong những ngày Tết cổ truyền, đồng bào Khmer còn tổ chức thỉnh các vị sư đến tháp, mộ để cầu siêu cho ông bà, cha mẹ. Đây là nghi lễ thực hiện theo truyền thống của đức Phật thời xa xưa.

Ảnh: ÁNH NGUYÊN

Niềm vui năm mới

Trong những ngày diễn ra Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay đường vào các chùa trong phum, sóc ở các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn... được trang hoàng cờ hoa lộng lẫy, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Những ngày đầu tháng 4, đồng bào Khmer ở huyện Tri Tôn hân hoan đón mừng sự kiện khánh thành chánh điện chùa Pray Veng (trị trấn Tri Tôn) sau 5 năm xây dựng.

Theo thầy Chau Mô Ni Sóc Kha, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn (Tri Tôn, An Giang), sau thời gian trùng tu, sửa chữa, khu vực chánh điện đã được hoàn thành khang trang theo đúng kiến trúc truyền thống. Đối với đồng bào Khmer ở địa phương, cùng với không khí đón Tết cổ truyền thì đây là sự kiện góp thêm niềm vui chung.

Khánh thành chánh điện chùa Pray Veng (Tri Tôn)

Nhằm tạo điều kiện cho người dân đến tham quan, lễ Phật, các vị sư, sãi ở chùa Kal Bô Prưk đang tiến hành trang trí khuôn viên chùa và khẩn trương hoàn thiện công trình tượng Phật cao 17m vào đúng dịp đón năm mới. Ngoài tượng Phật, còn nhiều công trình phụ như: bệ đỡ, nhà hành thiền... tiếp tục được hoàn thành trong thời gian tới.

Theo sư Thạch Phong, trong thời gian qua, chùa là điểm mở các lớp Sơ cấp Phật học, các lớp Khmer ngữ nhằm giúp người dân bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. “Đồng bào Khmer ở địa phương tiến bộ từng ngày, từ chuyện cho con học hành đến ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, trình độ dân trí, kinh tế nâng lên thấy rõ...” - sư Thạch Phong cho biết.

Ảnh: THÀNH CHINH - KIM LUẬN

Năm nay, thời vụ thu hoạch lúa đông xuân trùng khớp với Tết Chol Chnam Thmay, bà con Khmer ở các địa phương ai nấy cũng vui mừng, phấn khởi vì giá lúa và năng suất đều ở mức cao. Hiện tại, năng suất đạt, kèm theo giá lúa được thương lái thu mua tại ruộng là 5.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận trên 2 triệu đồng/công.

Nhìn về cánh đồng lúa Hồng Ngọc Óc Eo, Huyền Ngọc Óc Eo được canh tác theo quy trình sản xuất lúa sạch, ông Danh Dưỡng (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) cho biết, công ty liên kết đã đưa ra giá 6.500 đồng/kg lúa tươi, còn lúa khô là 8.000 đồng/kg.

“Khoảng 1 tuần nữa, bà con ở địa phương sẽ thu hoạch rộ vụ đông xuân, kết thúc mùa màng trong niềm vui trúng giá. Xong mùa, cũng vừa kịp dọn dẹp, trang trí nhà cửa chuẩn bị, mua sắm lễ vật mang vào cúng chùa đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm...” - ông Danh Dưỡng phấn khởi chia sẻ với chúng tôi.

ÁNH NGUYÊN