Đồng bào Khmer trong ngày Tết Nguyên đán

16/02/2018 - 01:30

 - Đồng bào Khmer Nam Bộ có ngày Tết cổ truyền riêng, đó là Tết Chol Chnam Thmay. Tuy nhiên, đến ngày Tết Nguyên đán, người Khmer vẫn dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, sum vầy bên gia đình gói bánh, đến chùa lễ Phật... như ngày Tết của dân tộc Kinh.

Sắc xuân ở phum, sóc

Thời gian qua, bằng nhiều chương trình, dự án đầu tư, phát triển miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số...đời sống của đồng bào Khmer ở các địa phương có nét khởi sắc. Kinh tế ổn định, nhà cửa tươm tất, con em được đến trường, đồng bào Khmer đón Tết Nguyên đán xôm tụ hơn. Thời điểm giáp Tết là lúc bà con Khmer ở ấp Tô Thuận (xã Núi Tô, Tri Tôn) thu hoạch xong vụ lúa đặc sản Nàng Nhen và xuống giống lúa đông xuân. Nơi đây, người dân chủ yếu canh tác lúa ruộng trên, phụ thuộc nhiều vào nguồn nước mưa nên trước đây kinh tế có phần khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, địa phương có nhiều chương trình hỗ trợ về kỹ thuật, bà con đã biết canh tác lúa xen các vụ màu để cải tạo đất, tăng thu nhập. “Năm nay, lúa bán có giá nên ai cũng phấn khởi, bởi Tết Nguyên đán có tiền sắm sửa các vật dụng trong gia đình” - ông Chau Am, Trưởng ban Nhân dân ấp Tô Thuận (xã Núi Tô, Tri Tôn) phấn khởi cho biết. Do cùng sinh sống, giao lưu, làm ăn hoặc có mối liên kết trong hôn nhân giữa các dân tộc anh em, đồng bào Khmer trong khắp các phum, sóc đều tổ chức vui xuân, đón Tết trong không khí vui tươi, nhộn nhịp không kém phần so với người Kinh.

Ngoài các ngày lễ, Tết của dân tộc Khmer, mấy năm nay, gia đình ông Danh Văn Dưỡng (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) tổ chức ăn Tết Nguyên đán sung túc, ấm cúng. Ông Dưỡng là “cha đẻ” của giống lúa đặc sản Hồng Ngọc Óc Eo, được nhiều công ty trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với diện tích lớn. Nhờ vậy, gia đình ông Dưỡng có kinh tế ổn định, góp phần thay đổi đời sống của các thành viên trong Tổ hợp tác sản xuất lúa Hồng Ngọc Óc Eo ở địa phương. Theo ông Dưỡng, không riêng gia đình ông mà trên 3.000 người Khmer ở thị trấn Óc Eo đều ăn Tết giống như người Kinh. Gia đình nào có con đi làm xa thì mấy ngày Tết cũng tụ họp về với gia đình, trước là đến chùa lễ Phật, sau vui chơi tại nhà hoặc đi du xuân ở những điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. “Đó là sự giao lưu văn hóa, ở đây người Khmer cũng ăn Tết Nguyên đán và  đến Tết Chol Chnam Thmay, bà con người Kinh đến chung vui cùng chúng tôi. Nhà này gói bánh đem cho nhà kia, mùng 1, mùng 2 Tết đến chúc những điều tốt lành trong năm mới và lì xì cho các cháu nhỏ” - ông Dưỡng giải thích.

Đón xuân đầm ấm

Tuy gia đình không có nhiều ruộng đất, nhưng vợ chồng ông Chau Sóc Bai và bà Neang Kim Hoàng (thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn) đã nuôi 5 người con học thành tài. Đến nay, con cái của ông, bà đã lập gia đình và ở riêng, Tết Nguyên đán hàng năm là dịp gia đình sum họp. “Mấy đứa con đều đi làm việc và chỉ có Tết được nghỉ dài nhất nên tranh thủ về nhà thăm cha mẹ, gặp gỡ anh, chị em”- bà Kim Hoàng cho hay. Theo bà Neang Kim Hoàng, người Khmer ăn Tết Nguyên đán cũng giống như người Kinh, gói bánh tét, cúng rước ông bà, đón giao thừa. Bà con xem đây là dịp để gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ đến ông bà. 

Là người dân tộc Khmer, thầy Chau Mo Ni Sóc Kha, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn (Tri Tôn) rất am hiểu và có nhiều nghiên cứu về văn hóa của dân tộc mình. Thầy Sóc Kha cho biết, theo quan niệm của đồng bào dân tộc Khmer, trong các ngày Tết, chùa chính là điểm hành lễ, nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tôn nghiêm, mang tính cộng đồng. Mọi người cùng sắm sửa lễ vật, ăn mặc tươm tất đến chùa cúng ông bà tổ tiên, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. “Tết Nguyên đán, bà con Khmer đến chùa vào ngày 30, mùng 1 để cầu phúc cho cha mẹ, các ngày còn lại dành thời gian sum họp gia đình hoặc vui chơi dịp xuân” - thầy Sóc Kha giải thích.

Tết Nguyên đán, một số chùa ở các địa phương còn tổ chức múa Lâm Thôn vào những ngày đầu năm mới. Vậy là từng đoàn người đến chùa lễ Phật xong có thể tham gia múa, hát, vui chơi cùng nhau. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Tết Nguyên đán thường diễn ra lễ cưới hỏi hoặc lễ giáp lời của 2 bên trai, gái. “Tết Nguyên đán là dịp để trở về sum họp với gia đình, rước ông bà. Đặc biệt, vào ngày Tết có thêm chuyện cưới xin vui vẻ thì niềm vui tăng gấp bội” - thầy Sóc Kha chia sẻ.

“Những năm gần đây, bà con Khmer chi tiêu tiết kiệm trong các dịp lễ, Tết truyền thống. Riêng Tết Nguyên đán, bà con chỉ vui chơi vài ngày rồi bắt tay vào sản xuất, làm ăn. Đây là dịp để đồng bào Khmer thắt chặt tình đoàn kết với đồng bào Kinh” - hòa thượng Chau Chanh, sư trụ trì chùa Kal Bô Prưk (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) chia sẻ.

 

ÁNH NGUYÊN