Đồng hành cùng học sinh trong kỳ thi THPT quốc gia

15/05/2018 - 06:40

 - Hàng năm, cứ vào thời điểm này, Trường THPT Cần Đăng (xã Cần Đăng, Châu Thành, An Giang) tiếp tục thực hiện mô hình phụ đạo thêm cho các em học sinh (HS) lớp 12 có học lực trung bình - yếu. Ở lớp học này, giáo viên (GV) sẽ chuẩn bị hành trang không chỉ là kiến thức, mà còn có những lời động viên, chia sẻ về định hướng tương lai, giúp các em tự tin, đạt kết quả tốt.

Nhà trường hết lòng

Theo thầy Nguyễn Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường THPT Cần Đăng, dựa theo kết quả của kỳ thi học kỳ 2 vừa rồi và bảng điểm tổng kết cuối năm của HS khối lớp 12, Ban Giám hiệu sẽ tập hợp các em có “nguy cơ” rớt tốt nghiệp vào 1 lớp học riêng để phụ đạo thêm. Cụ thể, ngoài những kiến thức chung, sẽ bồi dưỡng, phụ đạo thêm cho các em ở 3 môn chính: Toán, Ngữ văn, Anh văn.

“Đầu tiên sẽ thông báo đến các phụ huynh về mục đích và hoạt động của lớp học. Sau đó tập hợp HS để làm công tác tư tưởng, khuyên các em cố gắng học tập, nhà trường sẽ hỗ trợ, kiến thức nào hỏng thì sẽ bổ sung cho các em để đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi sắp tới. Quan trọng và cần nhất vẫn là sự hợp tác từ phía các em HS, như vậy thì kết quả mới đạt được như mong muốn” - thầy Tuấn thông tin.

Ban quản lý lớp học đều là lãnh đạo của trường, tiến hành điểm danh hàng ngày, HS nào vắng mặt sẽ thông báo ngay đến phụ huynh. Qua nhiều năm triển khai, hiệu quả của mô hình này rất đáng phấn khởi, tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp THPT hàng năm đều đạt kết quả cao, trong đó có 35-40% HS đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.

“Đối với các em HS chịu học, nhà trường sẽ nỗ lực hết mình bằng nhiều phương pháp giúp các em có kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia, có thể không đạt điểm cao nhưng đủ điểm đậu là điều đáng mừng”- thầy Tuấn chia sẻ.

Bằng phương pháp giảng dạy tích cực, Trường THPT Cần Đăng (Châu Thành) đã giúp nâng tỷ lệ HS đạt kết quả cao trong  kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia.

Bằng phương pháp giảng dạy tích cực, Trường THPT Cần Đăng (Châu Thành) đã giúp nâng tỷ lệ HS đạt kết quả cao trong  kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia.

Bên cạnh đó, nếu HS nào có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa không về được, buổi trưa nhà trường hỗ trợ đồ ăn uống, chỗ nghỉ ngơi, hoặc giới thiệu các điểm ăn miễn phí. Riêng đối với HS học yếu, hoàn cảnh khó khăn thì có quỹ khuyến học của trường sẽ hỗ trợ các em.

“Sau nhiều năm, một số HS trước đây tham gia lớp phụ đạo, nay đang theo học các trường cao đẳng, trung cấp đã quay về trường và cám ơn thầy, cô. Các em nhận ra trước đây do ham chơi, không lo học nếu không nhờ thầy, cô dìu dắt trong đợt nước rút cuối cấp đã không có kết quả như hôm nay...” - thầy Tuấn cho biết.

Giáo viên tâm huyết

Đã nhiều năm đảm nhận dạy phụ đạo cho “lớp học đặc biệt”, cô Lê Thị Kiều Diễm, GV môn Ngữ văn đã chuẩn bị tâm lý rèn luyện kiến thức cho HS từ đầu năm học.

Theo cô Diễm, Trường THPT Cần Đăng là trường vùng ven, mặt bằng đầu vào thấp so với nhiều trường khác. Chính vì thế, từ đầu năm học, đối với khối lớp 12 thì cũng có ít nhất khoảng 30 - 32 HS ngấp nghé ngưỡng rớt tốt nghiệp. Do vậy, mỗi GV đều tìm cho mình phương pháp tiếp cận với HS. Đó không chỉ dừng lại ở chuyện cung cấp kiến thức cho HS, mà còn là chia sẻ, nắm bắt được tâm lý của các em.

“Có em học nhưng ít quan tâm đến chuyện là thi đậu hay rớt mà học vì thương người thầy này, người cô kia nhiệt tình giảng dạy nên có ý học”- cô Diễm giải thích.

Do là ở vùng nông thôn, nên các em vẫn mang tâm lý, dù có thi rớt vẫn có thể về làm ruộng tiếp ba, hoặc học nghề nào đó; nữ thì ở nhà bán tiệm tạp hóa tiếp mẹ... vẫn có thể sống khá, sống tốt.

Theo cô Diễm, với vai trò của người GV, những lúc này cần phải gặp gỡ, chia sẻ, định hướng tư tưởng cho các em. Có thể vừa dạy, vừa tâm sự với các em, các em sẽ hiểu ra được vấn đề, nếu làm tốt công tác này sẽ giúp các em có động lực cho giai đoạn nước rút.

“Có một số em mong muốn được vào lớp học này củng cố kiến thức, vì đôi khi ở lớp học bình thường, với chương trình chung các em có thể không theo kịp. Từ đó, sẽ sinh ra tâm lý chán nản rồi buông bỏ việc học. Đây là cơ hội để các em bắt đầu lại từ đầu...” - cô Diễm phân tích.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích