Đồng Tháp: Đầu năm Du xuân Làng hoa Sa Đéc

11/01/2018 - 20:38

Về Đồng Tháp không thể bỏ qua một địa điểm hấp dẫn, đặc biệt vào dịp tết đến, xuân về đó chính là làng hoa Sa Đéc.

A A

Đến đây để cảm nhận thấy mùa xuân - mùa của trăm hoa đua nhau khoe sắc, cánh én báo hiệu sắc xuân đang tràn ngập khắp nẻo đường đất Việt.

Làng hoa Sa Đéc thuộc xã Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây được xem là làng nghề truyền thống cả trăm năm, nằm bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng và được mệnh danh là xứ sở của các loài hoa kiểng. Bên cạnh đó là sự tài hoa trong đôi tay, đôi mắt của những nghệ nhân nơi đây, kết hợp với thời tiết, khí hậu thích hợp khiến trăm hoa càng thêm thắm sắc.

Làng hoa Sa Đéc trong không khí mùa xuân đang về.

Hơn một trăm năm qua, Sa Đéc nổi tiếng khắp cả nước với nghề truyền thống, nghề trồng hoa kiểng. Vùng đất này được thiên nhiên ưu ái ban tặng những thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho nghề trồng hoa.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, nơi đây đã nổi tiếng về sự hưng thịnh. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí nói Sa Đéc (Đồng Tháp) là vùng “lưu thông quán khái” (sông sâu nước chảy), đất đai phì nhiêu, giao thông thủy tiện lợi, nối liền hai miền sông Tiền và Hậu Giang. Lần hồi, với vị trí địa lý đặc biệt của mình, “Sa Đéc vừa là trung tâm sản xuất vừa là trung tâm thu gom, tập kết lúa gạo, lâm thủy sản và hàng hóa của địa phương, rồi dùng phương tiện vận tải thủy, chuyên chở lên bán tận Sài Gòn, Nam Vang và nhiều nơi khác, rồi thu mua hàng hóa ở các nơi này, chở về bán lại cho địa phương nhà”.

Tương truyền, ngày xưa có nàng Psardek, con gái chúa đất họ Thạc, đã phải lòng một chàng trai nghèo. Phản đối mối tình này, cha nàng đã sai người trói chàng trai lại và thả trôi sông. Nàng Psardek buồn tình nên đã đi tu. Về sau, khi cha mất, nàng dùng tài sản của gia đình để làm từ thiện, tu bổ đường xá, xây cất chợ búa. Từ đó người ta gọi chợ và vùng này là Psardek, lâu ngày đọc trại thành Sa Đéc.

Lịch sử hình thành nên làng hoa kiểng Sa Đéc là cả một quá trình theo chiều dài của lịch sử dân tộc. Trước đây, làng hoa thuộc Đông Khẩu Đạo của vùng đất có tên là Tầm Phong Long do chúa Nguyễn giao cho Nguyễn Cư Trinh lập thành, giao đất cho dân khai hoang canh tác. Trong quá trình đó, họ đã tìm thấy những giống cây mới, có dáng đẹp và được để nhà trồng, chăm sóc, đặt vào chậu nâng niu, rất độc đáo. Kể từ đó, nhiều người hiếu kỳ, đam mê cái đẹp của những loài hoa, họ tìm đến để thưởng ngoạn, sau đó mua lại những chậu hoa kiểng này, rồi dần dần hình thành nghề truyền thống trồng hoa kiểng.

Làng hoa Sa Đéc hay được người dân địa phương gọi là làng hoa Tân Quy Đông, bởi vì chính nơi đây là cái nôi của làng hoa Sa Đéc, gắn bó và đã cắm rễ ở đây từ thời nhà Nguyễn. Cái tên Tân Quy Đông được giải thích rất thân quen, “Tân Quy” có nghĩa là nơi dân chúng quy tụ lại “mới quy phục”. Còn “Đông” là do thời vua Gia Long ở huyện Vĩnh An có hai thôn “Tân Quy”, lấy sông Sa Đéc làm ranh, thôn Tân Quy nằm về hướng đông nên gọi là “Tân Quy Đông” còn thôn Tân Quy nằm về hướng tây nên gọi là “Tân Quy Tây”.

Để có được nên làng hoa ngày hôm nay đó là nhờ vào bàn tay những nghệ nhân khéo léo, đa tài, yêu hoa, có cốt cách, linh hồn, cái tâm của nghệ nhân, tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của vùng đất, của con người Sa Đéc. Trải qua nhiều giai đoạn, những năm đầu thế kỷ XIX, làng nghề hoa kiểng được hình thành, cho đến những năm cuối thế kỷ vẫn chưa phát triển, chưa bán được nhiều nơi, còn bó hẹp trong tỉnh. Nhưng đây cũng là những bước định hình đầu tiên cho sự phát triển của làng nghề hoa kiểng vượt bậc như hiện nay.

Tiếp đó, đất nước có nhiều chuyển biến về kinh tế và xã hội, tạo cho hoa kiểng bước một bước thật dài. Lúc này, thực dân Pháp đang tiến hành khai thác triệt để tài nguyên nước ta nên đã đầu tư xây dựng đường giao thông vào những năm 1930 đến năm 1945. Chính nhờ như vậy đã tạo điều kiện cho hoa kiểng Sa Đéc phát triển ngang tầm với các xứ hoa trong cả nước. Cứ như vậy, mỗi độ xuân về, đường bộ lẫn đường thủy đều nhộn nhịp hẳn lên. Người người, nhà nhà đua nhau vận chuyển những giỏ hoa xuống ghe, xuồng để mang đến khắp nơi ở miền Nam, đặc biệt là ở những chợ xuân.

Có thể nói, làng hoa kiểng Sa Đéc thật sự gặp khó khăn nhất là giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975 khi nước nhà đầy cảnh đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Cũng vì thế, có một số gia đình chán nghề, bỏ hẳn việc trồng hoa hay vì ra chiến trường mà gác lại việc trồng hoa. 

Thời gian sau năm 1975 đến nay, làng hoa Sa Đéc mới bắt đầu phát triển trở lại, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn nên sản xuất tăng nhanh. Làng hoa Sa Đéc một trong những làng hoa lớn nhất Việt Nam, có diện tích trên 250ha với gần 2.000 hộ làm nghề. Ở đây có tới 1.000 chủng loại hoa. Nhờ sự khéo léo của người trồng hoa, chăm hoa, nhờ khí hậu thích hợp, hoa Sa Đéc đẹp có tiếng. Hoa Sa Đéc được xuất đi các tỉnh thành và cả sang Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Nơi đây trồng nhiều loại hoa và cây cảnh, đặc biệt hoa hồng và cây hổ phách là mặt hàng xuất khẩu, vẻ đẹp rực rỡ khoe sắc, nét độc đáo trong những cây kiểng được tạo nên từ những bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Khi cánh én báo hiệu mùa xuân đã đến, cũng là lúc vườn hoa vào hội. Đoàn tàu, xe tấp nập đổ về, đủ các loài hoa kiểng đua nhau khoe sắc, khoe màu trong ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Sa Đéc bên bờ sông Tiền lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng, là xứ sở của hàng trăm loài ‘kỳ hoa dị thảo”, nhiều loại cây quí hiếm, tuổi thọ hàng trăm năm. Có những loại cây vô cùng bình dị, gần gũi với đời sống người lao động như: khế, cau, sung, si, mai… với tâm hồn nghệ sĩ, sự khéo léo của những nghệ nhân đã trở thành hình dáng đẹp lạ.

Khi đến nơi đây, du khách có thể thỏa mãn sở thích ngắm hoa, hương thơm nồng nàn, màu sắc rực rỡ của hơn 50 giống hoa hồng, nhiều màu sắc từ hồng, phớt, vàng đến tím. Trong đó có hồng nhưng đỏ thắm, hồng Grada tím sen, hồng Cleopatre màu hồng phấn, hồng Korokit màu gạch tôm nhạt, hồng Masseille màu trắng, hồng Elizabet phơn phớt hồng, hồng Confidence màu vàng hột gà, hồng Maccasa màu cam…

Lan Hồ Điệp một trong những giống hoa lan có mặt ở làng hoa Sa Đéc.

Lần đầu đến đây được tận mắt ngắm nhìn muôn hoa nở rộ rực rỡ, thi nhau khoe sắc, mang lại không khí xuân ngập tràn vào tháng Chạp hàng năm. Được thỏa thích chụp ảnh bên những bông hoa tuyệt đẹp mà chỉ có ở làng hoa Sa Đéc.

Hoa kiểng Sa Đéc không chỉ mang lại nguồn kinh tế cao cho địa phương mà còn là nơi thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Hoa kiểng không chỉ là thứ hàng hóa đặc thù mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đem lại giá trị văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ, bảo vệ môi trường sinh thái. Với sự phát triển nhanh chóng của Đồng Tháp, tin rằng làng nghề sẽ ngày càng được đầu tư phát triển để xứng tầm là một điểm đến du lịch lý thú mang sắc thái độc đáo riêng của vùng đồng bằng Sông Cửu Long vào mỗi độ xuân về, mang màu sắc quê hương đến với không khí tết cổ truyền của dân tộc.

Theo HỒNG MUỘI (Gia đình và Pháp luật)