Đồng Tháp: Để mô hình Hội quán nông dân vươn xa

03/03/2018 - 14:35

Tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đến nay mô hình Hội quán ở Đồng Tháp chứng minh được đây là hình thức liên kết tự nguyện của bà con nông dân, là nơi cùng “nói nhau nghe, nghe nhau nói” và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

A A

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan - người luôn tâm huyết với mô hình Hội quán nông dân

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Họp bàn chuyện nhà, chuyện đất, chuyện vườn, tính chuyện sản xuất an toàn cho trái xoài, trái nhãn, lúa sạch, thỏa thuận hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp... là những nội dung được bà con nông dân đem ra bàn bạc, thảo thuận tại các Hội quán nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có 36 Hội quán chính thức đi vào hoạt động.

Là người truyền lửa cho mô hình từ những ngày đầu, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan luôn tham dự những buổi nói chuyện thường kỳ của các Hội quán. Cách tiếp cận vấn đề và xây dựng ý tưởng cho Hội quán cũng xuất phát từ những trải nghiệm thực tế của ông qua nhiều lần tiếp xúc với người dân và hiểu được rằng, họ đang thiếu một kênh liên kết gần gũi, một nơi để chia sẻ những câu chuyện đời sống. Vì thế, Hội quán được thành lập theo nhu cầu của người dân về việc tổ chức một không gian chia sẻ của riêng họ, vận động, khuyến khích những “hạt nhân” tích cực làm nòng cốt.

Là một trong những Hội quán được thành lập đầu tiên trong tỉnh, đến nay, Đồng Tâm Hội quán của bà con nông dân ấp Tịnh Long, xã Tịnh Thới (TP.Cao Lãnh) có hơn 32 thành viên. Đồng Tâm Hội quán duy trì sinh hoạt định kỳ 2 tuần/lần vào 15 giờ ngày thứ sáu các ngày 15 và 30 hằng tháng.

Để phù hợp với xu thế, Đồng Tâm Hội quán sinh hoạt theo chuyên đề. Cùng dự buổi sinh hoạt với bà con nông dân ở đây mới thấy rõ sự đồng lòng, quyết tâm của người dân trong việc cùng nhau bắt tay làm ăn kinh tế, chăm lo chuyện xóm, chuyện làng. Là thành viên luôn tâm huyết với hoạt động của Hội quán, anh Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: “Tôi sẽ cùng với bà con nghiên cứu và sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo trái xoài sạch, đủ tiêu chuẩn vào các siêu thị và hướng đến xuất khẩu”.

Tương tự, Canh Tân Hội quán của nông dân 3 ấp: An Hòa, Tân An và Tân Hòa thuộc cù lao An Hòa, xã An Nhơn (huyện Châu Thành) đã và đang phát triển tốt và nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân canh tác nhãn nơi đây. Sau hơn 1 năm hoạt động, Canh Tân Hội quán không chỉ là nơi để bà con hội viên trao đổi những kinh nghiệm sản xuất, những cơ hội làm ăn mới mà giúp kết nối doanh nghiệp với nhà vườn.

Với mục tiêu mang lại lợi ích chung cho thành viên, ngày 11/11/2017, các thành viên Canh Tân Hội quán đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông sản an toàn An Hòa. Điểm đặc biệt là trong 120 thành viên, ngoài bà con nông dân còn có các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra. Từ bộ máy lãnh đạo đến cách thức hoạt động đều đáp ứng tình hình mới.

Phấn khởi trước việc thay đổi lớn này, ông Chung Hoàng Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông sản an toàn An Hòa cho biết: “Bắt đầu sinh hoạt mô hình Canh Tân Hội quán từ năm 2016, các thành viên đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm. Từ đầu năm 2017, hoạt động dần ổn định và bà con tự nhận thấy rằng, làm ăn hộ cá thể không còn mang lại hiệu quả cao nên cùng nhau vận động thành lập HTX, bước vào mô hình làm ăn tập thể nhằm nâng cao chuỗi giá trị”.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhận định: “Các Hội quán tuy chỉ đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng bước đầu đã mang đến một sinh khí mới. Trước tiên là tính tự nguyện, tự chủ của bà con tham gia. Mọi người vui vẻ, chan hòa, đoàn kết, không theo mô thức quen thuộc kiểu “trên bảo, dưới nghe”, không dài dòng, nặng nề hình thức. Quan trọng hơn hết, giữa các thành viên phải có niềm tin với nhau, có niềm tin là có tất cả để mang lại lợi ích chung”.

Hướng tới hợp tác sản xuất lớn

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, hiện nay, tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể bắt đầu từ HTX. Hiện tư duy sản xuất nông nghiệp đã không tồn tại mà chỉ còn tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó lấy chất lượng là tiên phong. Có thể nhìn nhận, Hội quán không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa những người nông dân với nhau hay giữa người dân với chính quyền, mà còn là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản. Chỉ khi các hộ nông dân tìm được tiếng nói chung thì mới không bị xé lẻ, thao túng bởi thương lái và có thể đảm bảo được vùng nguyên liệu lớn hơn cho các doanh nghiệp.

Như mô hình liên kết sản xuất trong nông dân ở Hội quán Thành Tâm (huyện Lai Vung) đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên từ sản xuất nông sản sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng xã hội. Trong các buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm Hội quán đã mời các nhà khoa học về nói chuyện hướng dẫn bà con các kỹ thuật canh tác mới trồng ra trái cây sạch, ít sử dụng phân thuốc để tiết kiệm chi phí sản xuất và đáp ứng yêu cầu thị trường, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Tống Văn Phong - Chủ nhiệm Hội quán Thành Tâm: “Đến nay, Hội quán đã hoàn thành các quy trình giúp bà con giảm giá thành đối với sản xuất trái cam và quýt đường sạch, chất lượng cao, đã triển khai thực hiện mô hình điểm tại nhà vườn thành viên để đánh giá và hoàn thiện trước khi nhân rộng cho các thành viên trong Hội quán. Khi các nhà vườn đã làm ra trái cây sạch, đảm bảo chất lượng thì chúng tôi bao tiêu sản phẩm, tạo niềm tin cho nhà vườn thành viên để bà con an tâm sản xuất, không sợ “được mùa mất giá” hay lâm vào cảnh chờ giải cứu nông sản”.

Để được như vậy thì không chỉ phải sản xuất sạch mà cần phải tăng cường liên kết doanh nghiệp để tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, Thành Tâm Hội quán đang hợp đồng cung cấp 2 mặt hàng là quýt đường và cam xoàn cho Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup và đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các nhà vườn thành viên Hội quán đảm bảo theo quy trình sản xuất sạch đạt chất lượng. Qua thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ước tính thu nhập của các nhà vườn tăng từ 15 - 25% so với trước đây do đảm bảo giá cả ổn định.

Thành Tâm Hội quán vững tin trên bước đường hội nhập

Như vậy, thực tiễn bước đầu hoạt động của các Hội quán, một mô hình liên kết tự nguyện, không biên chế, không ngân sách đã bắt đầu có hiệu quả. Không gian của các Hội quán phần nào có thể khỏa lấp được khoảng trống về nhu cầu liên kết, chia sẻ thông tin của người nông dân.

Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát triển bền vững theo đúng nghĩa là một tổ chức xã hội của người dân, thì cách tiếp cận cần được duy trì xuyên suốt, tức là chính quyền khuyến khích người dân tự thành lập các Hội quán, sau đó chỉ là “cầu nối” để các Hội quán tiếp xúc với doanh nghiệp và các chuyên gia tư vấn về kỹ thuật và quản trị sản xuất hoặc phát triển cộng đồng chứ không “nghĩ thay”, “làm thay” hay “chỉ đạo” hoạt động của các Hội quán.

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban dân vận Trung ương nhận định: “Đồng Tháp đang nỗ lực trong việc tạo không gian cho người dân, để họ tự làm chủ trong cuộc sống của họ, trong cộng đồng của họ”.

Theo HOÀI MINH (Báo Đồng Tháp)