Đồng Tháp: Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp có hiệu quả

10/11/2018 - 08:28

Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Tháp lãnh đạo đổi mới công tác quản lý ngân sách nhà nước, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất công nghiệp, đô thị; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, tạo điều kiện thúc đẩy khởi nghiệp có hiệu quả.

A A

Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.600 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp chế biến gạo hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Lấp Vò

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng

Năm 2018, Ban cán sự đảng lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện theo lộ trình các kế hoạch cụ thể hóa thực hiện các nghị quyết, kết luận chuyên đề của Tỉnh ủy. Đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư tổ chức thi công hoàn thành các công trình Trung ương triển khai trên địa bàn. Đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình giao thông quan trọng. Hiện đang tập trung chuẩn bị các thủ tục liên quan để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự. Các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc được triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, cơ bản đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình, dự án chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch như: đường Nguyễn Sinh Sắc, đường Hoàng Sa, đường Trần Thị Nhượng (TP.Sa Đéc); hệ thống giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Sự tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng trong thời gian qua đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp thuận lợi hơn, góp phần nâng cao chuỗi giá trị từng ngành hàng; các sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng khá. Năm 2018, Đồng Tháp có 10 DN được trao danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao; có 7 DN được Bộ Công Thương công nhận DN xuất khẩu uy tín. Ước tổng giá trị sản xuất công nghiệp đến cuối năm đạt 57.511 tỷ đồng (theo giá năm 2010), tăng 7,79% so với năm 2017. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại các ngành sản xuất công nghiệp chưa tạo được sự thay đổi mạnh mẽ trong tăng trưởng của ngành, chưa phát triển thêm ngành hàng mới với quy mô lớn, nhiều sản phẩm hàng hóa có hàm lượng công nghệ thấp nên thiếu tính cạnh tranh.

Tỷ lệ lắp đầy bình quân 3 khu công nghiệp (Sa Đéc, Trần Quốc Toản, sông Hậu) đạt 96,15%; 14 cụm công nghiệp đạt 73%. Tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tân Kiều với diện tích 148,71ha; thực hiện giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp Tân Lập với diện tích 49,5ha, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ có quỹ đất sạch phục vụ công tác kêu gọi đầu tư; đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ thành lập cụm công nghiệp Mỹ Hiệp 2. Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được triển khai thực hiện đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đến nay, TP.Sa Đéc đã hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công bố rộng rãi và tổ chức thực hiện theo hướng xây dựng thành phố hoa, là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư dự án Khu đô thị Phú Long, tại xã Tân Phú Đông; nghiên cứu lập Quy hoạch Khu Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí tại cồn Đông Giang, TP.Sa Đéc.

Phát triển doanh nghiệp thúc đẩy khởi nghiệp

UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, nhất là thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối với DN, giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời chỉ đạo các ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong năm 2018 gắn với cải thiện các chỉ số PAPI, PAR, ICT.

Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp, mời các chuyên gia kinh tế chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn về khởi nghiệp như: Chương trình tập huấn “Khởi sự DN”; hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong DN và hoạt động đầu tư khởi nghiệp”; chương trình “Kết nối DN khởi nghiệp và nhà đầu tư”...; thành lập Trung tâm Hỗ trợ DN và Khởi nghiệp tỉnh để trực tiếp tư vấn về quy trình thủ tục, các chính sách tín dụng cho DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa; hỗ trợ các DN khởi nghiệp tham gia các hội nghị xúc tiến, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước, qua đó góp phần hun đúc tinh thần khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đến nay đã có 396 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.828 tỷ đồng, nâng tổng số lên 3.577 DN. Đồng thời chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án, với tổng vốn đăng ký 1.433 tỷ đồng (trong đó có 2 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 43,7 tỷ đồng).

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở và địa phương thuộc tỉnh Đồng Tháp (DDCI) năm 2018 và những năm tiếp theo, nhằm đánh giá năng lực điều hành của lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền cấp huyện thuộc tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế, tạo động lực cải thiện chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN trên địa bàn.

Theo DŨNG CHINH (Báo Đồng Tháp Online)