Đột phá trong nhân bản voi ma mút

28/03/2019 - 20:12

Các nhà khoa học đến từ Nga và Nhật Bản đã nghiên cứu hơn 20 năm trước khi công bố điều được miêu tả là một tiến triển lớn, trong đó các tế bào được tách từ một con voi ma mút lông tìm thấy tại tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia được cấy vào một phôi thai chuột, và sau đó đã cho thấy hoạt tính sinh học.

Nhóm các nhà khoa học Nhật Bản và Nga đã tiết lộ bước tiến quan trọng trong công trình đưa voi ma mút lông, sinh vật tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước, trở lại cuộc sống.

Theo tờ báo Đức Deutsche Welle, vài mẫu thử tách từ chân của một con voi ma mút con, “Yuka”, được tìm thấy ở Siberia tám năm trước, đã cho thấy các phản ứng sinh học cần thiết trước khi phân chia tế bào.

Nhân tế bào được tìm thấy từ một sinh vật khoảng 28.000 năm tuổi và cấy vào các tế bào chuột. Một thành viên của nhóm nghiên cứu quốc tế tại Đại học Kindai, Giáo sư Kei Miyamoto, đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với tớ báo rằng các tế bào có thể phản ứng và cho thấy hoạt tính sinh học, dù đã bị đóng băng hàng nghìn năm trong tầng đất đóng băng vĩnh viễn.

Tuy nhiên, anh cũng cho biết dù tiến triển rất hứa hẹn, không có tế bào nào phân chia cả - điều thiết yếu để đưa những sinh vật tuyệt chủng trở lại, cảnh cáo không được hình dung kế hoạch không tưởng này sẽ trở thành sự thật.

Anh cho biết: “Chúng tôi vẫn còn cách rất xa Jurassic Park. Công nghệ hồi sinh một sinh vật tuyệt chủng chưa có, dù tôi sẽ không phủ nhận rằng có thể trong tương lai sẽ có. Chúng tôi chỉ phải tiếp tục nghiên cứu”.

Theo anh, mục tiêu tiếp theo của các nhà khoa học là phân chia tế bào, nên họ đang nghiên cứu xác con voi ma mút để tìm những tế bào ít bị tổn thương hơn có thể giúp đội nghiên cứu chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Các chuyên gia đang tìm kiếm “họ hàng” của Yuka có thể được bảo quản đủ tốt để trở thành “vật liệu” cho việc nhân bản trong tương lai.

Dù vẫn chưa rõ liệu nhiệm vụ này có thành công không, vị giáo sư tiết lộ rằng anh mong mỏi ngăn chặn các loài động vật nguy cấp khỏi tuyệt chủng, vì anh đang nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới cách chúng biến mất.

Theo LỘC XUÂN (Dân Trí)