Du khách chưa hài lòng gì ở du lịch An Giang?

15/01/2019 - 08:00

 - Du lịch được xem là 1 trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, được tập trung đầu tư phát triển trong những năm qua. Tuy nhiên, mức độ phát triển như thế nào, mức độ hài lòng của du khách đối với du lịch An Giang có được cải thiện hay không cần phải có một cuộc khảo sát mang tính chân thực, khách quan. Để từ đó, có những giải pháp căn bản hơn phát triển du lịch đồng bộ và hiệu quả, mang lại niềm vui, yêu thích cho du khách khi đến với An Giang.

Đó là cuộc điều tra xã hội học về “Sự hài lòng của người dân đối với lĩnh vực du lịch” được Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh cùng Sở Nội vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học An Giang) thực hiện. Cuộc điều tra được thực hiện trên toàn tỉnh, với tổng số phiếu là 2.000. Đối tượng điều tra là đại diện các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhằm thu thập ý kiến của người dân về cảnh quan môi trường, cơ sở hạ tầng, các hoạt động tại điểm du lịch và các giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của du khách đối với du lịch tỉnh nhà.

Kết quả khảo sát cho thấy, bên cạnh những ưu điểm về lợi thế du lịch như: cảnh quan đa dạng, nhiều loại hình du lịch thế nhưng khi trải nghiệm du lịch An Giang có đến 29,2% đối tượng cho rằng, không hài lòng với điều kiện an ninh, trật tự tại các điểm du lịch. Đây là một tỷ lệ khá cao, phản ánh tâm lý bất an của người dân, mà không hài lòng nhất là ở các huyện: Tịnh Biên, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên. Về điều kiện an toàn tại các điểm đến, kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn 6% người dân cảm thấy không an toàn, số người thấy an toàn là 24,7%, người thấy bình thường là 69,3%. Tuy tỷ lệ không hài lòng thấp nhưng cũng cần lưu tâm để có những giải pháp điều chỉnh hợp lý. Ở lĩnh vực ẩm thực, đa số người dân rất yêu thích ẩm thực và các đặc sản An Giang. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến đánh giá về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch, có đến 16,9% ý kiến không hài lòng, do họ băn khoăn về nguồn gốc, quy trình sản xuất, cách chế biến thực phẩm. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến sự e ngại khi sử dụng các gói dịch vụ liên quan đến ẩm thực tại các khu du lịch.

Về cảnh quan môi trường tại các điểm du lịch, có 20,3% người dân không hài lòng về chất lượng vệ sinh môi trường, do một số điểm đến có quá nhiều rác thải, thiếu những nhà vệ sinh công cộng đạt chất lượng. Đánh giá về các phương tiện vận chuyển du lịch trên địa bàn tỉnh, chỉ có 5,5% ý kiến người dân không hài lòng. Về cơ sở phục vụ lưu trú tại điểm du lịch, kết quả khảo sát chỉ có 6,5% người dân đánh giá không hài lòng. Về tính thân thiện của người dân địa phương được đánh giá rất cao, chỉ có 2,4% người dân chưa hài lòng. Công tác truyền thông, quảng bá du lịch, bố trí dịch vụ mua sắm, khu vui chơi giải trí, đặc trưng lễ hội có sự chuyển biến tốt, với mức độ không hài lòng luôn ở dưới mức 10%.

Từ tổng hợp những ý kiến của người dân và những đề xuất của ngành chuyên môn, UBMTQVN tỉnh đưa ra các nhóm giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của du khách đối với ngành du lịch An Giang. Đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và du khách về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường du lịch; các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, thái độ phục vụ cho nhân viên và hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm; đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các chuyên trang du lịch, phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông đến các điểm du lịch, đảm bảo hệ thống chiếu sáng nhà vệ sinh công cộng, hệ thống nhà nghỉ sạch đẹp; tăng cường rà soát, kiểm tra thường xuyên các phương tiện và người sử dụng các phương tiện vận chuyển du khách, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về giá của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch. Ban quản lý du lịch cần yêu cầu các cơ sở phải đăng ký kê khai giá với cơ quan quản lý, niêm yết giá đầy đủ, rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh và bán theo giá niêm yết; tăng cường xử phạt các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm tại các điểm du lịch, loại trừ tệ nạn ăn xin, giành khách, lừa gạt du khách…

Với những giải pháp nêu trên, nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng hình ảnh du lịch An Giang ngày càng thân thiện, hấp dẫn hơn với du khách, thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững hơn.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG