Du lịch Thoại Sơn

14/08/2019 - 07:46

 - Trên địa bàn huyện Thoại Sơn có 5 di tích văn hóa lịch sử, 14 di tích tín ngưỡng truyền thống và 44 cơ sở tôn giáo với nhiều sinh hoạt, lễ hội diễn ra hàng năm. Điển hình như Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn. Đây là lễ hội lớn nhất được huyện tổ chức hàng năm nhằm bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ công lao người đã khẩn hoang, mở cõi trên vùng đất Thoại Sơn.

Với ý nghĩa thiêng liêng cùng những tiết mục văn nghệ độc đáo tưởng nhớ người xưa, lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt người đến dự và tham quan du lịch trên vùng đất Thoại Sơn. Điểm nhấn nổi bật trong Lễ hội văn hóa truyền thống huyện lần thứ XVIII- 2019 là không chỉ kỷ niệm 197 năm ngày dựng bia lập làng Thoại Sơn (1822-2019), mà còn ghi dấu 40 năm tái lập huyện Thoại Sơn (1979-2019) và 18 năm kết nghĩa Thoại Sơn - Sơn Trà (Đà Nẵng). Đặc biệt, đánh dấu ngày đình Thoại Ngọc Hầu và bia đá Thoại Sơn được công bố xếp hạng Di tích Quốc gia. Thế nên, lễ hội không chỉ thu hút khách tham quan, du lịch trong tỉnh mà còn rất đông du khách ngoài tỉnh.

Đình Thoại Ngọc Hầu

Theo quy hoạch, không gian du lịch huyện Thoại Sơn được chia thành 3 cụm, với các chức năng cụ thể. Theo đó, cụm 1 “Óc Eo huyền bí” ở thị trấn Óc Eo và các xã: Vọng Thê, An Bình, Vọng Đông, Mỹ Phú Đông. Cụm 2  với “thị trấn bên hồ” gồm: thị trấn Núi Sập, xã Thoại Giang, Bình Thành; cụm 3 là không gian “Thư giãn cuối tuần” gồm thị trấn Phú Hòa và các xã: Vĩnh Trạch, Vĩnh Chánh, Vĩnh Khánh, Phú Thuận, Định Thành, Định Mỹ. Nói đến “thị trấn bên hồ”, ngoài đình Thoại Ngọc Hầu, ngôi đình nằm dưới chân núi Sập với diện tích khá rộng, xung quanh có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng với tấm bia Thoại Sơn thu hút đông đảo khách tham quan, thờ cúng thì khu du lịch Hồ Ông Thoại cũng là điểm du lịch hấp dẫn. Điểm nhấn của khu du lịch này là giữa cảnh núi non hùng vĩ, hồ nước thơ mộng là những khối đá trông giống như những hòn đảo ngoài biển. “Trên đảo” có tượng đài Thoại Ngọc Hầu cao 10m. Khách tham quan có thể di chuyển từ “đảo” này qua “đảo” khác bằng những chiếc cầu nối với kiến trúc độc đáo, đẹp mắt. Đây cũng là nơi du khách chụp hình “check-in” mỗi khi về với vùng đất ông Thoại.

Hồ ông Thoại hữu tình, thơ mộng

Nếu nói đến cụm “Óc Eo huyền bí” thì không thể không nhắc đến khu di tích đặc biệt cấp quốc gia Óc Eo - nguồn tài nguyên du lịch vô giá mà huyện đang sở hữu, với các điểm như: chùa Linh Sơn, khu Nam Linh Sơn tự, gò Cây Thị… mỗi năm đón hơn 100.000 lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. So với nhiều di tích khảo cổ, khu di tích Ba Thê - Óc Eo là nơi phát hiện số lượng lớn di vật nhiều loại hình, từ vật dụng sinh hoạt trong di chỉ cư trú đến vật dâng cúng quý giá trong các đền, tháp, vật tùy táng trong những ngôi mộ, hay các phế tích kiến trúc đền tháp và tượng thờ… Tất cả như muốn phản ánh quá trình tụ cư, hoạt động kinh tế - văn hóa - tôn giáo, hoạt động giao thương trong một thời gian dài của Vương quốc Phù Nam.

Khách tham quan, tìm hiểu di tích văn hóa Óc Eo

Về cụm “không gian thư giãn cuối tuần”, đó là hướng phát triển các vườn cây ăn trái, gần gũi với thiên nhiên để khách du lịch tận hưởng những phút giây thoải mái bên người thân và bạn bè. Các địa phương nằm trong cụm du lịch này đã có nhiều hoạt động tuyên truyền để người dân thấy được lợi thế và tiềm năng du lịch sinh thái để có định hướng đầu tư. Dù chưa nổi bật nhưng hiện nay, dọc Tỉnh lộ 943, đã hình thành rất nhiều vườn cây ăn trái xanh um và trĩu quả mỗi khi đến mùa thu hoạch như: cam, quýt, táo… Chỉ cần có sự kết nối và đầu tư có định hướng, tin rằng những vườn cây ăn trái ấy sẽ thu hút nhiều khách tham quan và du lịch theo hướng miệt vườn. Giống như khu vui chơi Hana Bana (xã Vĩnh Trạch) đang “nổi lên” thời gian gần đây với những trò chơi dân gian vui nhộn, và vườn trái cây nhiều loại cùng những món ăn dân dã rất được lòng du khách.

Để đẩy mạnh hoạt động thu hút khách du lịch, huyện Thoại Sơn đã triển khai thực hiện trùng tu nhiều công trình, di tích như: đình Thoại Ngọc Hầu, Phan Thanh Giản, Trung Phú Hữu, Định Mỹ, miếu Vĩnh Phước, Linh Sơn tự. Bên cạnh tiếp tục thực hiện dự án Khu du lịch lòng hồ số 2, số 3 để xây dựng Thiền viện Trúc Lâm An Giang nhằm phát triển du lịch theo hướng tâm linh, lòng hồ số 1 (Hồ Ông Thoại) cũng đang tiếp tục duy trì, tôn tạo, sửa mới để thu hút khách du lịch. Cùng với lợi thế nằm trên cung đường du lịch khép kín: Thoại Sơn- Long Xuyên - Châu Đốc - Tịnh Biên - Tri Tôn - Thoại Sơn, tin rằng du lịch Thoại Sơn sẽ ngày càng phát triển, thu hút nhiều khách tham quan, trải nghiệm, khám phá.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN