Du lịch Thoại Sơn trên đà phát triển

26/03/2018 - 06:57

 - Là điểm đến vệ tinh của TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc (An Giang), đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tuyến, điểm du lịch (DL) của tỉnh, Thoại Sơn có nhiều tiềm năng phát triển DL. Hơn nữa, với lợi thế có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng, Thoại Sơn đang tích cực triển khai kế hoạch phát triển DL giai đoạn 2017-2020 dựa trên những tiềm năng sẵn có theo hướng quy mô, bền vững.

Cách trung tâm hành chính tỉnh 25km, nằm trên cung DL khép kín toàn tỉnh: Thoại Sơn - Long Xuyên - Châu Đốc- Tịnh Biên - Tri Tôn - Thoại Sơn, Thoại Sơn (An Giang) đang từng bước khẳng định DL là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực.

Những năm qua, lĩnh vực dịch vụ và DL được huyện chú trọng đầu tư phát triển. Bởi, ngoài địa hình đa dạng, sông ngòi chằng chịch, núi non huyền bí, Thoại Sơn còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan, DL hàng năm như: di chỉ Óc Eo, bia Thoại Sơn, núi Sập, núi Ba Thê, chùa Linh Sơn...

Ngoài ra, Thoại Sơn còn nổi danh với một số nghề truyền thống như: đá thủ công mỹ nghệ, bó chổi cọng dừa, làm tranh lá thốt nốt, tranh vỏ trấu, khô cá lóc... là lợi thế trong khai thác, phát triển DL.

Hồ ông Thoại

Trong định hướng phát triển DL giai đoạn 2017-2020, huyện Thoại Sơn tập trung phát triển loại hình DL sinh thái, DL cộng đồng, DL văn hóa - tâm linh. Đặc biệt, xây dựng sản phẩm DL dựa trên những tài nguyên có tiềm năng và đủ điều kiện phát triển và tăng cường quảng bá, xúc tiến DL.

Hiện, UBND huyện đã kêu gọi các dự án đầu tư phát triển DL gắn với tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, xây dựng công trình văn hóa nhằm “biến” Thoại Sơn thành điểm đến ấn tượng, mang vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên nhưng không kém phần tâm linh, huyền bí.

Trên địa bàn huyện có 5 di tích văn hóa lịch sử, 14 di tích tín ngưỡng truyền thống và 44 cơ sở tôn giáo với nhiều sinh hoạt, lễ hội diễn ra hàng năm. Đây là điểm nhấn quan trọng cho chiến lược phát triển DL trên vùng đất ông Thoại.

Đặc biệt là khu di tích đặc biệt cấp quốc gia Óc Eo - nguồn tài nguyên DL vô giá mà huyện đang sở hữu, với các điểm như: chùa Linh Sơn, khu Nam Linh sơn tự, gò Cây Thị… mỗi năm đón hơn 100.000 lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu.

Thời gian tới, Ban Quản lý di tích đặc biệt này sẽ xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa Óc Eo. Chắc rằng, lượng du khách đến tham quan sẽ ngày càng tăng vọt.

Đoàn viên tham quan Linh Sơn cổ tự

Xác định công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến DL là một phần thiết yếu, quan trọng trong xây dựng, phát triển DL, Thoại Sơn đã xây dựng trang website và nhận diện thương hiệu cho DL.

Ngoài ra, trang mạng xã hội https://vi-vn.facebook.com/khudulichhoongthoai, thu hút trên 3.000 lượt thích. Tuy nhiên, địa bàn huyện hầu như không có doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực liên quan DL đủ lớn và chuyên nghiệp. Vì thế, lực lượng lao động trực tiếp trong ngành DL không nhiều và chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.

Trong tương lai, để DL Thoại Sơn ngày càng phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư, huyện đang tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Môi trường DL lành mạnh, an toàn, thân thiện và văn minh là điều mà Thoại Sơn đang hướng đến.

Với những định hướng cụ thể trong kế hoạch phát triển DL huyện Thoại Sơn giai đoạn 2017-2020 như: khai thác và phát triển DL, định hướng sản phẩm, định hướng không gian, định hướng thị trường, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy DL phát triển.

Hiện, Khu DL lòng hồ số 1 đã được Công ty Cổ phần Kiên Giang Phát đầu tư, khai thác, phát triển các hạng mục công trình theo hướng hiện đại hơn như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí… Tương lai, đây sẽ là 1 trong những điểm thu hút đông đảo khách tham quan DL. Song song đó, việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm An Giang không chỉ là niềm vui đối với các tín đồ phật tử, mà còn là công trình văn hóa, kiến trúc mang đậm tính tâm linh, làm nên điểm khác biệt cho Thoại Sơn

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN