Du lịch trên sông - mô hình mới

12/02/2018 - 01:53

 - Nhằm tạo ra sản phẩm mới cho du lịch (DL) TP. Long Xuyên, những ngày qua, ông Robert Van Zijst (chuyên gia về DL và nhà hàng thuộc tổ chức PUM-Hà Lan) đã có thời gian trải nghiệm, khảo sát, đưa ra ý kiến tư vấn về mô hình DL trên sông.

Theo ông Robert Van Zijst, qua thời gian tham quan và khảo sát, tìm hiểu thì ông cho rằng việc triển khai loại hình DL trên sông ở địa bàn TP. Long Xuyên sẽ giúp cho địa phương có một sản phẩm, mô hình DL mới để thu hút, giữ chân du khách. Bởi, trong nhịp sống hối hả, loại hình DL trên sông sẽ giúp du khách cảm thấy nhẹ nhàng, mọi thứ như chậm lại, bao muộn phiền, lo toan gác sang một bên để ngắm nhìn cảnh vật, hòa cùng thiên nhiên để thư giãn…

Ông Robert Van Zijst (chuyên gia về du lịch và nhà hàng thuộc tổ chức PUM-Hà Lan) trải nghiệm trên sông ở TP. Long Xuyên

Ông Robert Van Zijst cho rằng, để làm mô hình DL trên sông giống như ở Hà Lan thì nên phân ra nhiều nhóm khách (tiết kiệm, trung bình, hạng sang). Đối với TP. Long Xuyên, nên nhắm đến nhóm khách trung bình, hạng sang để tăng doanh thu và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Để thu hút được 2 nhóm khách trung bình và hạng sang đến TP. Long Xuyên DL, đòi hỏi phương tiện vận chuyển (ôtô), khách sạn, dịch vụ đi kèm phải xứng tầm, phải tạo sự thoải mái, chu đáo cho du khách. Đặc biệt là dịch vụ, ăn uống phải đáp ứng được khách từ trung bình trở lên. Đồng thời, phải làm nổi bật các sản phẩm DL của tỉnh tại các khu, điểm DL (Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, núi Cấm, rừng Tràm Trà Sư…) để tạo sự liên kết, hấp dẫn cho DL An Giang nhưng phải hướng về tự nhiên và môi trường chứ không chỉ có DL tâm linh.

Là du khách nước ngoài, ông Robert Van Zijst cho rằng khi đến với Long Xuyên nói riêng và An Giang nói chung, du khách không tìm đến những thứ giống như Disney Land với những dịch vụ vui chơi, giải trí hoành tráng. Du khách đến đây không phải nhìn đèn, trang trí đẹp mà họ đến để tìm về lịch sử, văn hóa, tập quán sống, sinh hoạt, nhất là về thiên nhiên và con người nơi đây. Do đó, người làm DL phải nắm, hiểu được tâm lý của khách.

Ngoài tham quan chợ nổi, DL trên sông thì ông Robert Van Zijst nhận thấy chợ Long Xuyên là một điểm thú vị để thu hút khách nước ngoài. Vì khi đến đây ông có thể thấy mọi thứ gần gũi, không có sự phân biệt giới tính, giữa giàu-nghèo; phụ nữ cũng khuân vác, bán hàng không thua gì nam giới; dù bạn giàu hay nghèo thì bạn vẫn được phục vụ và có thể chọn mua cho mình những món hàng phù hợp với túi tiền.

Du khách nước ngoài tham quan chợ nổi Long Xuyên. Ảnh: NGỌC MINH

Đặc biệt, khi đến với TP. Long Xuyên, chuyên gia Hà Lan thấy mọi người thân thiện và đi đến đâu cũng được chào đón. Cảm giác an toàn, yên bình, không lo lắng. Qua quan sát, ông nhận thấy cách sống của người dân nơi đây tích cực, không có sự phân biệt giàu- nghèo.

“Tôi có thể cảm nhận cuộc sống ở đây an toàn, hạnh phúc so với ở nước ngoài. Đây đúng là một nơi đáng sống và một điểm DL thú vị cho những khách muốn trải nghiệm và hòa mình vào thiên nhiên”.

Ông Phan Phạm Cảnh Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư DL Helen Phan cho biết: “Việc mời ông Robert Van Zijst, chuyên gia người Hà Lan đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người dân và trải nghiệm DL ở chợ nổi Long Xuyên nhằm nghiên cứu, tìm sự khác biệt, sản phẩm mới cho DL An Giang nói chung và TP. Long Xuyên nói riêng để giữ chân du khách ở lâu hơn.

Nếu chúng ta không nghiên cứu, tạo ra sản phẩm và sự khác biệt cho DL thì không thể giữ chân và “giúp” du khách tiêu tiền. Bởi thực tế hiện nay, khi khách đến và ở qua đêm tại TP. Long Xuyên thì họ sẽ không biết đi đâu, làm gì vào buổi tối và lúc sáng sớm.

Vì vậy, việc mời chuyên gia Hà Lan đến An Giang nhằm học hỏi kinh nghiệm của họ trong việc quản lý, phát triển loại hình này ở Hà Lan, định hình khách hàng tiềm năng, những yếu tố bên ngoài lẫn bên trong khi triển khai thực hiện.

Qua đi thực tế, khảo sát, ông Robert Van Zijst đã tư vấn, đưa ra hướng đi, cách xây dựng sản phẩm DL nổi bật, đủ sức giữ chân du khách, góp phần phát triển DL của TP. Long Xuyên nói riêng và An Giang nói chung”.

MINH THƯ