Dự thảo chương trình các môn học: Khoa học tự nhiên góp phần hình thành thế giới quan khoa học của học sinh

01/03/2018 - 08:59

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Khoa học tự nhiên là môn học bắt buộc ở bậc Trung học cơ sở, được phát triển từ môn Khoa học ở lớp 4,5 (cấp Tiểu học).

Môn học này được xây dựng và phát triển trên nền tảng của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học trái đất ... Đây là môn học nền tảng trong việc hình thành và phát triển thế giới quan khoa học của học sinh cấp Trung học cơ sở. 

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Khoa học tự nhiên là môn học bắt buộc ở bậc Trung học cơ sở, được phát triển từ môn Khoa học ở lớp 4,5 (cấp Tiểu học). Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Tiếp cận xu hướng giáo dục tiên tiến 

Tiến sĩ Trương Xuân Cảnh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá: Dự thảo chương trình môn Khoa học tự nhiên có một số ưu điểm nổi trội so với chương trình hiện hành, đã cụ thể hoá được mục tiêu và yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. 

Chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận hình thành và phát triển năng lực người học, đảm bảo cho học sinh vừa tiếp thu được tri thức khoa học, áp dụng tri thức đó vào thực tiễn, tiếp thu các xu hướng giáo dục tiên tiến trong khu vực và quốc tế. 

Chương trình tích hợp nội dung chính của môn Vật lý, Hóa học, Sinh học theo logic dựa trên nguyên lý chung về tính cấu trúc, sự đa dạng, tương tác, tính hệ thống cùng sự vận động và biến đổi, tức là có tính tích hợp nội dung, nguyên lý vận động của vật chất trong tự nhiên. Đồng thời, dự thảo chương trình chú trọng đến bản chất vận động của thế giới tự nhiên, quan tâm đến rèn luyện kĩ năng, phát triển năng lực của người học, giản lược được những nội dung nặng về kiến thức. 

Bên cạnh đó, các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, đồng thời có thêm một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên. 

Môn Khoa học tự nhiên chú trọng thực hành, thí nghiệm, hoạt động trải nghiệm. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển năng lực nhận thức kiến thức khoa học, năng lực tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn. 

Chương trình dự thảo cũng đã đáp ứng được yêu cầu phân luồng học sinh sau cấp Trung học cơ sở, chuẩn bị hành trang tri thức cho học sinh theo đuổi tiếp con đường học thuật hoặc rẽ nhánh học nghề phù hợp với năng lực bản thân. 

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trương Xuân Cảnh, khi biên soạn nội dung các chủ đề khoa học cần cố gắng để có sự hòa quyện một cách tự nhiên. Bởi việc tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên mang tính tổng thể, hệ thống nhưng lại mất đi tính phát triển liên tục. Do đó, cần quan tâm đến tính trọn vẹn của chủ đề khoa học trong chương trình. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Học để làm gì” là câu hỏi có rất nhiều đáp án, trong đó “học để thích nghi với môi trường sống” là một đáp án rất quan trọng. Muốn thích nghi, con người cần giải quyết được những vấn đề do môi trường sống đặt ra, trong đó có môi trường tự nhiên. 

Tuy nhiên, các vấn đề của môi trường tự nhiên không thể được giải quyết triệt để, thấu đáo bằng kiến thức của từng môn học riêng rẽ. Nếu môn Khoa học tự nhiên bao gồm các kiến thức khoa học tích hợp được triển khai thành công sẽ ưu việt hơn hẳn các đơn môn trong việc giải quyết vấn đề “học để thích nghi”. 

Thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá 

Theo Tiến sĩ Trương Xuân Cảnh, để thực hiện chương trình môn Khoa học tự nhiên, cần đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường phối hợp hoạt động học tập cá nhân với học tập hợp tác nhóm nhỏ. Giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập. Giáo viên cần rèn luyện cho học sinh thói quen và năng lực tự học, phát huy tiềm năng, kiến thức, kỹ năng đã tích luỹ được. 

Nhà trường cần tăng cường các giờ học thực hành thí nghiệm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong môi trường tự nhiên, tham quan các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, nhà máy sản xuất có áp dụng kiến thức nội dung bài học, tăng cường các hoạt động ứng dụng kiến thức môn học vào thực tiễn. 

Tiến sĩ Trương Xuân Cảnh nhấn mạnh: Việc kiểm tra đánh giá cũng cần đổi mới, gắn liền với quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Trong đó, chú trọng đến đánh giá quá trình, đánh giá kĩ năng và kết hợp nhiều biện pháp đánh giá khác nhau; bảo đảm đánh giá toàn diện nội dung, năng lực chung, năng lực đặc thù môn học, phẩm chất của người học. Vấn đề tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh cần được chú ý và xem đó là biện pháp rèn luyện năng lực tự học, năng lực tư duy phê phán, phẩm chất chăm học, vượt khó, tự chủ, tự tin của học sinh. 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Văn Hưng chia sẻ: Học kiến thức gắn liền với thực nghiệm khoa học, trên cơ sở đó, vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn là xu thế hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta không thể đứng ngoài tiến trình lịch sử này của nhân loại. Để phù hợp với cách tiếp cận đó, chúng ta cần có một số thay đổi như: kiến thức môn học phải chỉ ra được việc học kiến thức này gắn với thực tiễn cuộc sống như thế nào; học sinh cần được trực tiếp thực nghiệm trên lớp và thực hành tại địa phương những kiến thức học được. Việc kiểm tra đánh giá cũng cần phải đổi mới theo hướng trả lời cho câu hỏi “học cái đó để làm gì?” hoặc tự mình phát hiện ra vấn đề và giải quyết vấn đề trong thực tiễn chứ không đơn thuần là trả lời câu hỏi của thầy một cách thụ động. 

Bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội): Trong những năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, nhà trường cần bố trí giáo viên phù hợp với mạch nội dung dạy học trên nguyên tắc giáo viên thuận lợi trong việc dạy nội dung nào thì bố trí dạy nội dung đó. Công tác phân công giáo viên và xếp thời khóa biểu chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi nhưng cần đảm bảo tính thống nhất của môn học theo sự sắp xếp của các mạch nội dung, không nên tách riêng ra từng phần cho từng giáo viên dạy riêng rẽ. 

Từ nay đến khi thực hiện môn Khoa học tự nhiên (lớp 6) ít nhất còn ba năm nữa, đây là thời gian để các trường sư phạm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên có thể dạy tốt môn học. Những giáo viên có khả năng, ngoài việc tập huấn dạy nội dung chuyên môn của mình, dần dần sẽ được đào tạo theo cơ chế tín chỉ để có thể đảm nhận thêm những nội dung mới, chưa được đào tạo trước đây. 

Khoa học tự nhiên là một môn học, không phải ba môn học riêng rẽ cộng lại một cách cơ học nên hoạt động chuyên môn trong nhà trường cần bố trí lại theo hướng một môn học. Giáo viên trong tổ bộ môn Khoa học tự nhiên cần hỗ trợ lẫn nhau ở những nội dung và chủ đề tích hợp. Ngoài ra, do môn học cần tăng cường hoạt động thực hành và trải nghiệm nên giáo viên cần bỏ nhiều công sức chuẩn bị hơn. 

Tiến sĩ Trương Xuân Cảnh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Để chuẩn bị cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung và chương trình môn Khoa học tự nhiên nói riêng, chúng ta cần bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên. Trước hết, cần khảo sát, đánh giá lại năng lực của giáo viên một cách chính xác, khách quan, đối chiếu với yêu cầu của Chương trình giáo dục mới để thấy rõ cái đang cần, đang thiếu của giáo viên. 

Từ đó, xác định nội dung cần bồi dưỡng cho giáo viên và xây dựng chương trình bồi dưỡng cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, cần xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng về dạy học tích hợp, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát triển chương trình nhà trường, bồi dưỡng năng lực tổ chức nghiên cứu khoa học cho học sinh. Cùng với đó, các trường đào tạo giáo viên cần đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo giáo viên theo hướng đáp ứng mục tiêu giáo dục môn Khoa học tự nhiên ở trường phổ thông.

Theo VIỆT HÀ (Báo Tin Tức)