Dự thảo chương trình môn học sẽ đưa ra lấy ý kiến dư luận trước ngày 12-1

02/01/2018 - 15:35

Vừa qua, tại Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì Hội nghị Giám đốc sở giáo dục đào tạo (GDĐT) về tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Theo kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới như sau:

Sẽ hoàn thiện dự thảo các CT môn học; tiếp tục tổ chức góp ý, thực nghiệm, thẩm định CT môn học; trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành CT GDPT mới (gồm CT GDPT tổng thể và các CT môn học) bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tinh giản và khả thi. Các CT môn học phải bảo đảm thống nhất với CT GDPT tổng thể và xác định rõ hơn yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; kết hợp đổi mới nội dung giáo dục với đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá để giảm tải, dễ dạy, dễ học và giúp người học tự học suốt đời.

Dự thảo chương trình môn học sẽ đưa ra lấy ý kiến dư luận trước ngày 12-1 (ảnh minh họa)

Ban Phát triển CT GDPT tổng thể, Ban Phát triển các CT môn học, Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (viết tắt là RGEP), Vụ Giáo dục Trung học và Vụ Giáo dục Tiểu học theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành các công việc trên trước ngày 30-4-2018.

Ban Quản lý Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực của đội ngũ GV và CBQL cơ sở GDPT (viết tắt là ETEP) phối hợp với Ban Quản lý RGEP tổ chức cho một số giảng viên sư phạm, GV phổ thông và chuyên gia của các hội chuyên ngành, các nhà khoa học tiếp tục góp ý để hoàn chỉnh dự thảo các CT môn học trước khi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước ngày 12-01-2018.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học và Vụ Giáo dục Tiểu học chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành các văn bản quy định về chính tả trong CT, SGK GDPT mới; hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương (trong đó quy định cấu trúc khung tài liệu thống nhất cả nước); hướng dẫn cơ sở GDPT lựa chọn SGK để dạy và học theo CT GDPT mới; hướng dẫn thực hiện dạy học 2 buổi-ngày ở trường tiểu học theo CT GDPT mới, hoàn thành trước ngày 30-4-2018.

Đồng thời, Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Xây dựng chuẩn nghề nghiệp GV phổ thông; chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn GV phổ thông cốt cán và CBQL trường phổ thông cốt cán; khung năng lực GV phổ thông các môn học đặc thù; chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt; hoàn thành, trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành các chuẩn, tiêu chuẩn trên trước ngày 31-01-2018.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho GV cốt cán các môn học về CT, SGK mới theo hình thức tập trung tại Trung ương; hoàn thành trước thời điểm triển khai áp dụng CT, SGK GDPT mới đối với từng lớp tuần tự trong mỗi cấp học ít nhất 6 tháng để địa phương có thời gian tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho GV.

Còn về các kỳ thi sẽ chuyển dần khái niệm thi sang khái niệm kiểm tra đánh giá các kiến thức phổ thông, cơ bản của học sinh, giảm bớt các kỳ thi không thiết thực. Trung tâm khảo thí quốc gia của Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các sở GDĐT xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, các địa phương sử dụng để đánh giá, bảo đảm tính công bằng, khách quan; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá, sử dụng sổ điểm điện tử; tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi, chuẩn hóa đánh giá, áp dụng thi trung học phổ thông quốc gia, tiến tới tổ chức kiểm tra, đánh giá trên máy tính.

Theo HOÀNG THANH (Infonet)

 

Liên kết hữu ích